Nhộn nhịp làng ươm mầm xanh cho rừng nơi miền Tây Nghệ An
Những người làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp ở xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ góp phần không nhỏ vào công cuộc phủ xanh những cánh rừng. Những ngày cận Tết, nơi đây càng thêm nhộn nhịp.
Làng ươm giống keo
Những ngày đầu năm 2025, đến xã Tân Hương cảm nhận rõ không khí lao động nhộn nhịp trên các vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Bà con dàn hàng ngang trên vườn cây bố mẹ để cắt cành lấy hom, rồi đảo bầu, chăm sóc cây giống… Những vườn ươm cây giống lâm nghiệp xanh ngắt, kéo dài như tấm thảm xanh hai bên đường Hồ Chí Minh.
Ghé vào vườn ươm cây giống của gia đình ông Trần Văn Tú ở xóm Châu Nam, 5 lao động đang tích cực chăm sóc từng luống cây giống lâm nghiệp đang giai đoạn chuẩn bị đến ngày xuất bán.
Ông Tú cho biết: Gia đình tôi làm nghề ươm cây giống lâm nghiệp đã 8 năm nay; hiện có khoảng 1ha để ươm quanh năm. Với kinh nghiệm có được, mỗi năm gia đình cung cấp ra thị trường 4 lứa cây giống, với tổng số lượng khoảng 120 vạn cây. Trong nhiều năm chuyển đổi sang nghề ươm cây giống lâm nghiệp, toàn bộ thành viên trong gia đình có việc làm thường xuyên và thu nhập luôn ổn định.
Dẫn chúng tôi ra khu vực vườn ươm được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, ông Trần Văn Tú khoe: Cách đây 2 năm, gia đình tôi đầu tư 20 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, áp dụng phần mềm nhà thông minh (smart home). Theo đó, việc tưới cho vườn ươm đều thao tác trên chiếc điện thoại thông minh (smart phone), không cần phải ra vườn như trước, kể cả những lúc xa nhà cũng điều khiển được hệ thống tưới hoạt động theo ý muốn.
“Để chuẩn bị nguồn cây giống cho trồng rừng vụ xuân sắp tới, gia đình tôi đang chăm sóc gần 50 vạn cây keo giống là keo dâm cành F1. Giống keo dâm cành đang được người trồng rừng ưa chuộng. Không những ươm cây giống ngoài trời, gia đình còn đầu tư ươm trong nhà lưới nhằm đảm bảo chất lượng, đặc biệt là vào mùa Đông”, ông Trần Văn Tú cho hay.
Không chỉ gia đình ông Tú, những năm gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn xã Tân Hương đã chuyển đổi diện tích đất vườn trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp.
Bà Trần Thị Vân ở xóm Tân Minh cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc vườn keo giống cho biết, nhận thấy nhiều hộ có thu nhập ổn định từ nghề ươm cây giống lâm nghiệp, cách đây 5 năm, gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích trồng sắn sang làm vườn ươm cây giống. Thông thường dịp trồng rừng vụ xuân hàng năm, người dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ nói riêng, cả tỉnh Nghệ An nói chung bước vào vụ trồng rừng nguyên liệu chính, nên lượng tiêu thụ cây keo giống tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm.
Chính vì thế, những ngày trước Tết Nguyên đán này, gia đình bà Vân tập trung nhân lực chăm sóc vườn ươm cây giống tốt nhất, sau khi ăn Tết xong là xuất bán cho khách hàng. Hiện tại, gia đình bà đang ươm hơn 40 vạn cây keo giống.
Nói về nghề ươm cây giống lâm nghiệp, người dân xã Tân Hương cho biết, từ trước năm 2000, lác đác đã có một số hộ dân trong xã ươm cây giống để bán. Đến những năm sau 2006, khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại, nghề ươm cây giống lâm nghiệp ở đây phát triển mạnh, số hộ hành nghề ngày càng nhiều hơn.
Từ chỗ chăm sóc vườn ươm bằng thủ công, tưới nước bằng vòi cầm tay, thì nay phần lớn các hộ dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, trong đó có những hộ lắp đặt hệ thống tưới tự động được cài đặt trên điện thoại thông minh. Nhờ đó, việc chăm sóc vườn ươm đỡ vất vả, tiết kiệm nước, hiệu quả mang lại cao hơn, nhất là vào mùa Hè nắng nóng. Vì thế, xã Tân Hương quanh năm đều có cây giống lâm nghiệp xuất bán.
Doanh thu trên 60 tỷ đồng/năm
Xã Tân Hương bám trục đường Hồ Chí Minh với chiều dài 6km, trước đây là vùng quê nghèo của huyện miền núi Tân Kỳ; nhưng từ khi phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp, cuộc sống của hàng trăm gia đình đã thay đổi.
Ông Lê Đức Thuyên – Chủ tịch UBND xã tự hào cho biết, hiện nay toàn xã có 286 vườn ươm của các công ty và hộ gia đình, trên diện tích gần 35ha, với tổng công suất 160 triệu cây giống/năm, là keo dâm cành và keo ươm hạt, cùng một số loại cây khác như: lim, lát, xà cừ, mỡ, sưa… Tổng doanh thu từ nghề ươm cây giống lâm nghiệp của người dân xã Tân Hương từ 60 – 65 tỷ đồng/năm, chiếm 30% giá trị sản xuất toàn xã. Bình quân doanh thu trên đơn vị diện tích từ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho 2.100 lao động.
Giống cây lâm nghiệp của Tân Hương chủ yếu cung ứng cho các xã trên địa bàn huyện, các huyện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hoá vào đến Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Trong số 286 hộ tham gia ươm giống cây thì có trên 100 hộ vươn lên trở thành hộ khá, giàu, với mức thu nhập cao mỗi năm.
“Trước đây bà con chủ yếu ươm giống keo bằng gieo hạt, nhưng sau này xã định hướng chuyển sang ươm keo dâm cành, giảm ô nhiễm môi trường. Bởi nếu ươm giống keo bằng gieo hạt thì cây giống hay bị nhiễm nấm, nên phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ; còn ươm giống keo dâm cành ít bị nhiễm nấm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, hiện nay trên 70% số lượng giống keo được ươm trên địa bàn xã bằng phương pháp dâm cành”, ông Lê Đức Thuyên cho biết thêm.
Để đảm bảo chất lượng cây giống, hàng năm, UBND xã Tân Hương phối hợp với hạt kiểm lâm, các ngành liên quan, tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật về thực hiện Luật Lâm nghiệp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn xã. Qua đó, triển khai những nội dung thực hiện các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, các hộ ký cam kết tuân thủ quy định trong hoạt động kinh doanh các giống cây lâm nghiệp.
Với hơn 38.000 ha đất lâm nghiệp, huyện Tân Kỳ xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng rừng nguyên liệu và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Từ nhu cầu cây giống tăng cao, không những xã Tân Hương, mà hiện nay còn có một số địa phương dọc tuyến đường Hồ Chí Minh như xã Nghĩa Hành cũng phát triển nghề ươm giống cây lâm nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hoá, có thu nhập.
Nghề ươm cây giống lâm nghiệp chính là ươm mầm xanh cho rừng, không những giúp nhiều hộ dân huyện Tân Kỳ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn góp phần cùng địa phương làm tốt công tác phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái./.