Cào hến trên sông Lam

(Baonghean) - Ánh nắng chớm hè dát vàng trên mặt nước, con đò thủng thẳng đưa khách sang sông. Từ bến đò Xuân Lâm nhìn sang phía hữu ngạn, những bóng người nhỏ nhoi giữa khúc sông. Người lái đò cho hay, vào mùa cào hến, dòng sông Lam chảy qua địa phận xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Mùa cào hến nơi đây bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch.

Cách bến đò Vạn Rú khoảng 100m, những ụ cát sỏi dồn về đây, nước sông chỉ cao đến đầu gối người lớn. Giữa mênh mông sông nước, đồng bãi, những dáng người lom khom bới tìm, sàng lọc từng con hến như những dáng cò nhỏ nhoi. Thấy có người lạ đến chụp ảnh, ai nấy tỏ ra ngại ngần, có người nói vọng vào “Chụp chi cái cảnh vất vả, khó nhọc này”.
Khúc sông Lam nhộn nhịp người cào hến
Khúc sông Lam nhộn nhịp người cào hến
Làm quen mãi, chúng tôi mới bắt chuyện được với ông Hoà ở xóm 6. Dáng người khắc khổ, nước da sạm đen, ông trông già hơn nhiều so với độ tuổi 60. Vốn là dân vạn chài, cuộc sống người dân trong vùng sống bám vào mặt sông. Nghề cào hến đã từng là kế sinh nhai của nhiều gia đình. Khoảng 30 năm về trước, người dân túa ra sông từ tờ mờ sáng, trẻ con, người lớn, người già cổ quàng dây nhủi, lầm lũi đến tận non trưa mới trở về. Ông Hoà cũng chẳng biết nghề làm hến có từ bao giờ và mình biết đi cào hến bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng, nó quen thuộc lắm... Tuổi thơ của ông đã quen với mùi vỏ hến tanh nồng, quen chơi trò ô ăn quan cùng lũ trẻ quanh những đống vỏ hến cao chất ngất dọc bờ đê đầu làng. Nay, cuộc sống đã khấm khá lên nhiều, sức khoẻ không còn như xưa nữa nhưng thỉnh thoảng ông vẫn ra bến sông này bắt hến về nấu canh...
Mỗi buổi đi học về, Hoàng ra sông cào hến
Mỗi buổi đi học về, Hoàng ra sông cào hến
Nghề cào hến suốt ngày dầm nước, dễ sinh bệnh xương khớp. Cả ngày phơi mình “trên nắng, dưới nước”, tối về quần quật với việc đãi, rửa hến. Chợp mắt được một lúc, 3h sáng đã phải thức dậy nhóm lò luộc hến. “3 sôi, 2 trào”, nồi luộc hến sôi, nước trào ra khỏi nồi, dùng đũa cả khoắng cho đều, đến khi hến “hả miệng” vớt ra để ráo và bắt đầu công đoạn đãi lấy ruột. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ. Công đoạn luộc hến phức tạp, cầu kì, nhiều người sau khi bắt hến về bán luôn cho thương lái.
Người dân vạn chài xã Khánh Sơn nay hầu hết đã “lên bờ”, nghề làm hến cũng chẳng mấy ai mặn mà. Thay vào đó là nghề trồng dâu nuôi tằm, những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt giúp bà con có cuộc sống đủ đầy, khấm khá. Nhưng dường như, nỗi nhớ sông nước vẫn đâu đó trong tiềm thức dân vạn chài. Vào mùa nước cạn, khúc sông này lại nhộn nhịp người cào hến. Mỗi lúc nhớ cái vị mát ngọt từ bát canh hến, họ lại tranh thủ trời nắng ấm, ra sông cào hến. Vợ chồng bà Hoa là giáo viên nghỉ hưu, thấy mọi người đi cào hến đông vui cũng xách rổ, xách bì đi theo. Được khoảng 3 cân hến vỏ, cô vui mừng vì đã có canh hến cho bữa tối của gia đình. Chị Hiền ở xóm 6, cũng tranh thủ đi thăm đồng, kèm theo dụng cụ bắt hến. Chỉ cần một cái rổ đan hơi dày, một cái cào và một cái bì là có thể “hành nghề”. Chị bảo: “Về mùa cạn, hến theo cát sỏi dạt vào khúc sông này nhiều lắm. Đều ăn nước sông Lam, chẳng hiểu sao hến ở khúc sông này lại béo ngọt hơn nhiều nơi khác. Hến có vỏ màu càng đen càng béo vì nó ăn được nhiều phù sinh, còn con hến có vỏ màu vàng là ăn cát, không béo lắm”. 
Những con hến trên dòng sông Lam không chỉ đem lại nồi canh mát ngọt cho những gia đình, mà còn là nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình anh Hưng ở xóm 8. Mặc dù không phải là dân vạn chài, vào mùa hến vợ chồng anh Hưng thường xuyên có mặt ở bến sông này. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, vợ chồng anh lại tay cào, tay rổ sàng nhặt từng con hến. Mỗi ngày, chỉ cần bỏ ra vài ba tiếng đồng hồ, vợ chồng anh cào được khoảng 10 kg hến vỏ, bán được trên 100 nghìn đồng. Ngoài 4 sào ruộng khoán, đây là nguồn thu nhập không nhỏ để anh ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học.
Không chỉ có vợ chồng anh Hưng mà Hoàng, một học sinh lớp 8, sau mỗi buổi đến trường, cậu thường xuyên có mặt ở bến sông này. Thương bố mẹ quanh năm cày sâu cuốc bẫm vẫn nghèo khó, Hoàng theo các cô chú trong làng ra sông cào hến về bán. Xách túi hến chừng 5 kg đứng đợi thương lái đến mua, Hoàng bẽn lẽn nhìn chúng tôi, thỏ thẻ: “Cháu đi bắt hến quen rồi, vui lắm. Một cân hến vỏ bán với giá 11 nghìn đồng. Chừng này hến là có gần 60 nghìn rồi”. Tôi cảm nhận được niềm vui, phấn khởi qua ánh mắt của Hoàng, mặc dù bộ quần áo trên người em đang ướt đẫm, khuôn mặt lấm lem bùn đất. Dường như tuổi thơ của Hoàng, của biết bao người con xã Khánh Sơn đã lớn lên bên dòng sông này, lớn lên từ những bát canh hến mát ngọt, đậm đà...
Dòng sông Lam chở nặng phù sa với bao ký ức buồn vui, vơi đầy theo con nước miệt mài bồi đắp tốt tươi cho những làng quê ven sông. Thịt hến dai, vị thơm, nước luộc hến trong và ngọt mát. Vào mùa hè, chỉ cần một bát canh hến ăn kèm với mấy quả cà pháo hay đĩa hến xào xúc bánh đa, cũng có thể làm nôn nao bao người con xa quê nhớ về quê hương, nhớ về những người mẹ, người chị tần tảo bên bến sông.
Bài, ảnh: Nguyễn Lê – Lương Thủy

tin mới

Đồng lúa và sen

Mùa vàng trên quê Bác

(Baonghean.vn) - Cùng với những đổi thay trên quê Bác, ngày mùa ở Kim Liên (Nam Đàn) dường như cũng đẹp hơn, rộn ràng hơn. 

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

(Baonghean.vn) - Chiều 13/5, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ”.

Tạo sức bật trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn

Tạo sức bật trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Ngày10/5, Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện một số chỉ tiêu gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Kỳ Sơn.