Thành cổ Vinh trong trái tim cư dân đô thị

Diệp Thanh 27/09/2023 14:44

(Baonghean.vn) - Khi được hỏi về một biểu tượng của thành Vinh, rất nhiều người có cùng câu trả lời: Thành cổ. Trải qua bao thiên biến của thời gian, những đổi thay của thời cuộc, Thành cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc giữa trái tim thành phố, trong trái tim của tất cả cư dân đô thị Vinh.

Ký ức Thành cổ

“Nếu chợ Vinh là yếu tố “thị”, thì thành Nghệ An là yếu tố “đô” và yếu tố “thành” trong 3 yếu tố tạo nên đô thị Vinh. Thành Nghệ An là nơi đặt trụ sở của chính quyền Nam Triều tại tỉnh. Đồng thời, thành - với nghĩa đen là thành lũy, thành quách cũng chính là một công trình phòng thủ quan trọng để bảo vệ chính quyền. Thành Nghệ An là một di sản có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng đây cũng là một trong số rất ít di sản còn sót lại của Vinh cho đến ngày nay” - ông Phạm Xuân Cần - nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An chia sẻ về cổng Thành cổ Vinh.

bna_Lính đứng trước Hành Cung, chuẩn bị đón Vua Bảo Đại, 1932. Ảnh tư liệu.jpg
Lính đứng trước Hành cung, chuẩn bị đón Vua Bảo Đại, 1932. Ảnh tư liệu

Theo nghiên cứu, năm 1804, khi lỵ sở của Nghệ An chính thức dời trấn từ Lam Thành - Phù Thạch về Vĩnh Yên, thành Nghệ An được xây dựng bằng đất. Đến năm 1831, Vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng. Thành có 6 cạnh, bao xung quanh có hào, dưới hào thành trồng rất nhiều sen. Thành Nghệ An có 3 cửa là cửa Tiền, cửa Tả và cửa Hữu. Trên cổng cửa Tiền còn lưu lại đôi câu đối của danh nhân Đào Tấn, người từng 2 lần giữ chức Tổng đốc Nghệ An. Suốt hơn 200 năm tồn tại, thành Nghệ An đã trải qua nhiều sự kiện lịch sử đáng nhớ. Cụ Phan Bội Châu khi mới bắt đầu sự nghiệp yêu nước và cách mạng đã xây dựng kế hoạch đánh chiếm thành Nghệ An.

Di tích thành cổ Vinh-add.png
Đồ án điều chỉnh quy hoạch Di tích Thành cổ Vinh. Ảnh: Tư liệu báo Nghệ An

Năm 1931, nhà Hành cung bên trong thành cổ là nơi Pháp và chính quyền Nam triều tổ chức lễ quy thuận, sau khi đàn áp cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đến năm 1940, thành Nghệ An lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những nghĩa binh yêu nước.

Ngày 14/7/1957, trong lần về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân Nghệ An ở sân vận động trong thành… Không chỉ mang giá trị lịch sử, Thành cổ Vinh còn được nhớ đến bởi những giá trị tinh thần. Khi tìm hiểu những thông tin liên quan đến công trình Thành cổ Vinh, tôi vô tình đọc được rất nhiều bài chia sẻ trong nhóm “Vinh xưa…” - một diễn đàn với 41,8 nghìn thành viên từ mọi miền Tổ quốc, thậm chí đến từ nhiều quốc gia.

Trong ký ức của thành viên Nguyễn Thiên, Thành cổ gắn liền với tuổi thơ: “Gia đình tôi sống ở xóm 6, khu phố 2, vườn hoa Cửa Tiền, Vinh xưa. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với Thành cổ Vinh. Đây là nơi chúng tôi thường đi lùng từng bụi dứa dại để bắt cào cào. Hào nước bao quanh thành là nơi chúng tôi tìm bắt cá rô thia về để nuôi và chơi trò cá chọi, hay câu chuồn chuồn ngô”.

bna_Đêm Thành cổ Ảnh Hồ Đình Chiến.jpeg
Đêm Thành cổ. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Thành viên Nguyễn Thúy Vân đã chia sẻ về Thành cổ như một người bạn cũ: “Khu tập thể của con em công nhân xây dựng như chúng tôi ở sau cổng thành cổ kính, lọt thỏm giữa hai hố bom to rộng như hai cái ao làng. Hồi đó, cổng thành đứng chơ vơ, trơ trọi giữa không gian khối 2, phường Cửa Nam. Cổng thành đứng đó, nhìn cư dân toàn khu phố lăn lộn, hối hả, bươn chải kiếm sống trong những tháng năm khó khăn về kinh tế. Chúng tôi cũng thế, ít khi tôi ngắm Thành cổ, dẫu mỗi ngày đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần. Tôi từng trú nắng, mưa trong lòng Thành cổ. Mẹ tôi còn có cái quán nước nhỏ bên hông nó. Khi trời mưa còn đưa quán trú bên trong…”.

Rồi thì từ cổng thành, những kỷ niệm liên quan đến vườn hoa Cửa Nam, bãi chiếu phim Cửa Tiền, sân vận động Vinh… cứ thế ùa về. Mỗi một chia sẻ là một mảnh ký ức và còn rất nhiều những hoài niệm khác về Thành cổ Vinh đã, đang được lưu lại và chia sẻ. Đó có thể là những mẩu chuyện rời rạc, những tấm ảnh mờ đi theo thời gian, những dòng cảm tác đầy ngẫu hứng… nhưng tựu trung, tất cả đều thấm đẫm tình yêu và niềm tự hào về một địa danh lịch sử.

bna_Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh- Sách Nguyễn.jpg
Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Sách Nguyễn

Gìn giữ cho mai sau

Như thường lệ, cứ vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng - ngày Chủ nhật xanh, bà con khối 1, phường Cửa Nam lại cầm dụng cụ vệ sinh đi làm sạch những con phố, ngõ hẻm thuộc địa bàn của mình. Và khi nào cũng vậy, mọi người luôn tập trung lại dọn dẹp lâu nhất, kỹ nhất cho công trình cổng thành Vinh. Bởi với họ, cổng thành Vinh là một công trình quan trọng, một biểu tượng lịch sử. Việc dọn dẹp cổng thành không chỉ là một phần công việc, là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự và tự hào.

Sống trong khu vực cổng thành Vinh từ năm 1975, bà Mai Thị Hiền - khối trưởng khối 1, phường Cửa Nam đã gắn bó và chứng kiến những đổi thay của công trình lịch sử này gần nửa thế kỷ qua. Bà thổ lộ: “Sau bao nhiêu năm, lịch sử đã sang trang, cảnh vật đã đổi khác, chúng tôi giờ đã làm ông, làm bà, nhưng công trình này vẫn sừng sững, uy nghiêm, không thể thay thế, như một biểu tượng của thành Vinh lưu dấu mãi trong tâm trí bao thế hệ”.

bna_Đông đảo vận động viên tham gia giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh lần thứ 1 năm 2023. Ảnh Quang An.jpeg
Đông đảo vận động viên tham gia giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh lần thứ 1 năm 2023. Ảnh: Quang An

Cũng theo bà Hiền, sự vào cuộc rốt ráo, nghiêm túc của chính quyền và ngành Văn hóa trong công tác bảo tồn đã góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của công trình này. “Không chỉ riêng ngày Chủ nhật xanh mà dù là bất cứ ngày nào, chỉ cần thấy khu vực cổng thành bẩn thì người dân sẽ chủ động nhặt rác, quét dọn. Thấy ai làm gì đó ảnh hưởng đến công trình, bà con sẽ ngay lập tức thông báo cho ban cán sự khối. Từ trẻ con đến người già, ai ai cũng có ý thức gìn giữ, nâng niu, yêu quý công trình lịch sử này. Những thay đổi tích cực đó cho phép tôi tin rằng, công trình này sẽ còn mãi với thời gian…” - bà Hiền nói.

bna_Thành cổ. Nhật Lân.jpg
Thành cổ Vinh hôm nay. Ảnh: Nhật Lân

Dù gia đình không sống gần khu vực Cửa Nam, thậm chí hiện nay đang làm việc tại Hà Nội, song anh Nguyễn Văn Dũng (xã Nghi Phú) vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho Thành cổ. “Lần nào về Vinh tôi cũng ghé thăm Thành cổ như một thói quen. Tôi vẫn nhớ như in sự kiện Thành cổ Vinh được lắp hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm vào năm 2021 và tôi đã chụp rất nhiều bức hình vào đêm đó. Dưới hiệu ứng ánh sáng, Thành cổ về đêm dường như đẹp hơn, huyền ảo hơn rất nhiều”.

Liên quan đến công tác bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, tháng 3 vừa qua, khi dự thảo điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được công bố, 105 hộ dân sinh sống trong khu vực Thành cổ Vinh đã ủng hộ với sự đồng thuận cao. Sự đồng thuận đó chính là cơ sở để tin rằng, di tích Thành cổ Vinh sẽ sớm trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt du khách thập phương.

Bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn, các cấp chính quyền thành phố Vinh còn triển khai nhiều hoạt động, phần việc nhằm lan tỏa giá trị và hình ảnh của Thành cổ Vinh. Gần đây nhất chính là sự kiện “Giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh lần thứ I năm 2023” với 135 vận động viên đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh tranh tài.

bna_Giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh lần thứ I năm 2023 góp phần quảng bá lan toả hình ảnh Cổng Thành Vinh. Ảnh Quang An.jpeg
Giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh lần thứ I năm 2023 góp phần quảng bá lan toả hình ảnh cổng Thành cổ Vinh. Ảnh: Quang An

Chia sẻ về sự kiện này, ông Đặng Hiếu Lam - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: “Lần đầu tiên tổ chức nhưng Giải chạy Half Marathon Thành cổ Vinh đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân từ khắp các địa phương. Số lượng người đăng ký vượt quá dự kiến ban đầu. Sau thành công của giải lần này, chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố tiếp tục mở thêm các giải chạy Marathon trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thành cổ Vinh đến bạn bè, du khách gần xa”./.

Mới nhất

x
Thành cổ Vinh trong trái tim cư dân đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO