Chủ tịch UBND tỉnh: Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các cấp, ngành phải xem giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thường xuyên; phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Sáng 17/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2023. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị, chủ đầu tư.
KẾT QUẢ GIẢI NGÂN CHƯA CAO, CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, thời gian của năm 2023 đã đi gần hết 2/3, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 1/3. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên tại nhiều hội nghị, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu.
Hội nghị hôm nay nhằm đánh giá kết quả thực hiện, làm rõ những vấn đề vướng mắc, khó khăn, đặc biệt nhìn thẳng vào sự thật, chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt, nguyên nhân vì sao. Hội nghị cũng mong muốn lắng nghe ý kiến thẳng thắn của các ngành, địa phương, chủ đầu tư về nguyên nhân khách quan, trách nhiệm của tỉnh, của địa phương để tạo sự chuyển biến mạnh trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 được HĐND tỉnh giao là 5.583,8 tỷ đồng, tính cả 1.550,828 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 7.134,628 tỷ đồng.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tính đến ngày 10/8, tổng vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân 2.438,538 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giải ngân hơn 2.011 tỷ đồng, đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Đến nay, đã có 24 đơn vị giải ngân đạt trên 50% kế hoạch giao; 35 đơn vị đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh, trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Về dự án, có 87/160 dự án với số vốn hơn 2.120 tỷ đồng giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh, trong đó có 45 dự án chưa giải ngân với kế hoạch vốn hơn 360 tỷ đồng.
Một số cơ quan, đơn vị có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn là Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Sở Y tế.
Kế hoạch năm 2023 nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao 748 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết cho 5 dự án. Tính đến ngày 10/8, mới giải ngân 102,933 tỷ đồng, đạt 13,76%. Dự kiến đến hết năm 2023, chỉ có 1 dự án cam kết giải ngân hết vốn được giao; 4 dự án còn lại dự kiến không thể giải ngân khoảng 268,2 tỷ đồng.
Về kế hoạch 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 được giao 5.344,388 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/8, tổng 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân 546,562 tỷ đồng, đạt 26,14% kế hoạch.
Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giải ngân 324,555 tỷ đồng, đạt 61,3%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân 204,772 tỷ đồng, đạt 19,23%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã giải ngân 17,234 tỷ đồng, đạt 3,47%.
Hiện có 4 đơn vị chưa giải ngân, 5 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh, bao gồm Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. 5 đơn vị này có số vốn lớn, chiếm hơn 58% tổng vốn kế hoạch đã giao năm 2022 và năm 2023 nên việc giải ngân chậm ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan là do năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, việc chỉ đạo, điều hành đối với các ban quản lý dự án chưa thực sự quyết liệt, kịp thời; Năng lực chuyên môn của một số ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ dẫn đến phải điều chỉnh hồ sơ nhiều lần.
Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thái độ, tinh thần làm việc của một số cán bộ làm công tác đầu tư công chưa cao, vẫn còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm liên quan đến pháp luật.
Các cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc quan tâm chỉ đạo thực hiện đối với từng địa phương chưa sát sao; chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Việc hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện đối với một số quy trình, thủ tục chưa cụ thể, kịp thời.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã báo cáo cụ thể kết quả giải ngân và nêu lên các vướng mắc, khó khăn; đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Các sở, ban, ngành đã trao đổi lại những khó khăn của các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, trên cơ sở khảo sát thực tế tại huyện Con Cuông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, trong quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần cụ thể, chi tiết, giám sát chặt chẽ nhiều hơn nữa. Đồng thời đề nghị tổ công tác của tỉnh, các sở, ngành phối hợp nhiều hơn nữa với các địa phương, ưu tiên các địa phương có nguồn vốn lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị các địa phương hoàn tất thủ tục đấu thầu; song song việc củng cố ban quản lý dự án cần củng cố hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng; quan tâm đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành; các ngành khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 57 ngày 8/10/2015 phù hợp với quy định hiện hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, các chủ đầu tư cần lập lại tiến độ xây dựng chi tiết, xác định tiến độ 10 ngày/lần, bố trí đầy đủ máy móc, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, trong quá trình thi công cần đảm bảo chất lượng, vật tư, vật liệu. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thống kê danh sách các nhà thầu chậm tiến độ, từ đó đánh giá năng lực thi công để có biện pháp xử lý.
XÁC ĐỊNH ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU, THƯỜNG XUYÊN
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của người đứng đầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời biểu dương một số ngành, địa phương đến thời điểm này có kết quả giải ngân tốt như: Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và 4 địa phương: Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương.
Từ đầu năm đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thể hiện sự quyết tâm cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Khâu tổ chức thực hiện được tập trung, tỉnh đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; 10 ngày/lần Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi báo cáo cho các chủ đầu tư, cấp uỷ, chính quyền để đôn đốc tiến độ. Tỉnh đã quyết liệt xử lý các dự án có kết quả giải ngân chậm, đã điều chỉnh vốn với 12 dự án trên 239 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đến thời điểm này kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, mới đạt hơn 34%. 35/70 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh, 13 chủ đầu tư chưa giải ngân, 87/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh, 45 dự án chưa giải ngân. Riêng 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn 166 dự án chưa thực hiện đấu thầu.
Người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, nguyên nhân khách quan là thời gian hoàn thành hồ sơ thủ tục dài, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh có lúc chưa kịp thời, những vấn đề tác động về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là vấn đề lớn. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương chưa đúng mức. Một số địa phương xem việc này là của chính quyền, khoán trắng cho ban quản lý dự án, khoán cho tư vấn và nhà thầu. Năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa kỹ, gây khó khăn khi thực hiện. Trong công tác mặt bằng, sự phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, nguồn vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, là nguồn vốn mồi, có vai trò dẫn dắt để tỉnh có điều kiện thu hút thêm các nguồn vốn khác.
Khi nguồn vốn này được thực hiện có hiệu quả sẽ giúp tỉnh có điều kiện thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư, nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho người dân.
Vì thế, các cấp, các ngành, địa phương phải xem giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, thường xuyên và phải đặt mục tiêu rõ ràng là giải ngân 95% vốn đầu tư công và 100% vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trên quan điểm đó, chúng ta phải thực hiện mục tiêu này với quyết tâm cao nhất, với nỗ lực lớn nhất, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải có phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công giữa cấp uỷ, chính quyền, trong đó trách nhiệm tổ chức thực hiện là của chính quyền nhưng phải có vai trò lãnh đạo của cấp uỷ. Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn đã chỉ ra; nâng cao trách nhiệm thực hiện các nội dung trong các tồn tại, hạn chế. Quan trọng nhất đối với các dự án đầu tư là đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc thực hiện, để chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu. 10 ngày/lần các ngành, địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh phải gửi báo cáo tiến độ cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư chấn chỉnh công tác tổ chức, năng lực của ban quản lý dự án; cố gắng tìm cán bộ có năng lực để thực hiện nhiệm vụ, thay thế kịp thời cán bộ yếu kém.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện cam kết đã ký, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn để báo cáo, xử lý theo thẩm quyền. Kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí để xem xét thi đua cuối năm; Có giải pháp khuyến khích các chủ đầu tư giải ngân tốt, cũng như có chế tài đối với các chủ đầu tư giải ngân kém. Bên cạnh đó, tổng hợp danh sách các nhà thầu năng lực hạn chế, chậm tiến độ... với quan điểm xử lý công khai, minh bạch.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành quan tâm hướng dẫn, ưu tiên rút ngắn thời gian thủ tục thẩm định, chuyển đổi đất, chuyển đổi rừng, mỏ đất, phòng cháy, chữa cháy... với quan điểm làm nhanh nhưng không được làm sai.
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần hoàn thiện giao vốn đối với số vốn bổ sung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Những đơn vị giải ngân chậm thì tập trung giải quyết , hoàn thiện thủ tục để giải ngân. Đối với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chủ đầu tư rà soát, đánh giá thực chất khả năng giải ngân, trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xác định số vốn để điều hoà vốn.
Trên cơ sở kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023, các ngành, địa phương đăng ký kế hoạch đầu tư công năm 2024 sát với tình hình thực tế.
Tại hội nghị, căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều chuyển chủ đầu tư dự án đường giao thông vào trung tâm xã Nhôn Mai và Mai Sơn, huyện Tương Dương từ UBND huyện Tương Dương sang Sở Giao thông vận tải để kịp thời triển khai, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2023 vì đây là dự án phức tạp, khó về kỹ thuật, quy mô khá lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thành lập 2 tổ công tác gồm các sở, ngành liên quan để hướng dẫn các địa phương, nhất là 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu giải quyết các vấn đề vướng mắc về thủ tục theo hình thức cầm tay chỉ việc; khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 57. Các địa phương hoàn thiện thủ tục đề xuất chuyển nguồn để báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.