Cấy đêm "chạy" nắng nóng

(Baonghean) - Mấy ngày qua, nắng nóng lên tới đỉnh điểm khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Để tránh cái nắng như thiêu đốt,  bà con nông dân các địa phương đã phải chong đèn đi cấy đêm cho kịp thời vụ. 
Những đêm cuối tháng 5, trên các cánh đồng của huyện lúa Yên Thành luôn lập lòe ánh sáng đèn pin như đêm hội hoa đăng. Sau bữa cơm tối, bắt đầu 19h đêm, bà con nông dân lại “í ới”, ra đồng đi cấy. Với chiếc đèn pin quàng trên đầu, đường kính quầng sáng chỉ khoảng 1m, nhưng người dân nơi đây vẫn cấy thẳng hàng. Những đốm sáng trên cánh đồng đêm ấy đã phản ánh sự vất vả, khó nhọc của người nông dân trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng, những đốm sáng đó cho thấy sự sáng tạo, cần cù vượt khó của người dân để gieo trồng cho kịp thời vụ.
Điểm chúng tôi đến đầu tiên là xã Hoa Thành, chị Nguyễn Thị Quy, xóm Chu Trạc đang thoăn thoắt cấy lúa, tâm sự: “Ban ngày nắng kinh khủng, chúng tôi phải dậy từ khi 3 - 4 giờ để đi cấy chứ khoảng 8h trở đi là nắng nóng không thể chịu đựng được. Có vài người cố làm khi nắng lên đã ngất xỉu ngay trên ruộng. Kể cả trâu bò cũng không chịu đi ra đồng, “đập” được ra đồng là chúng lại nhảy xuống sông, xuống kênh để ngâm nước... Cực chẳng đã nên chúng tôi mới đội đèn cấy đêm, chứ cấy như thế này cũng vất vả”. Bà Chu Thị Tú  ở thửa ruộng bên cạnh cho biết: “Từ thời chiến tranh, để tránh máy bay Mỹ, bà con nông dân mới phải đi cấy đêm. Bây giờ để tránh nắng phải đội đèn đi cấy đêm. Đúng là chạy nắng như chạy giặc. Nếu nắng nóng kéo dài thì cây trồng vụ hè thu sẽ hỏng hết”. 
Cả nhà cùng ra đồng cấy đêm.
Cả nhà cùng ra đồng cấy đêm.
Tại xã Văn Thành, đèn sáng khắp các cánh đồng. Anh Nguyễn Văn đang cùng vợ cấy trên cánh đồng Nghè tâm sự: “Ban ngày nắng nóng như thiêu đốt, không thể ra đồng mà cấy được mô các anh ạ. Cấy  đêm vừa mát, vừa năng suất mà lại tận dụng được thời gian ban ngày để làm các công việc khác ở nhà. Chỉ cần chiếc đèn pin đội đầu là đi cấy được. Nếu không cấy đêm thế này chắc giờ cả cánh đồng này chưa biết khi nào mới cấy xong”.
Cấy đêm để tránh nắng nóng và còn giúp người nông dân tận dụng tối đa nguồn nhân lực trong gia đình. Nhiều gia đình có con đang đi học, đêm về các em ra đồng giúp bố mẹ cấy lúa. Hay như một số gia đình có vợ hoặc chồng, ngày làm công nhân nhà máy may nhưng đêm về vẫn tranh thủ chồng bừa, vợ cấy. Nhiều hộ còn đem cả đài radio, cassette đặt trên bờ ruộng nghe nhạc, tạo không khí vui tươi mùa vụ; nhiều nhóm người còn hò, hát ví, giặm đối đáp nhau vui đáo để... 
Học sinh Yên Thành tranh thủ đi cấy đêm giúp bố mẹ.
Học sinh Yên Thành tranh thủ đi cấy đêm giúp bố mẹ.
Ông Nguyễn Khắc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: “Mấy ngày qua, để tránh nắng nóng, bà con đã chủ động cấy đêm, nên hơn 200 ha lúa vụ hè thu của xã cơ bản được khép kín, kịp thời vụ. Vào những đêm đi cấy, không khí thôn xóm sôi nổi, rộn ràng. Từ hoạt động đó mà nhiều đôi nam nữ nên duyên vợ chồng…”. Còn ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, nhờ cấy lúa đêm mà đến nay, huyện Yên Thành đang từng bước gieo cấy kịp thời vụ. “Diện tích lúa hè thu của Yên Thành là 12.200 ha. Cũng nhờ bà con chủ động cấy đêm nên cơ bản đã gieo cấy được 10.500 ha. Số diện tích còn lại thuộc các xã hạn hán không điều tiết được nước như: Mã Thành, Tiến Thành, Tân Thành, Quang Thành, chúng tôi đã có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng bị hạn”.
Không chỉ huyện Yên Thành mà nhiều địa phương khác như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên... người dân cũng đã chọn phương án sản xuất nông nghiệp vào ban đêm để tránh nắng nóng. Cũng chính nhờ “sáng kiến” đó mà diện tích lúa vụ hè thu của các huyện vùng sâu trũng của tỉnh đã cơ bản khép kín.
Bài, ảnh: Tiến Dũng

tin mới

Các lực lượng, đoàn thể chung tay giúp người dân vùng cao thu hoạch lúa vụ xuân

Các lực lượng, đoàn thể chung tay giúp người dân vùng cao thu hoạch lúa vụ xuân

(Baonghean.vn) - Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, khi lúa vụ xuân đã bắt đầu chín đồng loạt, các địa phương vùng núi cao Nghệ An đang tích cực “ra quân” gặt lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, hạn chế tối đa thiệt hại với sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch.

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, thành Vinh khoác lên mình tấm áo rực rỡ được dệt từ nhiều sắc hoa tươi tắn như bằng lăng, giáng hương, phượng vàng, phượng vĩ... 

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

(Baonghean.vn) - Đường N5 kéo dài kết nối với đường Hồ Chí Minh từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương lên huyện Tân Kỳ có chiều dài 15 km. Hiện nay, tuyến đường chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, dù đã cắm biển cấm nhưng các phương tiện vẫn “vô tư” đi vào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà huyện Hưng Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo địa phương quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.