Nhiều diện tích chè ở Thanh Chương, Anh Sơn khô cháy vì nắng nóng
(Baonghean.vn) - Nắng nóng suốt hơn 1 tháng qua khiến nhiều diện tích chè công nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Chương, Anh Sơn... (Nghệ An) bị khô cháy.
Cán bộ Nông nghiệp huyện Thanh Chương kiểm tra hạn hán trên cây chè tại xã Thanh Mai. Ảnh: Xuân Hoàng |
Huyện Thanh Chương hiện có 4.500 ha chè công nghiệp. Nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tháng qua đã khiến nhiều diện tích chè bị khô héo, nguy cơ chết khô cao, nếu nắng kéo dài thêm 7 ngày nữa.
Ông Nguyễn Văn Công ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai cho biết, gia đình ông có gần 1 ha chè công nghiệp đã 10 năm tuổi. Nắng nóng kéo dài cả tháng qua khiến toàn bộ vườn chè của gia đình bị khô cháy hoàn hoàn.
Ông Đậu Đình Nhật - Xóm trưởng xóm Đá Bia, xã Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết, xóm có 65 ha chè công nghiệp, trong đó có khoảng 5 ha đã khô cháy. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Đậu Đình Nhật - Xóm trưởng xóm Đá Bia, xã Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết, xóm có 65 ha chè công nghiệp, trong đó có khoảng 60 ha do bà con tích cực bơm nước từ khe, suối lên nên mức độ khô héo không nghiêm trọng. Còn lại 5 ha do xa nguồn nước nên khô héo nặng, bà con đang từng ngày mong ngóng trời mưa để cứu vườn chè.
Những vườn chè 10 năm tuổi trên địa bàn huyện Thanh Chương bị khô cháy do nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay. Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương, đến ngày 15/7, toàn huyện có trên 140 ha chè bị khô chết. Trong đó, 100 ha chết từ 40 - 70%, 40 ha chết trên 70%. "Nếu tình trạng thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài thì diện tích chè công nghiệp của huyện bị chết khô còn tăng lên" - ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện băn khoăn.
Huyện Anh Sơn là địa phương có hơn 2.500 ha chè công nghiệp, nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều diện tích chè mới trồng bị chết khô. Ông Đặng Đình Luận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đối với diện tích chè lâu năm thì chưa bị chết do nắng nóng, bởi người dân đã đầu tư hệ thống tưới, nhưng diện tích chè mới trồng thì đã có khoảng 500 ha bị chết với tỷ lệ từ 30 - 40%.
Nhiều diện tích chè mới trồng trên địa bàn huyện Anh Sơn bị chế khô, do nắng nóng. Ảnh: Xuân Hoàng |
"Đối với những diện tích chè bị chết từ 70% trở lên bà con phải đầu tư trồng lại; nếu tỷ lệ chết từ 70% trở xuống, bà con sẽ trồng dặm sau khi trời có mưa" - ông Đặng Đình Luận chia sẻ.
Chè công nghiệp là cây trồng từ nhiều năm nay mang lại nguồn thu khá cao cho người dân, hiện có giá 4.000 đồng/kg. Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích chè bị héo, hoặc chết khô, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nhiều hộ dân./.