'Cò đất' thỏa thuận ngầm dìm giá, huyện ở Nghệ An lập tổ giám sát 'vòng trong, vòng ngoài'
(Baonghean.vn) - Huyện Đô Lương thành lập tổ giám sát các hoạt động tại cuộc đấu giá đất cả vòng trong và vòng ngoài.
Sáng 15/10, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện Đô Lương theo chương trình giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Cò thỏa thuận dìm giá
Đại diện UBND huyện Đô Lương, cho biết, trên địa bàn xuất hiện tình trạng thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá diễn ra ở ngoài khu vực đấu giá và trước thời gian diễn ra cuộc đấu giá.
Theo đó, “cò” đất đứng ra “kêu gọi”, tập hợp những người cùng có nhu cầu đấu giá 1 lô đất nào đó để thương lượng nhường cho một người trong số đó đấu trúng và người trúng sẽ chi một khoản tiền cho “cò”.
Giải pháp của huyện là thành lập tổ giám sát để giám sát các hoạt động tại cuộc đấu giá bên trong và cả ở vòng ngoài. Đặc biệt, thành viên tổ sẽ nghe ngóng sự thảo luận mức giá đấu của từng nhóm nhằm tham mưu trực tiếp cho chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức đấu giá nâng bước giá so với giá khởi điểm qua các vòng đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá.
Theo đó, mức giá không chỉ tăng 5% mức tối thiểu theo quy định mà có những lô tăng lên 10%, 20%, thậm chí là 40, 50% để sát với giá thị trường, “cò” khó “trở tay”. Huyện cũng thí điểm đấu giá bằng hình thức gián tiếp khắc phục tình trạng “cò”
Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Phùng Thành Vinh trao đổi với đoàn giám sát về tỷ lệ đầu tư hạ tầng quy hoạch vùng đấu giá đất còn thấp. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng với vấn đề “cò đấu giá”, Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề, trên địa bàn Đô Lương có hay không tình trạng những cá nhân, tổ chức tham gia đầu cơ trong khi không thực sự có nhu cầu.
Thừa nhận thực trạng đó, ông Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, theo luật, mọi người dân có đủ hành vi, năng lực tài chính đều có quyền tham gia đấu giá, không khống chế số lô được tham gia đấu giá.
Để giải vấn đề này thì cần có quy định khống chế số lô được mua đối với tổ chức, cá nhân; mặt khác cần nâng tiền đặt trước...
Tại cuộc làm việc, đại diện UBND huyện cũng khẳng đinh trên địa bàn huyện không có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị tổ chức đấu giá, bởi huyện lựa chọn công khai trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng. Tuy nhiên, có một cuộc đấu giá vẫn đang lựa chọn đơn vị đấu giá thiếu kinh nghiệm
Tránh lãng phí tài nguyên đất
Kết luận tại cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng ghi nhận sự tích cực triển khai công tác đấu giá đất của huyện, vừa giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân, vừa tăng thu ngân sách cho địa phương; đồng thời có các giải pháp hạn chế tiêu cực trong đấu giá đất trên địa bàn.
Quy hoạch chi tiết một khu vực phân lô đấu gia đất tại thị trấn Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa |
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đề nghị huyện quan tâm lập kế hoạch sử dụng đất và quản lý chặt, tránh lãng phí tài nguyên đất và đảm bảo phát triển bền vững; tiếp tục có giải pháp, biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đấu giá đất, chú ý xây dựng giá khởi điểm sát với thị trường; chủ động nghiên cứu để lựa chọn hình thức đấu giá hạn chế tiêu cực và đúng quy định pháp luật.
Từ đầu năm 2018 đến 30/9/2019, trên địa bàn huyện Đô Lương đã đấu giá thành 619 lô đất với tổng diện tích gần 122.500 m2. Tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng.