Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam cam kết giải quyết những tồn tại ở thủy điện Khe Bố
(Baonghean.vn) - Chiều ngày 19/11/2020, Thường trực Huyện ủy Tương Dương tiếp tục có buổi làm việc với Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam (VNPD) để giải quyết những tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Khe Bố. Tháng 12/2021 là mốc thời gian VNPD cam kết hoàn thành việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
Chi tiết về những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường di dân và tái định cư ở dự án thủy điện Khe Bố, đã được Báo Nghệ An thông tin tại bài viết “Thường trực Huyện ủy Tương Dương yêu cầu thủy điện Khe Bố giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc kéo dài” (Báo Nghệ An điện tử ngày 16/11/2020). Như ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thống kê, gồm “7 nội dung lớn với 45 vấn đề tồn tại trên địa bàn 6 xã, thị trấn”.
Buổi làm việc giữa Thường trực Huyện ủy Tương Dương với Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam. Ảnh: Nhật Lân |
Đó là các nội dung tồn đọng về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về bù trừ chênh lệch nơi đi nơi đến; về việc cắm mốc tăng dày và điều chỉnh đường viền lòng hồ có sự sai lệch giữa hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt với thực tế; là việc điều chỉnh hồ sơ quy hoạch ban đầu có sự sai lệch đối với các khu tái định cư; là việc cung cấp hồ sơ địa chính phục vụ lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với các hộ bị ảnh hưởng do ngập lòng hồ thủy điện (UBND huyện yêu cầu từ năm 2018 nhưng chưa được chủ đầu tư thực hiện). Trong đó, có đến hàng trăm hộ dân và hàng trăm thửa đất các loại chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ; hoặc chưa thống nhất về phương án, nên chưa ký hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất; và hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng lũ năm 2018 chưa được giải quyết…
Tổng Giám đốc VNPD, ông Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Lân |
Cuộc họp lần này, có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc VNPD. Ông Nguyễn Thanh Tùng có ý kiến là qua cuộc họp ngày 16/11/2020, VNPD mới biết còn đến 45 mục tồn tại ở dự án thủy điện Khe Bố. Vì vậy, ngày 17/11/2020 đã có Báo cáo số 1536/BC-VNPD báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, di dân, tái định cư dự án thủy điện Khe Bố.
Tại Báo cáo số 1536 thể hiện VNPD căn cứ theo mục các tồn tại, vướng mắc ở dự án thủy điện Khe Bố mà UBND huyện Tương Dương đã thống kê, để qua đó phân tích làm rõ thêm; đồng thời, đề ra hướng giải quyết theo tiến độ thời gian.
Phó Tổng Giám đốc VNPD, ông Phan Thế Chuyền trình bày Báo cáo số 1536/BC-VNPD báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, di dân, tái định cư dự án thủy điện Khe Bố. Ảnh: Nhật Lân |
Như tại thị trấn Thạch Giám, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu vực lòng hồ thủy điện, có 50 hộ/50 thửa đất nông nghiệp đã được trích đo địa chính nhưng chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp. Do mới bổ sung nên VNPD sẽ phối hợp các bên liên quan để xem xét và dự kiến hoàn thành trong quý II/2021.
Việc bồi thường đất ở và đất nông nghiệp hai bên cầu treo bản Mác, do bị chồng lấn đất giải phóng xây dựng cầu treo và phải điều chỉnh ranh giới ngập lòng hồ do tăng dày mốc, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 13 hộ/ 13 thửa, VNPD đang tiến hành lập hồ sơ địa chính điều chỉnh để trình các cơ quan chức năng phê duyệt để có cơ sở thực hiện hoàn thành trước quý I/2021. Tuyến đường giao thông bản Lau - Mác - Nhẫn có 97 thửa chưa được bồi thường, hiện nay đã công khai lấy ý kiến nhân dân nhưng chưa ký hồ sơ trình phê duyệt theo quy định; VNPD sẽ phối hợp các bên liên quan để đi công khai và giải thích cho dân ký hồ sơ và dự kiến hoàn thành trong quý I/2021…
Hay như với hộ gia đình ông Lô Xuân Tiến, trú tại bản Pủng, xã Yên Thắng, là trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất đối với đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp nhưng trên bản đồ đo vẽ năm 2008 không thể hiện, đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trích lục bổ sung và Hội đồng BT-GPMB đã lập hồ sơ nhưng chủ đầu tư chưa thỏa thuận; VNPD thông tin đã làm xong hồ sơ, sẽ trình UBND huyện phê duyệt để chi trả tiền trước ngày 31/12/2020…
Chủ tịch UBND xã Tam Quang băn khoăn về đơn giá hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng lũ lụt năm 2018. Ảnh: Nhật Lân |
Tuy nhiên, để giải quyết được một khối lượng lớn những nội dung công việc còn tồn tại, vướng mắc, Tổng Giám đốc VNPD, ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ mong muốn huyện Tương Dương xem xét cho thành lập trở lại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Thanh Tùng phát biểu: “VNPD mong được toàn thể hệ thống chính trị của huyện và các xã liên quan cùng vào cuộc; đề nghị xem xét, tái thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì khối lượng công việc rất lớn, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, trong khi công ty không có chuyên môn ở lĩnh vực này, nếu để một mình công ty thực hiện thì sẽ rất khó hoàn thành…”.
Sau phát biểu của ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện các xã vùng ảnh hưởng dự án thủy điện Khe Bố tiếp tục có ý kiến. Trong đó, bày tỏ băn khoăn về đơn giá hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng đợt lũ năm 2018; bổ sung một số nội dung còn thiếu tại Báo cáo số 1536/BC-VNPD; đề nghị VNPD căn cứ theo từng nội dung công việc trực tiếp làm việc với cấp xã, nhất là những công việc liên quan đến vấn đề trích đo đất đai…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Phan Đức Sơn khẳng định quan điểm của huyện là quyền lợi hợp pháp của người dân phải được đảm bảo đúng, đủ. Đề nghị VNPD nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ông Phan Đức Sơn nói: “Thiếu thì thêm, sai thì sửa, đề nghị VNPD thực hiện rà soát lại, cần khẩn trương, đảm bảo tiến độ theo cam kết”. Về việc tái lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng theo đề nghị VNPD, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết sẽ không thực hiện được, vì huyện đang thiếu cán bộ, trong khi khối lượng công việc nhiều…
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Phan Đức Sơn: “Thiếu thì thêm, sai thì sửa, đề nghị VNPD thực hiện rà soát lại, cần khẩn trương, đảm bảo tiến độ theo cam kết”. Ảnh: Nhật Lân |
Dù vậy, ông Phan Đức Sơn cũng gợi ý phương cách để VNPD thực hiện. Đó là, thực hiện theo phương pháp phân loại từng nội dung công việc. Loại công việc nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì khẩn trương làm ngay; loại nào liên quan ba bên, hoặc bốn bên gồm chủ đầu tư, huyện, xã và dân thì phân định rõ, yêu cầu thực hiện theo trách nhiệm của từng bên. Cần làm thành biểu mẫu, xây dựng kịch bản theo từng đầu mục công việc, phân định rõ trách nhiệm, đề ra mốc thời gian hoàn thành để thựchiện… “Có làm như vậy thì mới là làm thật. Mới giải quyết được dứt điểm những tồn tại…” – ông Sơn nhấn mạnh.
Trước ý kiến của các thành viên tham gia cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng cam kết sẽ tập trung giải quyết các nội dung tồn tại, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Cụ thể, VNPD sẽ lập biểu chi tiết từng nội dung công việc cần xử lý để gửi đến Huyện ủy, UBND huyện, các phòng ban và chính quyền các xã. Đồng thời kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương chỉ đạo các UBND xã, thị trấn trong phạm vi ảnh hưởng của dự án thì có trách nhiệm phối hợp xác nhận nguồn gốc đất, tính hợp lý, hợp pháp của từng thửa đất trước khi lập hồ sơ; phối hợp với VNPD trong công tác lập hồ sơ, ký xác nhận liên quan, công khai phương án BT-GPMB và chỉ trả kinh phí cho Nhân dân; phối hợp với đơn vị Tư vấn trong công tác đo đạc, kê khai xác nhận nguồn gốc đất và lập hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho Nhân dân đối với những hộ bị ảnh hưởng một phần diện tích đất ở đã được thu hồi và Bồi thường - GPMB. Đề nghị các phòng, ban cấp huyện kiểm tra thẩm định hồ sơ bồi thường về đất do VNPD cung cấp và trình UBND huyện Tương Dương phê duyệt để chii trả kinh phí cho nhân dân…
Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hải kết luận cuộc họp. Ảnh: Nhật Lân |
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy tiếp tục khẳng định việc giải quyết những tồn đọng là trách nhiệm của công ty; việc kéo dài, chậm xử lý các tồn đọng của công ty đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Vì vậy, công ty cần phải xác định rõ lộ trình, thời gian để quyết liệt vào cuộc, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân. Yêu cầu những nội dung đã rõ, đầy đủ hồ sơ thì khẩn trương giải quyết, không được trì hoãn. Về phía huyện Tương Dương, sẽ đôn đốc các phòng ban, chính quyền các xã có phối hợp tốt nhất, tập trung thời gian để cùng thủy điện xử lý tồn đọng. “Trong quá trình thực hiện, Thường trực Huyện ủy sẽ xem đây là mộtnội dung công việc quan trọng để sẽ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo. Phải hoàn thành trong khoảng thời gian sớm nhất có thể, hạn cuối cùng chốt lại là tháng 12/2021” – Bí thư Huyện ủy Tương Dương nhấn mạnh.