Nghệ An: Nhiều địa phương bị chia cắt, Quỳ Hợp sơ tán dân vì mưa lũ

Nhóm PV - CTV 09/09/2022 11:31

(Baonghean.vn) - Do mưa to kéo dài trong đêm qua, trong sáng nay (9/9), nhiều địa phương ở các huyện Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông... bị ngập cục bộ.

Đêm 8 và ngày 9/9, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã xảy ra mưa lớn khiến một số xã vùng núi đã bị ngập cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt.

Tại xã Thanh Thủy, từ sáng 9/9, các đập tràn ở các thôn Thủy Hòa, Thủy Chung đều đã ngập nước, gây chia cắt cục bộ. Riêng đập tràn tại thôn Thủy Chung nối với xã Thanh Khê nước dâng cao, chảy xiết, khá nguy hiểm.

Nước chảy xiết ở đập tràn Cửa Ông trên tuyến đường liên xã Thanh Khê - Thanh Thủy. Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Đình Thế - Bí thư Đoàn xã Thanh Thủy cho biết, để đảm bảo an toàn, hiện địa phương đã cảnh báo và cấm người dân qua lại trên các đập tràn này.

Tại xã Ngọc Lâm, mưa lớn, nước suối lên nhanh, chảy xiết qua các đập tràn, cầu thấp, nhất là những đập tràn ở bản Tân Tiến, bản Nhạn Mai khiến người dân qua lại khá nguy hiểm.

Một số tuyến đường ở xã Thanh Đức bị úng ngập do mưa lớn. Ảnh: Huy Thư

Tại xã Thanh Đức một số tuyến đường, nhiều diện tích hoa màu, chè đã bị ngập úng, đặc biệt là ở xóm Sướn và khu vực Tổng đội. Chị Trần Thị Bắc ở xã Thanh Đức cho biết, nước sông Giăng lên nhanh đã gây ngập vườn chè của gia đình chị, khoảng 5 sào chè đã bị ngập úng.

Nước sông Giăng dâng cao, khiến việc tìm kiếm em Nguyễn Xuân An (13 tuổi) - nạn nhân bị đuối nước ở xã Thanh Nho cũng trở nên khó khăn hơn. Cho đến 14h ngày 9/9, công việc tìm kiếm cứu hộ trên sông vẫn chưa có kết quả.

Người dân xóm 2, xã Hạnh Lâm đưa con nhỏ qua sông đi học ngày mưa. Ảnh: Huy Thư

Riêng một bộ phận dân cư thuộc khu vực xóm Chuyền (cũ), nay là xóm 2, xã Hạnh Lâm từng bị chia cắt hoàn toàn bởi sông Con (cầu bê tông đang làm dở), nay mưa lớn, nước sông dâng to, chảy xiết, việc đi lại của người dân trở nên khó khăn, phức tạp. Trẻ em phải ngồi thuyền qua sông để đi học trong mưa tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nhiều diện tích chè ở xã Thanh Đức bị ngập úng. Ảnh: Huy Thư

Do mưa lớn, một số tuyến đường trong huyện đã bị sụt, lở, như đường liên xóm ở xã Thanh Lương, một số cột điện đã bị đổ gãy. Đặc biệt là Quốc lộ 46 đoạn qua núi Nguộc (xã Thanh Ngọc), khu vực từng bị lở trước đây, hiện đất, đá trên núi thấm nước mưa, mất độ liên kết, tiếp tục rơi xuống chân núi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người đi đường.

Cột điện đổ ngã do mưa lớn tại xã Thanh Hòa. Ảnh: Huy Thư

Chiều 9/9, lượng mưa trên địa bàn huyện Thanh Chương có giảm, nhưng nước sông, suối đang lên nhanh. Chính quyền, đoàn thể các địa phương đã cảnh báo người dân phải cẩn trọng khi lưu thông trên các tuyến đường bị ngập nước, không nên qua lại những điểm ngập sâu, như các đập tràn, đề phòng tai nạn rủi ro. Đồng thời, đề nghị các nhà trường và người dân nhắc nhở, quán triệt con em không vui chơi, vớt củi, bắt cá, khu vực sông, suối, dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Tràn trên địa bàn huyện Quỳ Châu ngập nước trong sáng 9/9. Ảnh: Văn Trường

Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 4 tràn bị ngập sâu trong nước, như cầu tràn Km 61+800 xã Nghĩa Bình ngập 2 mét, cầu tràn đoạn Km 59+950 thị trấn Nghĩa Đàn ngập từ 50-60 cm.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện, đơn vị quản lý giao thông phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng chốt chặn, lập các rào chắn tạm thời, cử lực lượng canh gác tuyệt đối không cho người dân qua lại ở 2 phía cầu tràn.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, toàn huyện hiện có 3 tràn đang ngập nước gồm tràn xã Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Phong. Tất cả các điểm ngập đều được chính quyền địa phương cử lực lượng chốt chặn không cho dân qua lại.

Lực lượng dân quân xã Châu Hồng giúp nhân dân di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Ảnh: Huy Cường

Trong 3 ngày qua, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có mưa to đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa phương; làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi và gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi và diện tích nuôi trồng thủy sản của nhân dân, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Theo thông tin từ UBND huyện Quỳ Hợp, đến chiều tối 8/9, một số hộ dân tại 2 xã Châu Hồng và Yên Hợp phải di dời đến nơi ở khác do mưa lũ. Hàng chục ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; mưa lũ đã cuốn trôi 2 con lợn, 350 con gà, vịt, 3,2 ha ao nuôi cá của người dân. Hơn 400m đường giao thông và 30m kênh mương bị sạt lở, 1 cống bị cuốn trôi; hàng trăm mét tường rào sập đổ...

Lực lượng chức năng huyện Quỳ Hợp hướng dẫn người dân qua lại các điểm bị ngập lụt. Ảnh: Huy Cường

Ủy ban nhân dân huyện đã tổ 4 đoàn công tác trực tiếp xuống chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, các đơn vị, địa phương phòng, chống mưa lũ. Triển khai phương án chuẩn bị di dời dân ra khỏi khu vực ngập lụt, đưa tài sản lên nơi an toàn; kiểm tra các điểm xung yếu của hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, các khu dân cư vùng ven sông, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những hộ dân ở một số vùng bị ngập lụt.

Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã huy động 125 cán bộ, chiến sĩ, dân quân xã tham gia di chuyển các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn; phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác tại các điểm ngập lụt, sạt lở, hướng dẫn, cảnh báo người dân qua lại bảo đảm an toàn.

Huyện Kỳ Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả lũ quét trong mấy ngày trước, do hiện nay vẫn còn mưa. Ảnh: P.V

Tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, mưa tiếp tục kéo dài đã khiến công tác khắc phục hậu quả của đợt lũ quét trước đó vài ngày gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Sơn cho biết, đến sáng 9/9, tuyến đường chính vào xã Bảo Nam vẫn bị ách tắc, do lượng đất, đá sạt lở từ núi xuống mặt đường quá nhiều. Nhiều thôn, bản ở các xã: Hữu Lập, Hữu Kiệm, Na Ngoi, Phà Đánh, Tây Sơn... còn bị chia cắt, do mặt đường bị sạt lở, khe, suối ngập sâu trong nước.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn băn khoăn: Nếu trời tiếp tục mưa kéo dài, công tác khắc phục sạt lở đất sẽ còn nhiều khó khăn và kéo dài, vì nhiều điểm còn có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó, nước ở các khe, suối còn dâng cao, khó khăn cho việc đi lại của người dân và các phương tiện.

Trên địa bàn huyện Tương Dương mặc dù chưa xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng, nhưng trước tình hình mưa kéo dài, nhiều điểm trên các tuyến đường vào các xã vùng trong có nguy cơ cao bị sạt lở đất. Ông Lô Khăm Kha - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: Trước đó, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai do mưa lũ. Theo đó, bố trí lực lượng nắm bắt tình hình mọi sự cố trên địa bàn để sớm có giải pháp xử lý và hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

Tràn qua đường trên địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông) bị ngập nước trong sáng 9/9. Ảnh: P.V

Tại huyện Con Cuông, mưa kéo dài cũng đã gây ngập tại một số tràn ở xã Môn Sơn, Lục Dạ. Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết, huyện đang chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình cụ thể về mưa lũ; đối với các xã có tràn bị ngập nước, cắt cử lực lượng trực chốt, không cho người dân qua lại khi chưa an toàn.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trên địa bàn Nghệ An sẽ còn mưa to trong những ngày tới, vì vậy, các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống thiên tai để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Mới nhất

x
Nghệ An: Nhiều địa phương bị chia cắt, Quỳ Hợp sơ tán dân vì mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO