Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
(Baonghean.vn) - Ghi nhận 25 tham luận và những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh" diễn ra vào sáng 17/6, đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, đây là những cơ sở khoa học giúp Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phát huy vai trò, vị thế và khẳng định giá trị của mình trong thời gian tới.
Dự chương trình có các đồng chí: PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Lê Văn Khánh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Nguyễn Đình Lương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Hà Tĩnh; cùng đại diện các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và các ban, ngành, đơn vị liên quan.
Các đồng chí: Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Lê Thu Hiền - Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cùng với ý nguyện tôn vinh sự kiện này, ngày 15/1/1960, Đảng – Đoàn Bộ Văn hóa và Thông tin dưới sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã có Quyết định số 106-QĐ/VH về việc xây dựng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Thời điểm đó, việc xây dựng bảo tàng là ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân để tri ân công lao to lớn của các chiến sỹ Xô viết đã hy sinh vì sự độc lập, tự do của Tổ quốc và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Xô viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Bác Hồ kính yêu.
Đồng chí Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phát biểu lời dẫn khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh có một điều đặc biệt khi đây là 1 trong 2 bảo tàng duy nhất của nước ta được Bác Hồ ký lời đề tựa. Trong lời đề tựa của mình, Bác vừa đánh giá cao ý nghĩa trọng đại của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, vừa nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mãi mãi thắt chặt tình đoàn kết để phát huy truyền thống trong sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.
Một góc trưng bày của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Sau hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân trên quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh và du khách tham quan. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 300.000 – 500.000 lượt khách đến Bảo tàng tham quan, học tập, nghiên cứu.
Tính đến thời điểm hiện tại, bảo tàng đã sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị trên 16.000 tài liệu, hiện vật; kiểm kê được 250 di tích, lập hồ sơ xếp hạng 47 di tích cấp Quốc gia.
Tuy nhiên, hiện tại hệ thống trưng bày của bảo tàng đã xuống cấp, đòi hỏi cần nâng cấp hệ thống trưng bày và tăng cường cơ sở vật chất cho Bảo tàng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách tham quan.
PGS.TS Trần Viết Thụ đại diện Hội Sử học Nghệ An phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Để có cơ sở định hướng phát huy vai trò, vị thế của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong thời gian tới, tọa đàm là diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động cũng như định hướng sự phát triển tương lai để nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò trong sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng. Từng bước đưa bảo tàng thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, góp phần vào việc phát triển kinh tế di sản của tỉnh nhà.
Với mục đích đó, các đại biểu đã đóng góp 25 ý kiến, tham luận có chất lượng để làm rõ thêm vai trò, vị thế và những đóng góp của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng. Đồng thời làm rõ những nét độc đáo, riêng có của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, đặc biệt là trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của xứ Nghệ.
Đồng chí Lê Văn Khánh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đóng góp những ý kiến tâm huyết tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng đã đánh giá một cách trung thực, khách quan và khoa học thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Xô viết Nghệ Tĩnh của Bảo tàng trong bối cảnh hiện nay. Dự báo những thuận lợi, khó khăn nếu thực hiện Đề án Sáp nhập 2 bảo tàng gồm: Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất các giải pháp khoa học, phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa xứ Nghệ để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Tìm giải pháp đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, xứng đáng là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của tỉnh nhà.
Các đại biểu đóng góp 25 tham luận và ý kiến nhằm cung cấp nhiều giải pháp quan trọng để hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đến từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là những cơ sở khoa học để hướng đến các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong thời gian tới. Đồng thời cung cấp những định hướng quan trọng đưa Bảo tàng xứng đáng là trường học tốt về lịch sử cách mạng, là trung tâm nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ Việt Nam nói chung, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng trong thời gian tới.