Cử tri mong muốn gừng Kỳ Sơn được tiêu thụ tốt hơn

Nhóm Phóng viên - CTV 06/07/2023 21:08

(Baonghean.vn)- Theo dõi  phiên chất vấn tại hội trường kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều cử tri bày tỏ ý kiến về các nội dung đại biểu chất vấn, trả lời chất vấn đối với các vấn đề liên quan sản xuất nông nghiệp.

HĐND chọn nội dung chất vấn đúng, trúng vấn đề người dân quan tâm

Cử tri Nguyễn Viết Cường - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Tiêu thụ công nghiệp Hương Sơn (Kỳ Sơn): Điều tôi hài lòng nhất đối với phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và tiêu thụ sản phẩm nông sản là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời khá thẳng thắn, đúng, trúng trọng tâm các vấn đề mà cử tri chúng tôi đang quan tâm. Ví như thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với hợp tác xã gắn với phát triển đủ vùng nguyên liệu.

bna_nguyen viét cuong.png
Cử tri Nguyễn Viết Cường. Ảnh: Phú Hương

Hợp tác xã Nông nghiệp và Tiêu thụ công nghiệp Hương Sơn hiện đang kinh doanh và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gừng tươi. Mỗi năm thu mua từ 1.000- 1.300 tấn gừng cho người dân ở huyện Kỳ Sơn và các vùng lân cận. Sản phẩm của bà con được hợp tác xã cam kết thu mua theo giá thị trường, thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng gừng từ diện tích liên kết chỉ đáp ứng khoảng 30- 40% nhu cầu hiện tại của hợp tác xã.

Khó khăn hiện nay là trong những năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố khác của thị trường, lao động trẻ hầu hết đi làm ăn xa, nên diện tích gừng trên địa bàn bị giảm. Vì vậy, việc dự định mở rộng vùng sản xuất, chế biến của hợp tác xã khá khó khăn, chưa nói đến việc phát triển thêm các sản phẩm mới như trà gừng, dung dịch đa năng từ gừng…

Trong phiên trả lời chất vấn cử tri, Giám đốc Sở NN& PTNT đã nêu được thực trạng đối với vấn đề đất sản xuất ở miền núi rất ít, đặc biệt là ở các vùng núi cao, và đây là thực tế rất dễ thấy ở huyện Kỳ Sơn cũng như các vùng khác mà người dân đang rất mong chờ được hỗ trợ, tháo gỡ.

“Tôi hy vọng sau kỳ họp, những khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản của người nông dân cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được HĐND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành quan tâm hơn nữa và đồng bộ hỗ trợ người nông dân đúng như những nhận định, những thảo luận mà các đại biểu đã đưa ra tại kỳ họp” - anh Cường cho biết.

Trông chờ các giải pháp cụ thể hơn

Cử tri Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn (Đô Lương) cho biết, theo dõi những diễn biến tại phiên chất vấn của phiên làm việc buổi chiều 6/7, HĐND tỉnh chọn vấn đề liên quan nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất để chất vấn là rất đúng thời điểm, sát thực tế.

bna_le van dung.png
Cử tri Lê Văn Dũng. Ảnh: Hoài Thu

Thời gian này, người nông dân vừa thu hoạch xong vụ lúa xuân, đang bước vào gieo cấy vụ hè thu - mùa. Song, các địa phương đang gặp khó, nguy cơ phải giảm diện tích, bỏ vụ mùa, vụ hè thu vì nắng hạn, thiên tai. Tình trạng này cũng đã được các đại biểu nêu trong các câu hỏi, được lãnh đạo ngành Nông nghiệp và PTNT trả lời khá cụ thể. Các con số đưa ra cũng khiến người dân không khỏi lo lắng khi toàn tỉnh có hàng trăm, hàng nghìn ha đất lúa có nguy cơ bị bỏ hoang hoặc không thể sản xuất do thiên tai, nắng hạn.

Và giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tránh lãng phí đất sản xuất là hướng đi thích hợp, được các đại biểu nêu tại phiên chất vấn và trả lời là khá sát thực.

“Người nông dân chúng tôi mong muốn những định hướng lớn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản, các giải pháp mà các đại biểu HĐND tỉnh cũng chính là lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đề xuất thực hiện cần nêu cụ thể hơn. Bởi đó là điều người dân trông chờ nhất. Tôi rất tâm huyết với ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi thẳng thắn khẳng định những hạn chế, ví như cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp chưa đủ mạnh, chưa khuyến khích được nông dân mạnh dạn sản xuất. Hy vọng những hạn chế mà lãnh đạo tỉnh đã nhìn nhận sẽ được khắc phục, giúp người nông dân thêm gắn bó với nghề, tạo được nền nông nghiệp mạnh về cả sản xuất cũng như chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng công nghệ xanh và tạo chuỗi liên kết hiệu quả” - ông Dũng cho biết.

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Cử tri Võ Văn Hậu – HTX Nông nghiệp Hậu Nguyên ở xóm 3, xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn) cho rằng, qua báo cáo tóm tắt và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã phản ánh được những vấn đề nổi cộm của nông nghiệp Nghệ An trong 3 năm lại đây. Chia sẻ với khó khăn của tỉnh trong xây dựng triển khai chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhưng xuất phát từ thực tiễn của HTX mình, ông kiến nghị tiếp tục xem xét nâng mức hỗ trợ đối với nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình nhà lưới, nhà màng.

Hiện nay, theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, khi triển khai mô hình nhà lưới theo đăng ký với huyện và xã thì được hỗ trợ 50.000 đồng/m2 và mỗi mô hình không quá 200 triệu đồng và cấp huyện không quá 100 triệu đồng/mô hình. Trên thực tế, để có 1.000 m2 nhà lưới, nhà màng cần từ 350- 400 triệu đồng, HTX đầu tư hàng chục ngàn m2 đồng nghĩa với số tiền vài tỷ đồng, nhưng chỉ hỗ trợ không quá 300 triệu đồng là khá khiêm tốn.

bna_ Võ Văn Hậu chủ mô hình trao đổi về đầu tư hệ thống bơm tưới với cán bộ Phòng NN huyện Nghĩa Đàn.JPG
Mô hình sản xuất của anh Võ Văn Hậu. Ảnh: Nguyễn Hải

Đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ là cơ sở vật chất nhà lưới, nhà màng hay hệ thống bơm tưới mà quan trọng nhất là phương thức canh tác phải đạt chuẩn hữu cơ hoặc VietGAP, phải xây dựng hồ sơ sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn để vào siêu thị, phân khúc cao cấp. Trước đây, ngoài hỗ trợ của tỉnh còn có hỗ trợ của huyện, nhưng nay cấp huyện không còn được ban hành chính sách hỗ trợ nữa nên mức hỗ trợ là quá ít.

Vừa qua, được sự đồng hành, hướng dẫn của UBND huyện Nghĩa Đàn, HTX đã xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP của xã Nghĩa An, nhưng để có đầu ra ổn định, vào thị trường lớn cần nhiều yếu tố khác. Thời gian qua, mặc dù có nhu cầu thị trường, nhưng do nguồn lực có hạn nên HTX không dám mở rộng sản xuất, không ký hợp đồng khối lượng lớn với các siêu thị. Vì vậy, về lâu dài cần được sự vào cuộc của các sở, ngành trong phát triển vùng nguyên liệu cũng như tìm kiếm thị trường.

Đồng hành hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Cử tri Phan Thế Chiến – HTX Nông nghiệp Hùng Cường ở Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa) nêu, qua theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành Nông nghiệp và PTNT tại kỳ họp HĐND tỉnh thấy được nông nghiệp Nghệ An còn nhiều vấn đề và vấn đề nào cũng bổ ích, lý thú. Tuy nhiên, ở góc độ là HTX nông nghiệp đang đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hữu cơ quy mô lớn, sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nên bản thân quan tâm đến các chính sách hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ không chỉ là bằng tiền tính trên đơn vị m2 mà có thể là hỗ trợ HTX, doanh nghiệp quy hoạch, chuyển đổi nhằm tích tụ ruộng đất, hỗ trợ đào tạo nhân lực nông nghiệp, cho con em nông dân…

bna_công nhân làm dây để dưa trong nhà lưới HTX Hậu Nguyên ở Nghĩa An Nghĩa Đàn.jpg
Công nhân làm dây để dưa leo trong nhà lưới của HTX Hậu Nguyên ở xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn). Ảnh: Nguyễn Hải

Đơn cử như HTX đang muốn xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, nên muốn bố trí quỹ đất ngay tại khu vực hơn 10 ha đất thuê lại của xã và xã viên góp để xây dựng cơ sở chế biến nước nho. Thời gian đầu mới làm mô hình, quy mô còn nhỏ nên được xã và thị xã ủng hộ, nhưng nay phát triển quy mô lớn nên có những vấn đề vượt tầm quản lý của cấp huyện.

Bên cạnh đó, từ thực tế sử dụng nhân lực làm nông nghiệp tại HTX cho thấy, lao động nông thôn thì nhiều mà tìm người thạo việc, chịu khó rất khó. Hiện con em địa phương học đại học, cao đẳng ra trường không xin được việc làm nhưng rất khó tuyển vì khi vào trang trại phải đào tạo, hướng dẫn mất nhiều thời gian. Vì vậy, thời gian tới, rất mong nhà trường và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở doanh nghiệp, HTX để khảo sát nhu cầu, đào tạo nghề cho sát thực.

Cần tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

Cử tri Đàm Ngọc Thắng- Nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bồng Khê (Con Cuông) cho biết: Qua theo dõi phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri rất vui mừng khi biết được nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá; đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm... đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống người dân, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,... đã được tiếp tục cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần.

Thực tế tại xã Bồng Khê chúng tôi cho thấy, mặc dù trong khó khăn chung của nền kinh tế, bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, của tỉnh,huyện bà con vẫn yên tâm phát triển sản xuất. Với chủ trương tạo việc làm hỗ trợ cây, con giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó mà đời sống của người dân đã được ổn định và cải thiện, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

bna_Ông Đàm Công Thắng-Nguyên Chủ tịch người cao tuổi xã Bồng Khê theo dõi phiên chất vấn chiều nay..JPG
Cử tri Đàm Công Thắng theo dõi phiên chất vấn. Ảnh: Bảo Hân

Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân ở huyện Con Cuông hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng ở nông thôn thiếu đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...Tại phiên chất vấn lần này, qua theo dõi tôi thấy nội dung trả lời chưa thật sự sâu sát đúng như kỳ vọng của cử tri mong muốn. Vấn đề về đất nông trường tình trạng này đã kéo dài đến nay vẫn chưa giải quyết được, trong khi người dân cần đất để ổn định phát triển sản xuất. Các chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số thiếu đồng bộ, chưa kịp thời và hiệu quả từ các chính sách này chưa cao.

Chính vì vậy, cử tri rất mong muốn tại kỳ họp lần này, sau những phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con nông dân phát triển sản xuất; tổ chức tốt việc dạy nghề cho người dân phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng lao động của từng vùng, chú trọng việc đào tạo nghề tại chỗ.

Quyết liệt hơn trong xây dựng cánh đồng lớn

Cử tri Nguyễn Mạnh Tường ở huyện Yên Thành cho biết, tại phiên chất vấn về các nội dung liên quan thực trạng, phát triển sản xuất nông nghiệp, nhìn chung các đại biểu đã nắm được khá rõ những ưu, khuyết điểm.

Trong đó, ông Chủ tịch HĐND tỉnh đã khá thẳng thắn khi chỉ ra rành mạch các hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Phiên chất vấn cũng đã nêu được những lo ngại và thực trạng sản xuất nông nghiệp do thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu.

Ông Tường cho biết, đa số cử tri đều xuất thân từ nông dân, lớn lên từ đồng ruộng nên rất hiểu tác động của nông nghiệp đến đời sống mọi mặt của người dân. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đã rất hiện đại, song ở Nghệ An chưa thấy có nhiều và chưa hiệu quả. Trong đó có việc xây dựng các cánh đồng lớn để đưa máy móc vào sản xuất, nâng cao năng suất cũng như giá trị nông sản.

Cử tri mong chờ tại phiên chất vấn, các đại biểu sẽ dành nhiều sự quan tâm đến nội dung này. Song chưa được như kỳ vọng. Đề án về tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp đã triển khai từ rất lâu, đem đến nhiều kỳ vọng, nhưng đến nay, người nông dân vẫn chưa thỏa mãn, chưa thực sự tạo hiệu quả trên quy mô lớn. Vì vậy, cử tri mong muốn sau kỳ họp này của HĐND tỉnh, việc xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất sẽ được đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Mới nhất

x
Cử tri mong muốn gừng Kỳ Sơn được tiêu thụ tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO