Người dân ngoài đê tả Lam đưa trâu bò, tài sản lên đê tránh lụt
Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã làm nhiều vùng ngoài đê xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên) bị ngập lụt. Ngày 23/9, nhiều hộ dân đã đưa tài sản, trâu bò lên đê tránh trú.
Lo lắng khi nước sông to, ông Trần Đình Hoàng, xóm 2, xã Hưng Lợi đưa 6 con trâu, nghé lên đê sơ tán; còn 4 con lợn và hơn 100 con vịt đẻ trong chuồng cũng đã mấp mé nước.
“Cái chòi này được làm chỉ để dành cho việc sơ tán trâu bò. Nếu nước vẫn lên thì sẽ huy động các con ra kê sọt để vịt đứng tạm, tránh vịt ngập nước quá lâu sẽ mất khả năng đẻ; còn lợn thì bỏ thuyền đưa lên nhốt trong chòi”.
Vừa dắt trâu bò lại điểm tập kết gần làng để cột, ông Đào Văn Vỹ (xóm 6) vừa cho biết: Gia đình có 4 con trâu và 2 con nghé. Nước lên nên phải đưa trâu lên đê cho cao. Hiện tại mới chỉ cột tạm, đưa rơm lên cho trâu ăn và trông coi, nhưng nếu trời vẫn tiếp tục mưa, nước lên to thì phải làm chòi để bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là mấy con nghé nhỏ.
Sống ở vùng ngoài đê, không nuôi trâu bò, nhưng từ tối qua 22/9, anh Trần Đình Linh (xóm 2) cũng phải đưa ô tô và xe máy lên đê để tránh ngập nước. "Nhiều năm bị rồi nên cũng quen. Từ tối qua nước lên cao mà rút chậm", anh Linh chia sẻ.
Xuống Vinh đi làm từ 4h sáng, khi nước còn lấp xấp, nhưng chiều nay trở về nhà, chị Nguyễn Thị Tuyết cũng ở xóm 2 đã không thể đi xe vào nhà được nữa. "Nhà làm nền cao nước chưa vào, lại chỉ cách đê tầm 20 m nhưng không dám đi vào sợ xe chết máy. Nhưng bà con để xe trên đê cả, lại có cán bộ của xã, xóm ứng trực nên cũng yên tâm".
Bà Lê Thị Sa, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Hưng Lợi có 3 xóm ngoài đê là xóm 1, xóm 2 và xóm 5, với gần 600 hộ dân, hơn 1.300 nhân khẩu. Đây cũng là vùng trọng điểm chăn nuôi gia súc với gần 150 con trâu bò. Là vùng xung yếu thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, nên người dân rất có kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão, bảo vệ tài sản.
Từ tối 22/9, nước lên, nhiều hộ dân đã đưa tài sản, trâu bò lên “tránh trú” trên đê để có thể đảm bảo an toàn. Xã cũng đã cắt cử lực lượng hỗ trợ những hộ gia đình neo đơn, ít người đưa tài sản lên đê, đồng thời ứng trực bảo vệ tài sản cho bà con.