Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
(Baonghean.vn) - Sáng 11/1, tại TP. Vinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được truyền trực tiếp đến 21 điểm cầu các huyện, thành, thị ủy.
Toàn cảnh điểm cầu chính. |
CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CÓ NHIỀU ĐIỂM SÁNG
Năm 2022, bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chương trình, kế hoạch công tác đề ra, Tỉnh ủy và các cấp ủy đã lãnh đạo hệ thống chính trị cùng với nhân dân nỗ lực triển khai các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Đặc biệt, qua tổng kết cho thấy, trong năm qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh có nhiều điểm sáng; đặc biệt là phát huy rất tốt tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm.
Cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương. Tình đoàn kết lương - giáo, miền xuôi và miền ngược, trong tỉnh và ngoài tỉnh được thể hiện, phát huy rất nổi bật. Lòng dân, sức dân được khơi dậy, toàn tỉnh đã huy động được hơn 615 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Riêng Chương trình Tết Vì người nghèo Xuân Quý Mão 2023 đến nay đã vận động, kêu gọi được hơn 135 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Thành Duy |
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được dư luận nhân dân rất mong chờ như: Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về chuyển đổi số; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; quyết liệt trong chỉ đạo xử lý vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm cải cách hành chính...
Đồng chí Nguyễn Văn Lư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh trình bày tham luận với chủ đề: "Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ ở Đảng bộ thành phố Vinh". Ảnh: Thành Duy |
Bên cạnh tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, HĐND và UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong thu hút đầu tư; sâu sát đối với các cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh.
Hiệu quả công tác lãnh đạo được minh chứng bằng kết quả cụ thể. Theo đó, kinh tế - xã hội Nghệ An trong năm qua có nhiều điểm sáng rất tích cực. Toàn tỉnh nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới sau làn sóng đại dịch Covid-19 và thực hiện đạt 27/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch (6 chỉ tiêu vượt).
Đồng chí Trương Minh Cương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Quế Phong trình bày tham luận với chủ đề: "Công tác lãnh đạo vận động đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo “3 yên”: Yên dân, yên địa bàn, yên biên giới". Ảnh: Thành Duy |
Đặc biệt, trong năm 2022, nền kinh tế Nghệ An có một số chỉ tiêu thiết lập mốc phát triển mới: Tốc độ tăng trưởng đạt 9,08%. Lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 21.805 tỷ đồng; thu hút FDI xấp xỉ đạt 1 tỷ USD, đứng tốp 10 cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 2,49 tỷ USD, là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh thực hiện vượt mục tiêu xuất khẩu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra.
Công tác chăm sóc y tế được thực hiện tốt; giáo dục mũi nhọn về học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đứng tốp 5 toàn quốc. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 14 bậc so với năm 2021, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Hà Xuân Quang - Bí thư Huyện ủy Diễn Châu trình bày tham luận với chủ đề: "Một số kết quả, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới". Ảnh: Thành Duy |
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, giữ yên địa bàn; tổ chức rất thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh và 5 huyện, được Quân khu 4, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Công tác đối ngoại được được triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện. Sự tin tưởng, ủng hộ, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với tỉnh, đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được thể hiện rõ.
Công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát có chuyển biến tích cực, rõ nét trên các mặt, đặc biệt là chủ động, kịp thời tham mưu cụ thể hóa, ban hành nhiều quy định, chỉ thị, đề án, kết luận trên lĩnh vực xây dựng Đảng, nhất là về tổ chức bộ máy, về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, công tác dân vận, kiểm tra, giám sát; đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc quán triệt các quy định, văn bản mới của Trung ương trên lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thi hành Điều lệ Đảng.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện dân chủ, đúng nguyên tắc, đúng quy định, đồng thuận cao, hoàn thành được nhiều việc lớn. Công tác kiểm tra, giám sát có sự chuyển động tích cực từ tỉnh đến cơ sở, đã chủ động phát hiện, tổ chức được các cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề; từng bước đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm mà dư luận quan tâm.
Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào nề nếp; tập trung chỉ đạo xử lý được các vụ án, vụ việc phức tạp. Công tác tuyên giáo, công tác dân vận có nhiều đổi mới về phương pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, xây dựng và nhân rộng có hiệu quả nhiều phong trào từ cơ sở.
"ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT; CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT,
TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM"
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực của toàn Đảng bộ đã phấn đấu đạt được trong năm 2022; chúc mừng các tổ chức, cá nhân được khen thưởng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên, cũng là năm dự báo có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là sức ép lạm phát, khó khăn từ tác động của nền kinh tế thế giới; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức lớn, nỗ lực cao mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh trên, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu cần phải tập trung đánh giá giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp; coi đây là dịp để rà lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu; các hành động thực hiện nhiệm vụ đã đủ tầm, đủ quyết liệt; cũng như rà soát các giải pháp thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2020 -2025 đến thời điểm này có còn sát với thực tiễn, qua đó, xem xét điều chỉnh, bổ sung để thực hiện hoàn thành được các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra yêu cầu cần phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương chuẩn bị để trình Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, ban hành Nghị quyết mới gắn với nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực mới cho sự phát triển. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành chương trình hành động thực hiện; đặc biệt, cần tham mưu để ban hành các cơ chế đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Cùng với đó, tỉnh cần phối hợp với các cơ quan Trung ương liên quan để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, phấn đấu quý I/2024 sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mở ra dư địa phát triển mới, xây dựng thành phố Vinh thực sự là đầu tàu của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tạo được bước ngoặt về các công trình hạ tầng trọng điểm, phấn đấu đến quý I/2023 khởi công Cảng biển nước sâu Cửa Lò; thực hiện giải phóng mặt bằng, đề nghị Chính phủ có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh; đồng thời, tập trung để sớm triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, Khu công nghiệp Hoàng Mai II, điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để tạo không gian phát triển mới.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 7 đảng bộ cấp trên cơ sở “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2022. Ảnh: Thành Duy |
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp loại 7 đảng bộ cấp trên cơ sở “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; 21 đảng bộ cấp trên cơ sở “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh yêu cầu phải tạo được bước đột phá hơn, thực chất hơn trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Theo đó, tới đây sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất rất cao phải làm mạnh mẽ hơn công tác cán bộ, gắn với yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc rốt ráo, quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh đạo đức công vụ, nhằm tạo được bước chuyển thực sự trong nền hành chính công vụ của tỉnh.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho 5 đồng chí. Ảnh: Thành Duy |
Mặt khác, các cấp cần tiếp tục chăm lo chế độ, chính sách, công tác an sinh xã hội, với người có công. Đặc biệt, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng 9.000 căn nhà cho hộ nghèo chưa có nhà, và khoảng 6.200 nhà cần sửa chữa trong giai đoạn 2023 - 2025 với tổng mức 500 - 600 tỷ đồng do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ở các cấp dưới cũng cần thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác để thực hiện chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này cho hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh đang khó khăn về nhà ở.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc đến đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn. Ảnh: Thành Duy |
Trước khi kết thúc bài phát biểu tại hội nghị quan trọng của Đảng bộ Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý một lần nữa lưu ý cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần phải thấm nhuần và thực hiện tốt 3 phương châm: “Đoàn kết, thống nhất; chủ động, linh hoạt và trọng tâm, trọng điểm".
Dịp này, các đồng chí: Cao Thị Hiền - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khóa XVII; Bùi Thanh Bảo - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Kỳ vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế (nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn) vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba; đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn vinh dự nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.