Làng nghề hương trầm Quỳ Châu 'thức trắng đêm' để làm hàng Tết

Văn Trường 16/01/2022 06:55

(Baonghean.vn) - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhân công ở làng nghề hương trầm Quỳ Châu phải làm việc hết công suất, thậm chí thức trắng đêm để kịp có sản phẩm giao cho khách hàng khắp nơi.

Cơ sở sản xuất hương trầm của bà Hoàng Thị Hợi ở thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu nhộn nhịp thời điểm giáp Tết. Ảnh: Văn Trường

Về làng nghề hương trầm Quỳ Châu những ngày này, thoang thoảng mùi thơm hương trầm len trong gió. Đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tất bật với công đoạn làm hương. Theo người dân, nghề làm hương trầm Quỳ Châu đã có từ nhiều năm và được lưu truyền tới tận ngày nay.

Với mùi hương đặc trưng, hương trầm Quỳ Châu bây giờ không chỉ cung cấp nguồn hương phục vụ cho đời sống tâm linh người dân xứ Nghệ mà còn mở rộng thị trường đến khắp các vùng, miền trên cả nước.

Bà Hoàng Thị Hợi - chủ cơ sở sản xuất hương trầm ở thị trấn Tân Lạc cho biết, dịp này cơ sở có hơn 10 lao động đang miệt mài quấn hương, đóng thùng… Từ tháng 10 âm lịch cho đến giáp Tết là mùa cao điểm của làng nghề làm hương trầm. Mỗi ngày cơ sở sản xuất được trên 10.000 que hương. Về đầu ra rất thuận lợi, chủ yếu khách hàng từ khắp nơi về lấy như TP. Vinh và một số tỉnh phía Bắc.

Nguyên liệu làm hương trầm được chuẩn bị sẵn sàng. Ảnh: Văn Trường

Để chống hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, cơ sở này cũng đã dán mác đăng ký mã số, mã vạch lên sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc nơi sản xuất. Ngoài các sản phẩm truyền thống như hương thẻ, làng nghề còn sản xuất các sản phẩm mới như hương nụ, hương vòng…

Để sản phẩm hương trầm đạt chất lượng tốt, ngay từ đầu năm, người dân phải chuẩn bị và lựa chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng, đặt mua rễ hương là nguyên liệu chính kết hợp với các loại thảo mộc khác như hoa hồi, thảo quả, bã mía… Tất cả đều được xay nghiền bột sau đó mới trộn nguyên liệu theo tỉ lệ gia truyền. Chu hương được làm từ thân cây lùng non, chặt từ đầu năm và ngâm bùn đến tháng 9-10 thì đưa lên để chẻ và ngâm tẩm thuốc, màu, làm sao để khô mà không giòn. Hương được cuốn chặt bằng loại giấy bản, mép giấy được quét phẩm màu khi cuốn lên trông rất đẹp.

Giấy bản quấn hương trầm tại một cơ sở sản xuất hương tại thị trấn Tân Lạc. Ảnh: Văn Trường

Ông Lô Văn Thế -Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết, những năm qua, hương trầm là sản phẩm chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tính đến nay, nghề hương trầm Quỳ Châu được công nhận 3 làng có nghề (tập trung ở Thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, xã Châu Bình và Châu Tiến). Sản lượng hàng năm đạt khoảng 80-90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, có 220 hộ tham gia sản xuất, tạo công việc làm ổn định cho 500 - 600 trăm lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân huyện Quỳ Châu.

Về lâu dài, huyện Quỳ Châu đang triển khai các giải pháp để phát triển nghề hương trầm, như phát triển theo “chuỗi giá trị sản phẩm”; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây hương bài, lùng, nứa.

Sản phẩm hương trầm được dán mác đăng ký mã số, mã vạch lên sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc nơi sản xuất. Ảnh: Văn Trường

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề làm hương trầm, tổ chức cho các làng nghề, hộ sản xuất tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Triển khai các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng sản phẩm hương, gồm hương thẻ, hương nụ, hương vòng. Khuyến khích các hộ sản xuất hương trầm có quy mô lớn, cần phải đầu tư thêm các công cụ, máy móc để giảm bớt các công đoạn trong sản xuất cũng như làm mới thêm mẫu mã sản phẩm./.

'Loạn' nhãn hiệu hương trầm Quỳ Châu

'Loạn' nhãn hiệu hương trầm Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Hương trầm Quỳ Châu được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ tháng 10/2016. Thế nhưng, với hơn 200 cơ sở sản xuất nằm trên địa bàn thì chỉ có 30 cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Mới nhất

x
Làng nghề hương trầm Quỳ Châu 'thức trắng đêm' để làm hàng Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO