Cách tạo 'điểm tựa sinh kế' cho người nghèo ở huyện Con Cuông

Thành Chung - Bá Hậu 04/11/2022 12:03

(Baonghean.vn) -  Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông và các tổ chức thành viên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từ đó thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua yêu nước, chăm lo phát triển kinh tế, sản xuất đạt hiệu quả.

Ngày vui của bản

Thời gian này, người dân bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông đang ra sức thi đua tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa; náo nức mong chờ đến Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” và kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2022). Theo bà Lang Thị Hải Vân – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Kẻ Sùng: Đây là một ngày hội lớn thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của toàn dân, hướng về cộng đồng. Vậy nên, ở bản sẽ có nhiều phong trào, hoạt động được tổ chức, cả về bề nổi lẫn chiều sâu. Về bề nổi, bản xây dựng đường cờ đại đoàn kết; người dân ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; treo băng rôn, khẩu hiệu cổng chào qua đường; tổ chức tọa đàm kỷ niệm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…Về chiều sâu là thực hiện các hoạt động vì người nghèo.

Cấp ủy chi bộ và Ban công tác Mặt trận bản Kẻ Sùng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Thành Chung

Kẻ Sùng là một bản nằm cách trung tâm xã Mậu Đức 4 km, có 193 hộ với 901 nhân khẩu, đại đa số là người dân tộc Thái. Những năm trước đây, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bản có nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 1/2 số hộ trong bản. 3 năm trở lại đây, bản Kẻ Sùng đã có sự phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt. Sự phát triển của bản không thể tách rời với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” và vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể.

Bà Lang Thị Hải Vân cho biết thêm: Bước vào xây dựng nông thôn mới, bản Kẻ Sùng gặp khó khăn ở nhiều tiêu chí, như tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở, mức thu nhập, giao thông, nhà văn hóa. Trước tình hình này, bản đã tổ chức các cuộc họp bàn từ cấp ủy, đoàn thể, toàn dân. Tất cả đều quán triệt rõ vai trò chủ thể, thụ hưởng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đi vào vào thực hiện, Ban công tác Mặt trận bản và các đoàn thể đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động thay đổi cách nghĩ và cách làm.

Người dân bản Kẻ Sùng góp công, góp sức xây dựng công trình nhà văn hóa bản. Ảnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mậu Đức

Để đẩy mạnh phong trào chăm lo phát triển kinh tế, sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả, Ban Cán sự và Ban công tác Mặt trận bản đã chia các hộ gia đình trong bản thành 11 tổ, nhóm giúp nhau. Các tổ, nhóm tổ chức họp, chỉ rõ những gia đình khó khăn cần giúp đỡ. Với những gia đình thiếu phương thức sản xuất thì được tư vấn, hướng dẫn cách để làm vườn rừng, chăn nuôi, giới thiệu việc làm. Với những hộ thiếu nguồn vốn thì được giới thiệu, tham mưu để các hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho vay vốn sản xuất. Các tổ, nhóm giúp nhau vẫn thường xuyên họp, đánh giá hiệu quả việc hỗ trợ, giúp đỡ và có sự thi đua giữa các tổ, nhóm. Với cách làm này, bản thân những hộ khó khăn được giúp đỡ đã có động lực mạnh mẽ để vươn lên. Sau 2 năm, từ chỗ 50% hộ nghèo, hiện bản Kẻ Sùng chỉ còn 12% hộ nghèo (31% theo chuẩn mới).

Để xây dựng công trình giao thông và nhà văn hóa, bản Kẻ Sùng tiến hành họp toàn dân thống nhất chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông Vi Thanh Long – Trưởng ban Công tác Mặt trận bản cho biết: Việc tuyên truyền được đẩy mạnh nên mọi người đều có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa. Từ đó, người dân đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của, hiến đất, hiến đường. Việc tổ chức đóng góp được tiến hành nhiều đợt nhằm “giãn sức dân”. Nhà có tiền thì đóng tiền, nhà không có tiền thì hỗ trợ ngày công. Việc chỉnh trang đường, thi công nhà văn hóa đều do dân bản vào cuộc triển khai. Đến năm 2021, nhà văn hóa đã được hoàn thành sau 2 năm xây dựng và cũng trong năm này bản đã được công nhận đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mậu Đức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc nhân Ngày Đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mậu Đức

“Có thể nói rằng, ở khu vực miền núi cao, để được công nhận là bản đạt chuẩn nông thôn mới là vô cùng khó khăn. Vậy nên, người dân bản Kẻ Sùng rất tự hào khi những nỗ lực của mình đem lại kết quả tốt đẹp. Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm nay là dịp bản Kẻ Sùng nhìn nhận lại kết quả đạt được của các phong trào thi đua trong năm qua và quan trọng hơn là đề ra các mục tiêu trong năm tới, đặc biệt là bàn bạc, triển khai các giải pháp, tiếp tục giúp đỡ nhau thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản”, ông Vi Thanh Long chia sẻ.

Hướng về người nghèo

Theo bà Hà Thị Linh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Mậu Đức: Không riêng gì bản Kẻ Sùng, trong dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc này, cả 8/8 bản của xã đều có những hoạt động hết sức ý nghĩa. Hai hoạt động trọng tâm mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã chỉ đạo Ban công tác Mặt trận 8 bản thực hiện, đó là hướng về người nghèo, giúp đỡ xã yếu thế và tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền, dân tộc. Việc tổ chức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực… không chỉ để bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp cho người dân thêm quý, thêm yêu, tự hào về dân tộc, quê hương mình, từ đó có những hành động thiết thực để thi đua yêu nước, xây dựng địa phương.

Chương trình trao tặng bò - Mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông triển khai. Ảnh Bá Hậu

Ở xã Mậu Đức hiện đã có 3/8 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đang tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân; phát huy sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế; thi đua hoàn thiện các tiêu chí ở 5 bản còn lại. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cũng cố gắng làm công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình sinh kế cho người dân. Trong năm 2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã hỗ trợ xây dựng được 4 nhà “Đại đoàn kết” và 4 mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Được biết, hướng đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông đã có kế hoạch từ rất sớm để hướng dẫn cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 13 xã, thị trấn và các tổ chức thành viên triển khai. Các hoạt động trọng tâm là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; các hoạt động an sinh, tạo sinh kế và hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Ông Phạm Trọng Bình – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Con Cuông nêu rõ: Trong dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức thành viên sẽ tập trung mạnh vào việc hướng về cơ sở, hướng về người nghèo, bao gồm: thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các hộ nghèo, khó khăn, người yếu thế; khởi công, khánh thành cầu dân sinh nội bản.

Trong 2 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện chương trình trao tặng bò trong “Ngân hàng bò” sinh kế tại 11/13 xã, thị trấn. Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc tiến hành cấp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo 1 con bò cái sinh sản. Hộ được nhận hỗ trợ sẽ chăm sóc bò sinh sản, rồi chuyển tiếp con bê con được sinh ra cho gia đình khác nuôi. Khi bò mẹ mang thai, lại tiếp tục bình xét ra hộ tiếp theo nhận bê. Như vậy, hộ được nhận bò, nhận bê đều có trách nhiệm giám sát, chăm sóc, các hộ thụ hưởng đều phải có trách nhiệm chung trong việc này. Huyện Con Cuông hiện đã thực hiện cấp 110 con bò cho 110 hộ và sau 2 năm số bò trong “Ngân hàng bò” đã có 119 con (19 con bê thế hệ thứ 2 đã được bàn giao thêm cho 19 hộ khác).

Khánh thành cầu dân sinh tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Chương trình trao tặng bò trong “Ngân hàng bò” sinh kế là một cách làm hay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện để giúp đỡ người dân thoát nghèo; hiệu quả mang lại còn giúp gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và khuyến khích người dân không ngừng vươn lên. Trong dịp này, Chương trình trao tặng bò cũng sẽ tiếp tục đánh giá, triển khai mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cũng sẽ đề ra thêm một số chương trình sinh kế khác để giúp đỡ người dân; đề ra các giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; tạo sự chuyển biến trong nhận thức để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.

Ông Phạm Trọng Bình cho biết thêm: Một chương trình khác mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đó là kêu gọi xây dựng cầu dân sinh. Trong 3 năm qua, huyện Con Cuông đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng được 4 cây cầu dân sinh bắc qua các khe, suối ở các thôn, bản. Việc xây dựng cầu có ý nghĩa rất lớn, vừa đảm bảo an sinh, vừa góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực vùng cao. Hiện nay, huyện Con Cuông vẫn còn cần khoảng 100 cây cầu như vậy.

Mới nhất

x
Cách tạo 'điểm tựa sinh kế' cho người nghèo ở huyện Con Cuông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO