Nghệ An hoàn thành thi hành án 162 vụ việc về tham nhũng, kinh tế trong năm 2023
(Baonghean.vn) -Sáng 27/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thi hành án dân sự tỉnh chủ trì.
SỐ VỤ VIỆC THI HÀNH ÁN TĂNG SO VỚI CÙNG KỲ
Năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp và sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự, hành chính.
Cụ thể, về nhiệm vụ thi hành án dân sự, năm 2023, toàn tỉnh có 21.567 vụ việc phải thi hành án, với tổng số tiền hơn 2.323 tỷ đồng, trong đó, thụ lý mới trong năm 16.896 vụ việc và hơn 1.069 tỷ đồng. Kết quả thi hành xong 16.164 vụ việc/18.840 vụ việc và hơn 611 tỷ đồng trên tổng số 1.231 tỷ đồng có điều kiện thi hành. So với cùng kỳ năm 2022, thi hành xong nhiều hơn 1.105 vụ việc và cao hơn 76 tỷ đồng.
Đối với thi hành án các vụ việc về tín dụng, ngân hàng, trong năm phải thi hành 545 vụ việc, với tổng số tiền hơn 1.229 tỷ đồng. Trong đó, có 397 vụ việc với hơn 648 tỷ đồng có điều kiện thi hành. Kết quả đã thi hành xong 109 vụ việc, tương ứng với số tiền hơn 252 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2023 còn có 520 vụ việc với số tiền hơn 118 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế phải thu hồi tài sản. Trong đó, có 351 vụ việc với hơn 49 tỷ đồng là có điều kiện thi hành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cơ đơn vị thi hành án dân sự đã giải quyết xong 162 vụ việc, tương ứng với số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 202 vụ việc; trong đó, có 31 trường hợp sau khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thì đương sự tự nguyện thi hành án; số vụ việc phải tổ chức cưỡng chế 171 trường hợp. Trong đó, tổ chức cưỡng chế thành công là 106 vụ việc; còn 65 vụ việc dự kiến cưỡng chế trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện một số cơ quan, đơn vị thi hành án dân sự tại các điểm cầu cũng đã có nhiều ý kiến góp ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tranh chấp, nợ xấu, vỡ hụi có nhiều diễn biến phức tạp, vì thế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Đặc biệt, quan tâm, tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thi hành án dân sự, nhất là việc đầu tư xây dựng 11 kho vật chứng đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, xem xét không giảm biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn (từ năm 2016 đến nay, ngành thi hành án dân sự tỉnh đã tinh giản 26 biên chế).
Một số ý kiến cũng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kịp thời áp dụng các biện pháp truy tìm, kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản nhằm bảo đảm việc thu hồi thiệt hại, tài sản của Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân không tham gia các phường, hụi trái pháp luật, tránh tình trạng tranh chấp khi vỡ hụi xảy ra, gây khó khăn trong việc thu hồi tài sản...
NHIỆM VỤ CỦA TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh ghi nhận những kết quả mà ngành thi hành án dân sự đã đạt được trong thời gian qua. Dù năm 2023 là năm đầy biến động, kinh tế khó khăn, những nhận thức về pháp luật của các đương sự phải thi hành án còn hạn chế...
Ghi nhận những ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị, đồng chí Lê Hồng Vinh cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thi hành án, xác định đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị chứ không của riêng cơ quan thi hành án dân sự; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc có điều kiện thực hiện nhưng cố tình không chịu thi hành.
Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là tại các địa phương có nhiều việc, nhiều tiền cần phải thi hành án.
Ngành cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương trong thi hành án dân sự, hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; thực hiện nghiêm chế độ quản lý tài chính, vật chứng theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc thi hành án dân sự, hành chính. Tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo và trực tiếp thi hành các bản án; trước mắt, tập trung giải quyết xong bản án đang tồn đọng.
Tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các ngành, các cấp trong công tác thi hành án, có cơ chế bảo vệ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế. Đặc biệt, cần nghiên cứu để xây dựng kho vật chứng chung, đảm bảo công tác bảo vệ, tránh gây hư hỏng, mất mát.
Tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết và triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các quy chế phối hợp, qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính. Tránh để các vụ việc phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2023 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.