Thời sự

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Chủ động, quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt

Phạm Bằng 23/07/2025 16:34

Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung cao nhất cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả theo tinh thần chủ động, quyết liệt với phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Chiều 23/7, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra và triển khai các nhiệm vụ quan trọng.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

bna__dsc5929.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo ứng phó với bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão. Ảnh: Phạm Bằng

Kịp thời ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Lượng mưa đo được tại các Trạm Khí tượng Thủy văn từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7 phổ biến từ 100mm đến 200mm, có nơi trên 250 mm.

Ngoài ra, do lưu lượng nước từ thượng nguồn về rất lớn nên đã gây ngập lụt diện rộng, sạt lở đất gây chia cắt, ngập lụt nhiều xã miền núi, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi, hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

bna__dsc6044.jpg
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Thị Nhung báo cáo tình hình diễn biến, công tác chỉ đạo việc khắc phục hậu quả do hoàn lưu của bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều công điện, thông báo để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão; khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại một số địa bàn trọng điểm xung yếu; kiểm tra công tác vận hành tại Công ty Thủy điện Bản Vẽ và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại một số địa phương. Công tác vận hành liên hồ chứa nước, xả lũ thuỷ điện được thực hiện nhịp nhàng, đúng quy trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

bna_222.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Hồng Quang báo cáo tình hình ứng phó, khắc phục và những giải pháp trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng

Đến thời điểm này, số liệu thiệt hại thống kê chưa đầy đủ do nhiều địa phương, đơn vị đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc, chưa báo cáo được. Bước đầu ghi nhận trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương, 417 nhà bị thiệt hại, 3.237 nhà bị ngập nước.

Tính đến 11h ngày 23/7/2025, các xã đã di dời hàng ngàn hộ dân đến nơi trú tránh an toàn. Đến nay, nhiều xã đang bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn, như: Tương Dương 21 thôn, bản; Tam Quang 29 hộ; Mường Xén 9 khối và hàng trăm hộ dân tại các xã: Châu Khê, Hữu Khuông, Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang, Con Cuông.

bna__dsc6082(1).jpg
Đại tá Hoàng Đình Luân - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh báo cáo công tác ứng phó, giúp dân khắc phục ngập, lụt. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 45 điểm sạt lở taluy; 1.522m chiều dài đường sạt lở, hư hỏng; 49 điểm sạt lở, ách tắc; 56 điểm giao thông bị ngập nước, ách tắc; 3 cầu treo bị cuốn trôi và nhiều thiệt hại về nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục...

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo cụ thể những công việc đã triển khai và những biện pháp trong thời gian tới để khắc phục hậu quả thiên tai tại một số địa phương.

bna__dsc6154.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Phân tích thêm các nguyên nhân gây ngập, lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, công tác tuyên truyền đã được thực hiện kịp thời, công tác vận hành liên hồ chứa nước, đặc biệt là tại Thuỷ điện Bản Vẽ đã được thực hiện đúng quy trình. Mặc dù nhiều xã bị cô lập, chia cắt nhưng không có tình trạng người dân thiếu ăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở, chia cắt... và nêu các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.

bna__dsc6162.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trao đổi các giải pháp ứng phó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần đảm bảo thực phẩm cho người dân, khi nước rút thì ngành Y tế hỗ trợ, hướng dẫn xử lý môi trường, nước sạch cho người dân. Các ngành Quân sự, Công an huy động lực lượng tích cực hỗ trợ chính quyền và người dân ứng phó kịp thời, đặc biệt là trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục với phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường công tác tuyên truyền để cả xã hội, người dân cùng đồng lòng vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, nghiên cứu di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn...

Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đảng ủy UBND tỉnh, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão tại các xã khu vực miền Tây Nghệ An, qua đó góp phần hạn chế các thiệt hại xảy ra.

bna__dsc6182.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, chủ động. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và người dân được thực hiện kịp thời.

Đặc biệt, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cấp xã mới rất tích cực, sát việc và triển khai công việc nhanh, bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư là không chủ quan, chủ động ứng phó kịp thời với tình hình mưa lũ, ngập lụt, cơ bản đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân và Nhà nước.

Nhấn mạnh tình hình mưa lũ, ngập lụt trong những ngày tới sẽ còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng tổ chức trực ban 24/24h, có phương án khắc phục ở mức cao nhất, trước hết theo phương châm "4 tại chỗ".

bna_11(2).jpg
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo các ngành, đơn vị tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước; tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trong đó có các địa bàn xã vùng hạ lưu để có phương án kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn, trong trường hợp cần thiết tiến hành cưỡng chế. Huy động lực lượng để hỗ trợ di dời người dân và tài sản khi có yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các xã tập trung huy động hệ thống chính trị của địa phương thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu; sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực nước chảy xiết, khu vực đã sạt lở, kiên quyết không cho người dân và phương tiện đi qua. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp an toàn trong và sau mưa lũ, ngập lụt.

bna__dsc5997.jpg
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo các ngành, đơn vị tham dự họp. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng đó, có biện pháp ứng cứu kịp thời, tiếp cận các địa điểm, khu vực dân cư ở các xã, thôn, bản đang bị cô lập, chia cắt để đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dọn dẹp môi trường sau khi nước rút.

Chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện theo dõi, thực hiện nghiêm quy trình xả lũ và kịp thời thông báo cho các địa phương, từ đó thông tin kịp thời đến người dân vùng bị ảnh hưởng. Trường hợp cần thiết thì báo cáo với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, MTTQ tỉnh để chỉ đạo kịp thời và báo cáo cơ quan Trung ương.

bna__dsc6000.jpg
Lãnh đạo các ngành, đơn vị tham dự họp. Ảnh: Phạm Bằng

Phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân và triển khai công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt.

Đối với các lực lượng quân sự, biên phòng, công an tiếp tục chủ động triển khai lực lượng, đảm bảo các phương án ứng phó, khắc phục, hỗ trợ người dân, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trong thời điểm mưa lũ.

bna__dsc6021.jpg
Lãnh đạo các ngành, đơn vị tham dự họp. Ảnh: Phạm Bằng

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung cao nhất cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt theo tinh thần chủ động, quyết liệt với phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Các cơ quan báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác để tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong tình hình mưa lũ, ngập lụt.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Chủ động, quyết liệt, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO