Người dân xã miền núi Châu Phong (Quỳ Châu) mòn mỏi chờ giao đất, giao rừng
Mặc dù Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu đã đồng ý rà soát, bóc tách hơn 1.500 ha đất để trả về cho địa phương, nhưng nhiều năm nay, việc thu hồi để bàn giao cho người dân vẫn chưa được thực hiện xong.
Người dân mong ngóng
Nhiều năm nay, tại các cuộc họp xóm hay tiếp xúc cử tri, người dân ở xã Châu Phong (Quỳ Châu), thường xuyên có kiến nghị về việc sớm thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ giao cho địa phương quản lý để chia cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay nguyện vọng đó vẫn chưa thành hiện thực.
Ông Lê Văn Tiến – Bí thư Chi bộ bản Mới (xã Châu Phong), là một trong những người có kiến nghị này trong cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trước Kỳ họp thứ XVII. Theo ông Tiến, người dân ở xã Châu Phong, đặc biệt là ở bản Mới rất quan tâm vấn đề này, bởi hầu hết đang thiếu đất để sản xuất.
Bản Mới có 232 hộ, là bản đông dân nhất ở xã Châu Phong. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 93 hộ dân không có đất nông nghiệp để sản xuất cũng như đất rừng. “Số hộ còn lại chỉ có khoảng 1 sào đất để trồng lúa thôi. Rất thiếu thốn. Trước đây chia đất, chính quyền ưu tiên hộ nghèo, còn các hộ khác thì chờ xem xét sau. Vì thế đến nay nhiều hộ không có đất. Khi nhận được thông tin Ban quản lý rừng phòng hộ đồng ý trả lại gần 900ha đất rừng để giao cho người dân, ai cũng rất phấn khởi. Nhưng chờ hết năm nay đến năm khác, vẫn không thấy trả”, ông Tiến nói và cho biết, ông cũng là một trong những hộ dân ở xã Châu Phong không có đất nông nghiệp để sản xuất.
Bà Đặng Thị Vịnh (48 tuổi) cho biết, gia đình chị cũng là một trong những hộ dân không có đất để sản xuất, nên rất mong chờ chính sách này. Cả gia đình chị Vịnh hiện chỉ có thửa đất rộng chừng 80m2 vừa làm nhà ở, vừa là cửa hàng may quần áo. “Nhà tôi có 3 người đang ở độ tuổi lao động, nên rất muốn được giao đất rừng để sản xuất”, chị Vịnh nói và cho hay, năm 2015, gia đình cũng đã được giao khoán gần 3ha đất rừng để bảo vệ, nhưng chỉ giao trên giấy tờ, còn thửa đất nằm vị trí nào chị cũng không rõ. Dù vậy, chị vẫn được hưởng chi trả phí bảo vệ rừng.
“Một thời sau thì gần 3ha rừng này cũng bị thu hồi, gia đình tôi không được hưởng số tiền đó nữa. Họ nói là do chia sai, chồng lấn lên đất của người khác”, chị Vịnh nói thêm.
Mặc dù là xã miền núi, diện tích đất đai rộng, nhưng nhiều người dân xã Châu Phong vẫn thiếu đất sản xuất. Chúng tôi rất mong muốn Ban quản lý rừng phòng hộ sớm bàn giao lại cho địa phương số diện tích đất rừng đã rà soát để chúng tôi chia cho các hộ dân
Ông Lương Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu.
Huyện đề nghị đẩy nhanh tiến độ thu hồi
Ông Trần Bảo Linh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Quỳ Châu cho biết, trong những năm qua, địa phương đã có nhiều văn bản, tờ trình về vấn đề này gửi các cơ quan có thẩm quyền. “Từ năm 2019, chúng tôi đã có tờ trình về vấn đề này. Ban quản lý rừng phòng hộ cũng đã rà soát và đồng ý bóc tách hơn 1.500ha đất để trả lại cho địa phương quản lý. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa thực hiện xong”, ông Linh nói. Theo ông Linh, trong số hơn 1.500ha này, có tới khoảng 900ha thuộc địa bàn xã Châu Phong, số còn lại rải rác ở các xã như Châu Hoàn, Diên Lãm…
Cuối năm 2023, trước kỳ họp thứ XVII của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cử tri ở xã Châu Phong một lần nữa kiến nghị về vấn đề này. Trong công văn gửi UBND huyện Quỳ Châu để giải quyết kiến nghị của cử tri ban hành vào tháng 3/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc đo đạc lập bản đồ địa chính đối với quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các Ban quản lý rừng nói chung và Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu nói riêng thuộc nội dung của Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân, sử dụng” đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Hiện nay, đối với phần diện tích các Ban quản lý rừng đề nghị giữ lại để tiếp tục quản lý, sử dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại. Đối với phần diện tích các Ban quản lý rừng dự kiến trả về cho địa phương quản lý (trong đó có 1.529,46ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu đề nghị lập trích lục, trích đo) chưa được lập thiết kế kỹ thuật - dự toán.
“Trên cơ sở ý kiến của Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu tại Báo cáo số 38/BC-BQL ngày 13/12/2023, của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 5159/SNN-KL ngày 22/12/2023, của UBND huyện Quỳ Châu tại Công văn số 70/UBND-TNMT ngày 25/01/2024; để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh triển khai việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính đối với phần diện tích Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu dự kiến trả về địa phương phục vụ công tác thu hồi đất theo quy định hiện hành; đồng thời trực tiếp thi công thực hiện đo đạc để rút ngắn thời gian giải quyết kiến nghị của cử tri. Đề nghị UBND huyện Quỳ Châu, Ban quản lý rừng phòng Quỳ Châu phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh trong quá trình điều tra, khảo sát”, công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu.
Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình này vẫn chưa thực hiện xong. Một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu cho biết, trước việc chậm trễ này, ngày 10/10 vừa qua, địa phương đã có văn bản đề nghị xem xét đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu.
Văn bản này cho hay, thực hiện việc lập hồ sơ thu hồi số diện tích 1.529,46ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, tháng 4/2024, UBND tỉnh đã có văn bản về việc khảo sát lập thiết kế dự toán, đo đạc khu đất trả về địa phương quản lý, sử dụng của Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu. Đến nay, UBND huyện Quỳ Châu đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện hoàn thiện các hồ sơ có liên quan.
UBND huyện Quỳ Châu kính đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, đẩy nhanh tiến độ thu hồi phần diện tích nói trên của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu về cho địa phương quản lý để lập phương án giao đất, đáp ứng kịp thời các kiến nghị về nhu cầu đất sản xuất của nhân dân
(Trích văn bản của UBND huyện Quỳ Châu)