J.K. Simmons và "quả ngọt" Oscar ở tuổi 60

Nam diễn viên sinh năm 1955 được biết tới với vai ông chủ tòa báo trong loạt phim “Spider-Man” đã có tượng vàng đầu tiên với nhân vật thầy giáo hà khắc trong bộ phim độc lập “Whiplash”.
Trước khi lễ trao giải Oscar lần thứ 87 diễn ra, “Nam diễn viên phụ xuất sắc” được xem là hạng mục dễ đoán kết quả nhất. Không phải bởi những tài tử Edward Norton, Robert Duvall, Mark Ruffalo hay Ethan Hawke không diễn hay, chỉ đơn giản là ứng viên còn lại đã có một màn trình diễn còn xuất sắc hơn cả.
Nhân vật người thầy điều khiển dàn nhạc Terence Fletcher đã đem về cho J.K. Simmons tới hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ về diễn xuất. Sau khi được tôn vinh tại những giải SAG, Critic’s Choice, BAFTA hay Quả Cầu Vàng, tượng vàng Oscar được trao cho nam diễn viên kỳ cựu này như một lẽ tất yếu.
 Nam diễn viên kỳ cựu J.K. Simmons.
Nam diễn viên kỳ cựu J.K. Simmons.
Thành danh với phim truyền hình
Năm nay đã 60 tuổi song với nhiều người hâm mộ điện ảnh, J.K. Simmons vẫn là một cái tên ít để lại dấu ấn cho tới trước Whiplash. Nguyên nhân có lẽ là nam diễn viên người Mỹ có tên đầy đủ là Jonathan Kimble Simmons chủ yếu xuất hiện với các bộ phim truyền hình. Ông vốn xuất thân là một diễn viên và ca sĩ trên sân khấu Broadway vào giai đoạn đầu thập niên 1990, trước khi dần được nhớ đến với các vai diễn trên truyền hình. Nổi bật nhất trong số những nhân vật trên màn ảnh nhỏ mà Simmons từng đảm nhiệm có lẽ là gã tù nhân hung hăng Vernon trong loạt phim kinh điển về nhà tù Oz. Ngoài ra, Simmons còn từng tham gia các loạt phim nổi tiếng như Law & Order hay New York Undercover.
Sở hữu chất giọng vang và đanh thép, Simmons còn là người hay được mời tham gia lồng tiếng cho các trò chơi điện tử hay quảng cáo. Ông từng góp giọng trong game đình đám Portal 2 hay những phim hoạt hình The Simpsons, Ultimate Spiderman, Avengers Assemble hay Justice League... Về lĩnh vực điện ảnh, hầu như những vai diễn của Simmons đều là những người đàn ông nghiêm khắc và có tố chất đi đầu. Từng xuất hiện trong những phim như The Ladykillers (2004), Juno (2007), Up in the Air (2009) song nhân vật nổi tiếng nhất của Simmons là nhà báo Jonah Jameson trong ba phần đầu của bom tấn Spider-Man.
Trong vai trò chủ tòa báo Daily Bugle, nhân vật này thường xuyên tỏ thái độ tiêu cực đối với Người Nhện, song thực chất Jameson là một người tốt. Ông sẵn sàng trả tiền hậu hĩnh cho Peter Parker để nhận được những bức ảnh Người Nhện, đồng thời từ chối hé lộ cho kẻ thù của anh danh tính người chụp ảnh.
Ba tập phim Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi từ năm 2002 tới 2007 đã trở thành một hiện tượng với doanh thu tới hơn 2 tỷ USD, góp phần đưa gương mặt của Simmons đến với nhiều hơn với khán giả toàn cầu. Sau khi loạt phim này được làm mới, hình ảnh ông chủ Jameson vẫn để lại dấu ấn trong lòng khán giả và thậm chí còn là chủ đề cho nhiều bức ảnh chế được cư dân mạng ưa thích. Song với Whiplash, tài năng diễn xuất của Simmons đã được thừa nhận rộng rãi.
Vai diễn của sự nghiệp
Whiplash là bộ phim độc lập do Damien Chazelle viết kịch bản và đạo diễn dựa trên những trải nghiệm thật của anh khi chơi cho ban nhạc của trường phổ thông Princeton. Câu chuyện phim xoay quanh Andrew (Miles Teller), một tay chơi trống với hoài bão trở thành một nghệ sĩ vĩ đại. Cơ hội đó đến khi anh tham gia học viện âm nhạc hàng đầu Shaffer và lọt vào mắt xanh của thầy dạy nhạc Terence Fletcher (J.K. Simmons). Được chọn vào ban nhạc của trường để tập luyện tranh tài tại những cuộc thi âm nhạc, Andrew không thể lường trước được những khó khăn mà anh sẽ phải đương đầu...
Whiplash nói về đam mê, về sự khắc nghiệt trên con đường tới vinh quang và lôi cuốn khán giả không chỉ bởi những nhịp trống mê hồn mà còn nhờ diễn xuất hoàn hảo của hai diễn viên chính. Miles Teller chứng tỏ anh là một trong những tài năng 9x hàng đầu Hollywood hiện nay với vai Andrew - một chàng trai sẵn sàng cháy hết mình vì ước mơ được trở nên vĩ đại. Anh sẵn sàng trải qua hàng giờ liền khổ luyện trên bộ trống đến mức hay bàn tay rớm máu, chấp nhận bỏ cả bạn gái để theo đuổi đam mê...
Nhưng một phần lý do mà Andrew phải vất vả đến vậy là sự xuất hiện của người thầy Fletcher - cơn ác mộng thực sự đối với những kẻ yếu tim.
Ngay từ phân cảnh đầu tiên xuất hiện trong hành lang đầy bóng tối của trường Schaffer, Fletcher đã thu hút sự chú ý với thân hình lực lưỡng cùng bộ đồ đen tuyền. Màu đen đó được ông mặc trong suốt phim, như một cách thể hiện quyền lực và sự “hắc ám” của mình đối với dàn nhạc. Ngôn từ mà Fletcher sử dụng có thể khiến những người bình thường phải nhíu mày vì sự tục tĩu và gây tổn thương của chúng. Ông sẵn sàng sỉ vả học sinh một cách không khoan nhượng trước tất cả bạn bè bởi anh chơi sai nhịp, hay tát bôm bốp vào mặt Andrew cho đến khi anh nói được đúng ý ông muốn nói... Dữ dội đến tàn bạo trong phòng tập, phiêu cùng từng giai điệu trên sân khấu là con người của Fletcher.
Khi xem Whiplash, người xem có thể không ưa Fletcher bởi sự nghiêm khắc và đòi hỏi quá cao của ông, nhưng một điều không thể phủ nhận là sức hút tỏa ra từ nhân vật này. Nếu không có sự thúc ép từ “quái vật” Fletcher, liệu Andrew có thể có một màn solo tuyệt vời như thể đó là lần cuối cậu được chơi trống ở cuối phim? Không chỉ có những màn mạt sát hay thị phạm khiến học sinh run sợ, nhân vật Fletcher còn có những khoảnh khắc khiến tất cả phải suy ngẫm.
Trong cuộc trò chuyện với Andrew, ông tâm sự: “Tôi không ở học viện Shaffer để chỉ huy. Bất cứ gã khờ nào cũng có thể vẫy tay để dàn nhạc chơi đúng nhịp. Tôi ở đó để thúc đẩy mọi người vượt qua giới hạn mà họ kỳ vọng ở bản thân. Tôi tin đó là một điều cần thiết”. Ông ta đẩy mọi thứ vượt quá giới hạn đến thế, cũng chỉ bởi mong tìm được một nhân vật xuất chúng như Charlie Parker.
Với vai ông thầy khắc nghiệt trong
Với vai ông thầy khắc nghiệt trong "Whiplash", J.K. Simmons giành giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp cho "Nam diễn viên phụ xuất sắc".
Con đường tới sự vĩ đại
Ngay sau khi ra mắt, Whiplash đã được xem như một trong những bộ phim hay nhất của năm 2014. Trên trang IMDB, bộ phim nhận được điểm 8,6 trong khi điểm từ Metascore cho tác phẩm này là 8,8. Trong hàng loạt lời có cánh dành cho Whiplash, không thể thiếu những lời khen ngợi màn hóa thân xuất sắc của J.K. Simmons. Tờ Entertainment Weekly đã không ngần ngại kêu gọi: “Hãy đánh hồi trống Oscar để chuẩn bị tôn vinh Simmons đi” từ hàng tháng trời trước khi những đề cử Oscar được công bố.
Điều đó đã trở thành sự thật hôm 22/2 tại Nhà hát Dolby, khi J.K.Simmons được Lupita Nyong’o xướng tên. Tượng vàng Oscar “Nam diễn viên phụ xuất sắc” là quả ngọt cuối cùng trong mùa giải thưởng điện ảnh cho nam diễn viên sinh năm 1955, sau khi ông đã càn quét gần như mọi giải thưởng tại hạng mục này trong các sự kiện tiền Oscar. Khi lên bục nhận giải, người hâm mộ được thấy một Simmons hiền hậu và tươi cười, trái ngược hẳn với nhân vật ông đảm nhiệm trong Whiplash.
Sau màn cảm ơn, diễn viên kỳ cựu này gây bất ngờ với một thông điệp ý nghĩa: “Có mặt tại bục chiến thắng Oscar cho tôi cơ hội xuất hiện trước nhiều người hơn cả khi đóng quảng cáo nữa. Hỡi những khán giả, hãy đừng nhắn tin, đừng gửi email. Hãy gọi cho cha mẹ mình, nói với họ rằng bạn yêu họ và cảm ơn họ. Hãy lắng nghe họ chừng nào họ vẫn còn muốn nói chuyện với bạn”.
Thông điệp đó đã nhận được những tràng vỗ tay không ngớt từ phía khán phòng. Một Simmons giàu tình cảm ở ngoài đời và một Fletcher khác hẳn trong phim cho thấy tài diễn xuất của nam diễn viên này. Trong Whiplash, nhân vật Fletcher có một câu nói đáng nhớ: “Trong tiếng Anh, không có hai từ nào đáng sợ hơn “Good Job” (Làm tốt lắm)”. Nhưng nếu nói về màn trình diễn của Simmons trong Whiplash thì hai từ đó thậm chí còn không đủ và ông hoàn toàn xứng đáng với tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp./.
Theo VnExpress

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.