Lô Thế Anh - Giọng ca của núi rừng

Thanh Nga 13/03/2022 15:39

(Baonghean.vn) -Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi cao Yên Hòa (Tương Dương), dù vùng quê nghèo heo hút gió ngàn không có những phương tiện giải trí nghe nhìn, cũng không có sân khấu lớn nhỏ, nhưng Thế Anh vẫn "tìm thấy" được thứ âm nhạc mê hoặc cho riêng mình.

Lô Thế Anh trình diễn trên sân khấu.

Ấy là khi cậu bé nghèo thường xuyên nghe đi nghe lại băng cassette những bài hát tình ca và hát theo đến thuần thục. “Thuở ấy quê em nghèo lắm, cả xóm chẳng kiếm đâu ra cái đài, ti vi chứ đừng nói máy tính. Thế nhưng, cách nhà em không xa có người chú vừa rời quân ngũ về bản. Chú mang theo cây đàn ghi-ta và ngày nào chú cũng chơi những bản tình ca buồn. Em bị cuốn theo, mê mẩn lúc nào không hay”, Thế Anh kể.

Lô Thế Anh được đánh giá là giọng ca sáng khỏe, đậm chất núi rừng. Ảnh: NVCC

Thế Anh cũng kể rằng, anh cũng không hiểu vì sao mình lại có thể chơi được ghi ta khi chẳng hiểu tý gì về nhạc lý, cũng không hiểu vì sao mình chẳng có giáo trình để học nhưng đã có thể sớm vừa đệm vừa hát những giai điệu mà anh học được qua cassette và sự hướng dẫn của chú hàng xóm. “Có lẽ âm nhạc đã sớm gieo duyên vào em, nhưng bấy giờ em vẫn chưa định hình được mai sau mình sẽ theo con đường này”.

Dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Thế Anh sớm nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của bố mẹ và các anh chị em khi lựa chọn âm nhạc làm con đường phát triển sự nghiệp. Ảnh: NVCC

Thế nhưng, càng lớn, Thế Anh càng đến gần hơn với con đường âm nhạc bằng những sân khấu trong nhà trường. “Giọng của em thời đó chưa tốt, chưa có những nốt treo cao khỏe, và em vẫn chưa định hình được phong cách âm nhạc của mình. Thế nhưng, em sớm nghĩ mình sẽ thi vào trường âm nhạc chuyên nghiệp dù gặp nhiều khó khăn”, Thế Anh chia sẻ.

Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, dù gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Thế Anh sớm nhận được sự đồng tình hưởng ứng của bố mẹ và các anh chị em khi lựa chọn âm nhạc làm con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai. Vì vậy, em đã thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành Thanh nhạc để viết tiếp ước mơ trở thành ca sỹ. Theo ngành học này, ban đầu Thế Anh nghĩ nó sẽ là mảnh đất thuận lợi cho những ai “có giọng” và có ước mơ. “Nhưng mọi ước mơ đều phải được viết lên bằng sự cực khổ trong lao động và rèn luyện. Bởi, từ việc hát chưa được định hình phong cách, gặp nhạc gì hát nhạc đấy, vào trường em mới được các thầy cô định hướng, và việc luyện tập cũng gian nan kể từ đó”, Thế Anh chia sẻ.

Càng học, Thế Anh càng say mê, mà khi đã say mê em lại càng mong muốn hoàn thiện quãng giọng, thần thái của người ca sỹ khi đứng trên sân khấu. “Ngoài giọng hát thì cái thần thái của người ca sỹ sẽ khiến khán giả nhận được sự tương tác nhiều hơn, và ca sỹ sẽ mang lại thông điệp rõ hơn đến với khán giả thông qua tác phẩm mình trình bày”. Và có lẽ Thế Anh được yêu mến nhiều cũng là nhờ sự tương tác đó, khi em biết thể hiện tình cảm của mình thông qua những tác phẩm âm nhạc.

Thế Anh thường được giao những ca khúc mang đậm phong cách núi rừng, hoặc những bài hát được viết trên nền nhạc trẻ. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng VHNT tỉnh, Thế Anh được nhận vào Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) và nhanh chóng khẳng định được vị trí bởi chất giọng cao sáng khỏe. Anh thường được giao những ca khúc mang đậm phong cách núi rừng, hoặc những bài hát được viết trên nền nhạc trẻ. “Những bài hát có hơi thở núi rừng không hiểu sao em hát phiêu lắm. Mỗi khi được đứng trên sân khấu với bộ trang phục đồng bào mình, em như thấy được về nhà, được thể hiện hết những hỉ, nộ, ái, ố thông qua những giai điệu, ca từ”.

Thế Anh cùng vũ đoàn trên sân khấu.

Quả vậy, với những ca khúc như “Chiếc khăn Piêu” (sáng tác: Doãn Nho) hay “Em gái Mông xuống chợ” của Quốc Chung, Thế Anh nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả. “Lợi thế của em là bất cứ bài nhạc trẻ nào em cũng có thể vừa đàn vừa hát ngay khi có khán giả yêu cầu, nên em luôn được mọi người yêu cầu hát lại bài này bài kia. Thú vị nhất là có cả những ca khúc mình sáng tác cũng được mọi người muốn nghe đi nghe lại”, Thế Anh kể.

Với mong muốn được nói lên tiếng lòng của mình thông qua tác phẩm âm nhạc, Thế Anh đã mạnh dạn thử sức ở mảng sáng tác. Cho đến nay, em đã có hàng chục ca khúc được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Những ca khúc sáng tác hưởng ứng phong trào chống dịch được viết trên nền nhạc điện tử EDM, có phối khí thêm phần Rap được rất nhiều khán giả thích thú.

Mới đây, ca khúc “Tiếng chuông giao thông” Thế Anh viết đã đạt giải Nhì trong “Cuộc vận động sáng tác ca khúc về an toàn giao thông tỉnh Nghệ An năm 2021” do Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, được Ban giám khảo đánh giá cao về cách đặt vấn đề cũng như giai điệu tươi vui đi vào lòng người, bố cục chặt nhưng rất dễ phiêu. Bên cạnh đó, nhiều ca khúc về tình yêu đôi lứa, quê hương và con người xứ Nghệ được Thế Anh thử sức và nhận được nhiều món quà tinh thần từ khán giả. Trong đó, phải nhắc đến ca khúc “Yên Hòa quê tôi” mà anh viết tặng quê hương yêu dấu của mình. “Ca khúc không được viết trên nền nhạc trẻ, cũng không sử dụng các cách phối khí hiện đại, nhưng nó là lời hát từ trái tim nên em đã nhận được rất nhiều tình cảm của công chúng, đặc biệt là người dân quê em. Sau một thời gian ngắn, ca khúc này đã có gần 200.000 lượt nghe trên kênh Youtube. Đây là món quà tinh thần rất lớn mà em được nhận trong chặng đường âm nhạc của mình”.

Thế Anh tâm sự rằng, trên con đường âm nhạc sau này, em vẫn muốn được sống trong môi trường chuyên nghiệp. “Dù đi đâu mình vẫn là người con của núi rừng, ở đâu trong mình vẫn chảy huyết quản của mạch nguồn dân tộc Thái, nên được thể hiện mình, được sống thật nhất với bản thân chính là điều mà em luôn hướng đến. Và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh chính là ngôi nhà cho em thực hiện những ước mơ!”, Lô Thế Anh tâm sự.

Mới nhất
x
Lô Thế Anh - Giọng ca của núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO