Nỗi lo dưới tán cây cổ thụ ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn Nghệ An hiện có nhiều cây cổ thụ nằm sát các đường lớn. Sau sự việc cây đa Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) bị gãy đổ làm 4 em học sinh bị thương, thì vấn đề đảm bảo an toàn dưới các tán cây cổ thụ được đặt ra một cách cấp thiết.
Chiều 31/3 vừa qua, 2 nhánh cây đa cổ thụ tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), bất ngờ gãy đổ đã làm 4 em học sinh tiểu học bị thương, trong đó có 2 em bị thương nặng. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dưới những tán cây cổ thụ, nhất là các cây cổ thụ nằm bên đường.
Thực tế có nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm đã trở thành biểu tượng của các địa phương; nhiều cây còn gắn với quan niệm tâm linh khiến nhiều người không muốn chặt bỏ.
Hiện trường cây đa tại xã Nghĩa Khánh bị gãy đổ một phần khiến 4 em học sinh tiểu học bị thương. Ảnh: Tư liệu BNA |
Tại Thanh Chương có cây đa Dùng tuổi thọ hàng trăm năm. Gốc đa này nằm trên địa phận khối 2A, thị trấn Thanh Chương, phần gốc cây lấn ra cả Quốc lộ 46. Hiện tại trên cây đa cổ thụ này có nhiều nhánh lớn, mọc đầy rêu, cành, lá thì vươn trùm lên tuyến đường. Sau sự việc xảy ra đối với cây đa ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn), nhiều người dân thị trấn Thanh Chương đã tỏ ra băn khoăn về sự an toàn của cây đa.
Ông Du, một người dân sống gần cây đa này cho biết, cây đa Dùng có từ lâu đời, trở thành biểu tượng của khu vực chợ Dùng, thị trấn Dùng. Dù biết là vào mùa này, khi giông lốc xảy ra nhiều, nguy cơ cành cây gãy đổ rất cao, nhưng thực tế do lo ngại về vấn đề tâm linh nên không ai dám chặt tỉa.
Cây đa Dùng (Thanh Chương) gốc lấn ra Quốc lộ 46, cành và lá thì trùm ngang qua đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ảnh: T.Đ |
Không chỉ riêng cây đa Dùng, trên địa bàn thị trấn Thanh Chương còn có một số cây xà cừ lớn nằm trước khu vực Bưu điện huyện, hay trước cổng UBND thị trấn, khu vực mà vào giờ tan trường học sinh tiểu học thường đi qua. Tuy nhiên, cho đến nay việc thay thế những cây lớn này chưa thực hiện.
Ông Tưởng Đăng Hào - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: Địa phương cũng ý thức được tình trạng mất an toàn tại những cây cổ thụ nằm trên địa bàn, tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, cắt tỉa hay thay thế cây cần phải có chủ trương, nếu không sẽ gặp rất nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Hào cũng chia sẻ, trước đây ngay địa điểm đối diện với cây đa Dùng, có cây xà cừ rất lớn, cành cây thường gãy đổ rơi vào nhà người dân, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân cũng có ý kiến nên chặt cây xà cừ để đảm bảo an toàn. Mặc dù đã làm đúng quy trình nhưng khi địa phương tiến hành chặt cây, vẫn có nhiều lời ra, tiếng vào.
Cây bàng nằm giáp ranh giữa xã Nam Sơn và Đặng Sơn (Đô Lương) cũng trùm lên Quốc lộ 7A, nơi hàng ngày có rất đông người, xe qua lại. Ảnh: T.Đ |
Tại huyện Đô Lương ngay vùng giáp ranh giữa xã Nam Sơn và Đặng Sơn có cây bàng cổ thụ nằm ngay bên Quốc lộ 7A; cành và tán sum suê phủ bóng ra đường.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn (Đô Lương) cho biết: Cây bàng cổ thụ nằm giữa địa bàn 2 xã Đặng Sơn và Nam Sơn. Cây bàng này có từ lâu đời, mặc dù sau hàng trăm năm, nhiều cành cây có thể đã mục ruỗng, nhưng nói đến việc cắt tỉa hay chặt hạ thì không ai dám. Ngay cả tuyến Quốc lộ 7A khi mở rộng, cũng đã uốn tránh cây bàng này.
Cây gạo nằm trên trục đường liên xã nối Diễn Bích, qua Diễn Kim, ra Diễn Hải (Diễn Châu), hiện tại đang được người dân bỏ tiền ra cứu. Ảnh: T.Đ |
Tại xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim (Diễn Châu) có gốc cây gạo tuổi đời hàng trăm năm, năm 2019 cây gạo này héo dần và rụng lá. Hiện tại người dân địa phương cũng đã quyên góp tiền nhằm tìm cách cứu sống gốc cây cổ thụ này. Tuy nhiên, điều đáng nói là cây gạo này nằm ngay trên đường liên xã nối từ Diễn Bích, qua Diễn Kim rồi ra Diễn Hải. Cả tuyến đường rộng 5-6m nhưng khi đến gốc cây này thì bó hẹp lại chỉ còn khoảng hơn 3m, tạo thành hình cổ chai, gây cản trở giao thông.
Cây gạo đã bị rụng lá và tróc vỏ 2 năm nay, nhiều người cho rằng việc cứu cây gạo sẽ tiếp tục gây nên tình trạng ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại khu vực này. Ảnh:T.Đ |
Việc người dân địa phương tìm cách cứu cây gạo tại chỗ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số người dân cho rằng, đáng lẽ ra khi cây gạo còn sống thì nên di dời ra khu vực góc sân vận động, vừa đảm bảo an toàn cho người dân đi qua khu vực này, đồng thời cũng giữ được cây.
Còn thời điểm này, khi cây đã chết, việc tìm cách cứu cây vừa tốn kém, lại vô tình tiếp tục gây cản trở giao thông, và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi những cành cây khô cứ treo lơ lửng trên đầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Huy Vinh - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội bảo vệ Quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Nghệ An cho rằng: Thực tế, những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm ngày càng hiếm, nó đã trở thành di sản, thậm chí là chứng tích cho lịch sử quê hương, đất nước. Chính vì thế, cần phải có biện pháp bảo vệ; tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì hàng năm cần phải tiến hành cắt tỉa, kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt mùa này thường xuyên xảy ra giông lốc, mưa bão, các cây lớn nếu không được cắt tỉa thì sẽ rất dễ gãy đổ, gây ra những tai nạn thương tâm.