Nỗi khổ của người 'vác tù và' nặng nhất thế giới

(Baonghean) - Thời gian này vô cùng bận rộn với Đại sứ Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura khi ông liên tục chạy đôn chạy đáo giữa các phái đoàn đàm phán của Chính phủ và lực lượng đối lập Syria tại Geneva, Thụy Sĩ. Đó là chưa kể các cuộc tham vấn với đại diện một số nước có liên quan. 

Sự lựa chọn khó khăn

Tối muộn một ngày tháng 7/2014, ông Staffan de Mistura, khi đó 68 tuổi đang tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi yên bình trên hòn đảo Capri, ngoài khơi Địa Trung Hải, thì nhận được cuộc gọi từ Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon. Qua điện thoại, ông Ban Ki-Moon đề xuất ông Mistura đảm nhận vị trí Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria. Ông Ban Ki-Moon cũng thẳng thắn nói trước với ông Staffan de Mistura rằng, nhiệm vụ của ông là “khó khăn nhất thế giới” khi phải tìm giải pháp cho một trong những cuộc chiến “đẫm máu nhất và phức tạp nhất trong lịch sử thế giới hiện đại”. 

Sau khi đảm nhận vị trí Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria năm 2014, ông Staffan de Mistura nhanh chóng sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria Bashar al Assad. Ảnh: AP
Sau khi đảm nhận vị trí Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria năm 2014, ông Staffan de Mistura nhanh chóng sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria Bashar al Assad. Ảnh: AP

Câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu ông de Mistura khi đó là “Không”! Trong hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao với vị trí cao nhất đạt được trong Chính phủ Italy là Thứ trưởng Ngoại giao, có tới 19 năm ông phải đi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, tới những vùng xung đột dữ dội nhất thế giới. Sau 19 năm xa nhà đằng đẵng, ông từng hứa với vợ và hai con của mình rằng sẽ trở về “một cuộc sống bình thường”. 

Ngoài lý do gia đình, tấm gương của hai người tiền nhiệm là Tổng Thư ký Kofi Annan và nhà ngoại giao Algerie Lakhdar Brahimi cũng đủ thuyết phục để ông từ chối nhiệm vụ này. Ông Kofi Annan có 6 tháng kiêm nhiệm vị trí Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria, sau đó được ông Lakhdar Brahimi tiếp quản trong thời gian 2 năm. Thế nhưng, cả hai người đã phải ra đi khỏi vị trí này trong rất nhiều chỉ trích bởi họ không thể mang lại bất cứ tiến triển nào nhằm dừng lại những cuộc giao tranh đẫm máu tại Syria. Ông Staffan de Mistura khi đó đã rất băn khoăn rằng, sau những thành công tại Afganistan và Iraq, liệu ông có nên đặt cược tiếng tăm của mình vào một công việc mà ai cũng biết là hơn 90% sẽ thất bại? 

Đêm đó, ông Staffan de Mistura đã không thể ngủ với cảm giác như người có tội. Ông nhớ lại lời ông Ban Ki-Moon: “Đã có rất nhiều người chết, rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, người dân đang vô cùng  hoảng loạn”… Và 3 giờ sáng đêm hôm đó, ông đã nhấc điện thoại gọi cho ông Ban Ki-Moon để đưa ra câu trả lời cuối cùng của mình: Ông đồng ý. 

Nhiệm vụ bất khả thi

Nói thông thạo 7 thứ tiếng, ông Staffan de Mistura nổi tiếng là một nhà ngoại giao tích cực và sáng tạo. Ông từng có những sáng kiến mà ít nhà ngoại giao nghĩ đến như thuyết phục một hãng bay thương mại mang lương thực cứu đói cho những người dân ở Kabul vào năm 1989, thuyết phục những kẻ buôn lậu phá vỡ vòng vây để mang thức ăn, chăn màn cho những người dân bị kẹt trong vùng chiến sự… Đặc biệt, ông luôn dành sự cảm thông sâu sắc cho người dân trong các vùng chiến sự, những người tị nạn phải rời bỏ quê hương. 

Ông Mistura vẫn hy vọng sẽ chấm dứt được tiếng súng trên đất nước Syria. Ảnh: Reuters
Ông Mistura vẫn hy vọng sẽ chấm dứt được tiếng súng trên đất nước Syria. Ảnh: Reuters

Với tài năng được cộng đồng thế giới ghi nhận, ông Staffan de Mistura tiếp quản vị trí Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria với hoài bão rằng ông có thể làm được nhiều hơn những người tiền nhiệm, rằng ông có thể giúp những người tị nạn Syia an tâm trở về nhà.

Thế nhưng chẳng mấy chốc ông nhận ra, người ta gọi nhiệm vụ của ông là “nhiệm vụ bất khả thi” không phải là không có lý. Cuộc chiến Syria khi đó đã bộc lộ rõ là một cuộc chiến ủy nhiệm, nơi mà cả hai bên đều sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng để chứng tỏ với thế giới họ mới là bên chính nghĩa. Giống như hai người tiền nhiệm, ông Mistura cho rằng, không phải là không có giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria. Điều quan trọng là các bên có đủ quyết tâm chính trị để làm điều đó hay không. Và đáng tiếc là không bên nào chấp nhận từ bỏ những toan tính của mình. 

Chỉ vài tháng sau khi đảm nhiệm vai trò nhà trung gian của Liên Hợp quốc, ông Staffan de Mistura bắt đầu hứng chịu chỉ trích, rằng ông không có đủ năng lực để đưa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngồi vào đàm phán, rằng ông đã sai lầm khi lựa chọn các cộng sự lâu năm thay vì những chuyên gia có kinh nghiệm trong khu vực, rồi ông tập trung vào “các cuộc đàm phán hòa bình chẳng đi đến đâu với cái giá đắt đỏ là tính mạng của người dân Syria mất đi hàng ngày”…

Không giống như ông Lakhdar Brahimi lựa chọn phương án từ chức trong sự bất lực, ông Staffan de Mistura đón nhận mọi sự chỉ trích trong sự bình tâm hiếm có, và hàng ngày, hàng giờ ông vẫn nỗ lực thực thi nhiệm vụ của mình. 

Nhen nhóm hy vọng

Sau gần 3 năm đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria với những chuyến ngoại giao con thoi không thể đếm xuể, ông Staffan de Mistura đã tổ chức được hai vòng đàm phán hòa bình với đại diện của các lực lượng tham chiến tại Syria: vòng thứ nhất vào tháng 4/2016 và vòng thứ hai đang diễn ra tại Geneva. Trong khi dư luận đưa ra nhiều nhận định bi quan trước vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng những thông tin liên tục được gửi về cho thấy vòng đàm phán đã có những tiến triển nhất định.

Lần này, ông đã thuyết phục đại diện của Chính phủ Syria và lực lượng đối lập chấp thuận ngồi chung trong một căn phòng. Tất nhiên, để hai bên đồng ý đàm phán trực tiếp về quyết định tương lai và vận mệnh của đất nước Syria, vẫn còn là một chặng đường dài. Nhưng ít nhất, đây đã là một bước tiến đáng ghi nhận mà chưa một người tiền nhiệm nào của ông thực hiện được.

Không những vậy, nếu trong những ngày đầu, ông Steffan de Mistura chỉ tập trung thống nhất với Chính phủ và lực lượng đối lập về phương thức đàm phán, thì giờ hai bên đã đi tới giai đoạn chuẩn bị thảo luận về vấn đề chuyển tiếp chính trị - một trong những vấn đề gây trở ngại lớn nhất tại các vòng hòa đàm giữa các bên liên quan. 

Khi chỉ định ông Staffan de Mistura vào vị trí Đặc phái viên Liên Hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-Moon khi đó đã nói rằng ông tin tưởng ông Mistura sẽ “mang tất cả kiến thức và kinh nghiệm vào các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn nhằm mang lại hòa bình cho Syria”.

Cho đến thời điểm này, tiếng súng vẫn nổ tại Syria và cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ 7 tại quốc gia Trung Đông này đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Thế nhưng, ông Mistura từng nói rằng: “Chúng ta phải luôn đưa ra những sáng kiến, cho dù đó chưa phải là sáng kiến hiệu quả nhất tức thì. Nhưng điều quan trọng là những sáng kiến sẽ giúp chúng ta luôn giữ vững nhịp độ để tiến về phía trước” - và giờ ông đang thực hiện đúng như vậy. Ông vẫn tiến về phía trước bất chấp mọi khó khăn, mang theo niềm hy vọng của hàng triệu người dân Syria về một tương lai tốt đẹp hơn. 

Thúy Ngọc

tin mới

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

Hơn 2 năm, Mỹ chưa thể 'vẽ hình hài' chiến thắng cho Ukraine

(Baonghean.vn) - Mỹ đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng là để làm gì? Sau hơn 2 năm chiến đấu, họ vẫn chưa vẽ ra hình hài rõ ràng về “chiến thắng” ở Kiev là gì? Phải chăng, việc lấp lửng giữa thành và bại mới là kế hoạch của Mỹ?

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Na Uy tuyên bố Châu Âu phụ thuộc vào phân bón của Nga

Châu Âu đang vô tình trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón của Nga, Svein Tore Holsäther - Giám đốc điều hành của công ty hóa chất Na Uy Yara International, một trong những nhà cung cấp phân khoáng lớn nhất thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

Tiết lộ thời điểm Mỹ đưa quân tới Ukraine

(Baonghean.vn) - Theo nghị sĩ Hạ viện Mỹ Marjorie Taylor Greene, Washington sẽ mang quân đến quân tới Kiev, sau sự sụp đổ của Lực lượng vũ trang Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Mỹ tăng tốc chuyển giao vũ khí. 

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

Cùng Quân đoàn châu Phi, Nga mở mặt trận thứ hai đối chọi Pháp và Mỹ

(Baonghean.vn) - Ngay cả trong thời Chiến tranh Lạnh và cạnh tranh giữa các siêu cường, châu Phi là khu vực mà Liên Xô trước đây rất ít ảnh hưởng. Đây là sân banh của Pháp trong hơn 6 thập niên qua, và với mỗi nước châu Phi này, Pháp chỉ tốn “vài bộ đồ vest” để duy trì ảnh hưởng hậu thuộc địa.

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

(Baonghean.vn) - Tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng, việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đối lấy tư cách thành viên NATO là một lựa chọn tốt để Ukraine chấm dứt xung đột, nhưng dường như nó đã bị bỏ lỡ. Hiện, việc đạt được thoả thuận như vậy khó khăn hơn nhiều, khi Nga đã chiếm ưu thế lớn.

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

Bản tin quốc tế: Nga phải sợ NATO?

(Baonghean.vn) - Nói trước Quốc hội ngày 26/4, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng, Nga nên lo sợ một cuộc đụng độ với NATO vì một cuộc chiến như vậy sẽ kết thúc với “thất bại không thể tránh khỏi” đối với Moskva.