Động lực lớn khích lệ phong trào xây dựng nông thôn mới
(Baonghean) - Nhân dịp thị xã Thái Hòa đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Nghệ An một cuộc trao đổi. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc.
Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Thái Hòa đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, mà mới đây đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Việc thị xã Thái Hòa được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận danh hiệu này là kết quả tất yếu của sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, với sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Có thể nói, các xã thuộc thị xã Thái Hòa thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm đều thấp, kết quả rà soát năm 2010 bình quân mới đạt 5,2 tiêu chí/xã; tuy nhiên, thị xã Thái Hòa đã có sự sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong triển khai thực hiện chương trình như: Làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo được sự đồng thuận trong toàn đảng, toàn dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới; Ban hành kế hoạch, xác định việc lập quy hoạch là khâu quan trọng then chốt; Có nhiều chương trình, khẩu hiệu hành động cụ thể, như: "60 ngày làm đường giao thông nông thôn kỷ niệm ngày thành lập thị xã 10/5”; “60 ngày về đích nông thôn mới 2015”, "phong trào ngày thứ 7 làm nông thôn mới",...
Có kế hoạch, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Thị ủy làm tổ trưởng trực tiếp phụ trách các xã và giao cho các đồng chí thành viên ban chỉ đạo phụ trách theo lĩnh vực chuyên môn ngành, bám sát cơ sở chỉ đạo và tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thị xã Thái Hòa xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân là cốt lõi, xây dựng nông thôn mới bền vững, nên đã chỉ đạo thành công việc dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngoài chính sách của Trung ương, của tỉnh, thị xã đã ban hành cơ chế hỗ trợ các xã phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, chỉ trong 5 năm (2010 - 2015), thị xã Thái Hòa đã huy động hơn 2,3 ngàn tỷ đồng nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thăm mô hình trồng cam Vân Du tại xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Giang Nam |
Việc ngày 24/2/2016 thị xã Thái Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 sẽ là tiền đề cho việc thị xã Thái Hòa thực hiện mục tiêu hướng tới đô thị loại 3 theo định hướng quy hoạch vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ, và Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Phóng viên: Khi thị xã Thái Hòa là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc đẩy mạnh phong trào này toàn tỉnh, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Thị xã Thái Hòa được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã tiếp thêm động lực to lớn, tạo sức lan tỏa đối với các địa phương trong tỉnh trong việc tiếp tục nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tạo diện mạo mới, sức sống mới ở các làng quê trên địa bàn tỉnh Nghệ An chúng ta. Từ thực tiễn ở Thái Hòa, chúng ta có thể rút ra được một số bài học, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành như sau:
Thứ nhất: Phải làm tốt công tác tuyên truyền đến tận người dân để mỗi người dân đều hiểu mình là đối tượng hưởng thụ trực tiếp, để từ đó tổ chức thực hiện và giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai: Phân công, phân nhiệm rõ ràng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách; xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, còn yếu so với quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Đồng thời nắm vững hệ thống các tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.
Thứ ba: Linh hoạt, lồng ghép các chương trình, dự án để huy động tối đa nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả, trong đó lưu ý nguồn lực trong nhân dân luôn giữ vai trò to lớn và quyết định.
Thứ tư: Phải có hệ thống chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; có bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế, hiệu quả...
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất tại trường Mầm non Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa. |
Phóng viên: Để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 50% số xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Nghệ An phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số xã (216 xã) và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta sẽ phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần phải thực hiện một số nhiệm vụ như:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ đây là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài, chứ không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới người dân được xác định đóng vai trò chủ thể, huy động nội lực là chính, với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước.
Thứ hai, từ các chính sách của Trung ương, Nghệ An sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch và các xã có phong trào giao thông nông thôn khá.
Xây dựng kênh bê tông thực hiện chuẩn hóa tiêu chí NTM giao thông nông thôn. |
Thứ ba, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy không xem nhẹ tiêu chí nào, nhưng cần xếp thứ tự ưu tiên, có bước đi và lộ trình thực hiện. Ưu tiên đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tránh tình trạng “xả hơi” sau khi đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ tư, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò của trưởng thôn.
Đối với các xã ở miền núi, trong lúc chưa xây dựng được cả xã nông thôn mới thì phải xây dựng cho được các thôn, xóm, bản nông thôn mới, để tiến tới cả xã đạt xã nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo các cấp và các tổ chức chính trị xã hội và người dân để đảm bảo sự phát triển đúng hướng và có hiệu quả của chương trình.
Thứ năm, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết". Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch; qua đó thực hiện tốt quy chế dân chủ và công tác huy động xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn ngày càng củng cố và phát triển.
Thứ sáu, có cơ chế khuyến khích, động viên khen thưởng phù hợp, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình nhằm khuyến khích, động viên, thúc đẩy phong trào.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hữu Nghĩa
(Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|