Tương Dương khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân

(Baonghean) - Tương Dương là huyện nằm trong tốp đặc biệt khó khăn của cả nước, tuy nhiên, những năm gần đây, trên địa bàn có gần 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo, cho thấy quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của đồng bào...

Nhường quyền lợi cho người khó khăn hơn

Lần gặp trước - thời điểm anh Lô Văn T, chồng chị Lô Thị Mùi lúc đó là Phó trưởng Công an xã Xá Lượng không may bị rắn độc cắn dẫn đến tử vong - một mình chị Lô Thị Mùi ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng phải bươn chải nuôi 2 con, bởi vậy cuộc sống gặp vô vàn những khó khăn. Giờ đây, trong lần ghé thăm nhà chị cùng Trưởng bản Lữ Văn Thành, điều nhận thấy rõ là sau 6 năm, tinh thần chị vững vàng hơn.

Trò chuyện với chúng tôi chị nói không giấu được niềm vui về 2 con đã khôn lớn, cháu đầu đã đi bộ đội, cháu thứ hai đã đi làm công nhân. Đó chính là lý do để chị Mùi tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2019.

Theo chị Mùi, ngày trước khi các con còn nhỏ, một mình vừa chăm con, vừa phải bươn chải kiếm sống, nên túng thiếu đủ đường, có những thời điểm trong nhà không đủ gạo ăn, cơ cực lắm. Nhưng hiện nay, như cháu đầu đi bộ đội thì đã “có Nhà nước lo”, cháu thứ hai lương hàng tháng còn  gửi về cho mẹ, gia đình lại còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản... thì phải xin thoát nghèo để mà phấn đấu. Xin thoát nghèo, còn để nhường quyền lợi cho người khác có điều kiện khó khăn hơn mình.

Ảnh: Đ.C
Đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu

Tương tự, gia đình ông Mộng Văn Hoàn cùng ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, một phần vì bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo, một phần bị  thiệt hại do đợt lũ năm 2018, nên khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, hiện nay gia đình ông Hương đã được di dời tái định cư, được hỗ trợ bò sinh sản, hai người con chịu khó làm ăn, có thu nhập đều hàng tháng tại các khu công nghiệp, có tiền tích cóp gửi về cho bố mẹ xây nhà. Bởi vậy, khi thấy các hộ trong bản cùng hoàn cảnh như mình viết đơn ra khỏi hộ nghèo, ông cũng bàn bạc với gia đình rồi làm theo.

Ông chia sẻ: “Thực ra, mỗi lần nhận trợ cấp tôi đều cảm thấy ngại nên khi kinh tế tạm ổn, tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo để tiếp tục phấn đấu vươn lên, không thể cứ thế nghèo mãi được”.

Từ lá đơn thoát nghèo của chị Mùi, ông Hoàn, đến nay cả bản Xiêng Hương đã có 17 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông Đậu Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng phấn khởi cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã có đến 236 hộ dân tự viết đơn xin thoát nghèo, là xã có tổng số hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo nhiều nhất huyện Tương Dương. Đáng nói, đời sống của các hộ viết đơn xin thoát nghèo hiện nay cơ bản ổn định.

Ảnh: Đ.C
Mô hình trồng cam, bưởi tại xã Xá Lượng. Ảnh: Đ.C

Tại xã Yên Na, ông Lô Văn Nhàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng đến nay xã đã có 17 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Trong đó có những hộ như Lữ Văn Thiều, Ngân Văn Lợi cùng ở bản Huồi Cụt, hộ ông Ốc Đình Thuế ở bản Huồi Xén, là những hộ chủ động thoát nghèo mà chưa cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Ngân Văn Lợi ở bản Huồi Cụt, xã Yên Na - một trong những hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, cho biết: “Ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản trợ cấp của Nhà nước như trước. Nhưng mình cũng phải bứt phá, vươn lên chứ! Nhà hiện có 4 người thì 3 người đang độ tuổi lao động, lo gì không đủ ăn”. Cùng quan điểm, ông Lữ Văn Thiều, cách nhà ông Lợi không xa cũng cho rằng “Cớ gì phải vin vào diện hộ nghèo mãi để Nhà nước phải hỗ trợ, khi trong bản, trong xã còn nhiều hộ khó khăn hơn mình, cần giúp đỡ hơn mình”...

Quả thực, cầm những lá đơn của các gia đình, đọc những dòng chữ nguệch ngoạc do tự tay những người nông dân viết ra. Mới thấy, mỗi người có một cách nghĩ khác nhau, nhưng cái chung đều thể hiện ý thức vươn lên, không dựa dẫm hay ỷ lại, cùng với đó là mong muốn được nhường lại sự quan tâm, hỗ trợ cho hộ khác.

Chung tay vì người nghèo

Nhìn chung đại bộ phận đời sống của nhân dân huyện Tương Dương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuối năm 2018, hộ nghèo trên địa bàn huyện là 5.441 hộ, chiếm 30,47%;  hộ cận nghèo là 3.701 hộ, chiếm 20,73%. Tuy nhiên, trong năm 2019 đã có 1.263 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 24,28%, giảm 6,19%. Đáng ghi nhận là có tới 490 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, xã Xá Lượng: 236 hộ, xã Lưu Kiền: 44 hộ, xã Mai Sơn: 37 hộ, xã Hữu Khuông: 26 hộ...

Ảnh: Đ.C
Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương trao đổi với người dân xã Thạch Giám. Ảnh: Đ.C

Có được kết quả trên, theo ông Vang Hồng Chuyên - Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, là ý thức của người dân là rất quan trọng, tuy nhiên, chính những giải pháp, chính sách được huyện Tương Dương triển khai trong thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Cụ thể, huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Thực hiện tốt công tác phân công trách nhiệm giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo theo đề án của tỉnh và huyện, tạo điều kiện khuyến khích, động viên các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết thêm: Cùng với triển khai đa dạng các mô hình như, trồng rau sạch ở các xã Tam Thái, thị trấn Thạch Giám, Xá Lượng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng nguyên liệu ở các xã Tam Quang, Yên Na, Yên Tĩnh, Tam Hợp... 

Huyện còn tổ chức các hình thức giới thiệu, quảng bá, tạo “cầu nối” đưa sản vật địa phương đến rộng hơn với người tiêu dùng, như: Hội chợ hàng địa phương ở xã Xá Lượng, chợ phiên ở xã Tam Thái; Cửa hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm đặc trưng huyện Tương Dương; Cửa hàng thực phẩm sạch Thanh niên tại thị trấn... Đây là cơ hội tạo tiền đề phát triển ngành dịch vụ, du lịch, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm xây dựng thương hiệu.

Ảnh: Đ.C
Một trong những gian hàng giới thiệu bán sản phẩm của người dân địa phương trên địa bàn xã Xá Lượng. Ảnh tư liệu

Vấn đề phát triển trồng rừng sản xuất, ông Kha cho hay, trước đây 13.838,4 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã quy hoạch cho Nhà máy giấy Tân Hồng không hiệu quả, nay tỉnh đã thu hồi quy hoạch cho Công ty cổ phần gỗ MDF Nghệ An và Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam. Vì vậy, ngoài những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, người trồng rừng trên địa bàn rồi đây sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ những chính sách của các công ty.

Ngoài ra, một chính sách được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện, đó là ưu đãi tín dụng đối với các hộ nghèo. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận và vay vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức xã hội - chính trị để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động...

Ảnh: Đ.C
Lãnh đạo huyện Tương Dương trao tiền hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo trên địa bàn xã Xá Lượng. Ảnh tư liệu

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng: Việc hàng trăm hộ nghèo mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và nỗ lực lao động, sản xuất để thoát nghèo bền vững đã thực sự tạo nên khí thế mới cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Bà con ngoài ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, còn dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với việc triển khai các giải pháp, chính sách như thời gian qua, huyện tiếp tục lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ các nguồn của Trung ương, của tỉnh và từ nguồn ngân sách huyện, để triển khai, hỗ trợ người dân phát triển mở rộng các mô hình có sẵn, cũng như triển khai thêm các mô hình mới. Đẩy mạnh liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để nâng cao tính hiệu quả mô hình, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho bà con…

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.