Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Đô Lương, Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 4/5, đoàn đại biểu Quốc hội gồm các ông: Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương và xã Long Sơn, huyện Anh Sơn.
Dự cuộc tiếp xúc cử tri có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Đô Lương. Ảnh: Thanh Quỳnh |
* Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 4/5 tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thông báo trước cử tri về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, kỳ họp dự kiến sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật. Ngoài ra, cũng sẽ xem xét nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đại biểu Quốc hội cũng báo cáo kết quả giải quyết các vấn đề cử tri huyện Đô Lương phản ánh trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cử tri huyện Đô Lương đã bày tỏ niềm vui trước những kết quả nổi bật của đất nước trong thời gian qua, nhất là kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và sự phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Với tinh thần cởi mở, dân chủ, trách nhiệm, các cử tri đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết.
Cử tri Phạm Văn Thắng - công chức địa chính xã Hòa Sơn phản ánh, theo Khoản 1, Điều 39, Luật Đấu giá 2016 quy định: Người tham gia đấu giá cần phải đặt cọc số tiền tối thiểu 5% và tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Quy định như vậy có mức khung quá rộng trong khi thời gian để hoàn thành số tiền phải nộp sau khi trúng đấu giá cũng khá dài, tạo điều kiện cho một số đối tượng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. Đặc biệt, đối với những phiên đấu có mặt bằng giá thấp, mức đóng tiền cọc thấp dưới 100 triệu đồng/hồ sơ, thu hút nhiều nhà đầu cơ nhỏ lẻ với mong muốn sau khi trúng thì “lướt sóng” kiếm lời. Khi không thực hiện được thì tiến hành bỏ cọc.
Vì vậy, cần quy định mức cọc cụ thể hơn, tránh phần khung quá rộng gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai đấu giá. Việc thành lập tổ giám sát để tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện là rất cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
Liên quan đến vấn đề phân lô tách nền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngay sau khi cấp bìa, một số cử tri kiến nghị các cơ quan, ban, ngành cần có thêm các quy chế ràng buộc hợp lý để tránh tình trạng đầu cơ đất đai.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thông báo trước cử tri về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cử tri Hoàng Như Lễ ở xóm Yên Sơn đề xuất mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, giám sát và đốc thúc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang triển khai chậm tiến độ trên địa bàn huyện Đô Lương. Đơn cử như việc triển khai thi công tuyến đường nối QL7 đi cụm công nghiệp.
Được biết, tuyến đường này sau khi đưa vào sử dụng sẽ có vai trò rất quan trọng, là tuyến đường nối từ KCN Lạc Sơn đến QL7, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn chậm trễ so với kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, cử tri mong muốn cần có các giải pháp phù hợp để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, sớm hoàn thành dự án.
Cử tri Phạm Văn Thắng - công chức địa chính xã Hòa Sơn kiến nghị cần có các quy định chặt chẽ trong quá trình đấu giá đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tránh tình trạng đầu cơ, bỏ cọc. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cử tri Thái Đình Lộc ở xóm Hồ Sen phản ánh thực trạng giá vật tư nông nghiệp như phân bón, giống lúa, thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, tuy nhiên, giá trị nông sản ngày càng giảm sút khiến cho nông dân gặp khó trong ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sản phẩm nông nghiệp gần như ùn ứ, không thể tiêu thụ. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích người nông dân bám ruộng sản xuất, từng bước vượt khó trong quá trình sản xuất.
Nhiều ý kiến cử tri bày tỏ nguyện vọng về việc xem xét tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, xóm, bởi Đô Lương là địa phương có nhiều đơn vị tiến hành sáp nhập. Với địa bàn rộng lớn, dân cư đông đúc thì đội ngũ này gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc. Nhiều lực lượng trẻ, có năng lực nhưng không thể bám trụ công việc bởi mức phụ cấp quá thấp. Đồng thời, mong muốn đối với các đảng viên cao tuổi không có chế độ trợ cấp của Nhà nước cần được quan tâm hơn trong quá trình khám, chữa bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các dịch vụ đảm bảo cuộc sống an sinh.
Cử tri Thái Đình Lộc ở xóm Hồ Sen phản ánh tình trạng giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao gây khó khăn cho người nông dân trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Các vấn đề liên quan đến việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chuyển tuyến trong quá trình khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; bình xét hộ nghèo; giải quyết chế độ mai táng phí cho cựu chiến binh từ trần không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Luật BHXH; xây dựng lò hỏa táng tại địa phương... cũng được cử tri quan tâm, phản ánh.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện Đô Lương. Đồng thời khẳng định đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội xem xét, xây dựng, ban hành quyết sách sát thực, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyên trách làm rõ một số vấn đề kiến nghị của cử tri trong thẩm quyền. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Các đại biểu Quốc hội và đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương đã trao đổi, làm rõ một số kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Đối với các ý kiến thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển tải đầy đủ đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương một cách kịp thời nhất.
* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành tiếp xúc cử tri tại xã Long Sơn (Anh Sơn).Bằng tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, các cử tri huyện Anh Sơn đã bày tỏ nhiều kiến nghị, phản ánh tới đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tại cuộc tiếp xúc.
Dự hội nghị có đông đảo cử tri xã Long Sơn và đại diện Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Anh Sơn và lãnh đạo xã Long Sơn. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cử tri Đậu Văn Bình (thôn 5, xã Long Sơn) phản ánh về tình trạng chậm trễ trong quá trình thi công Nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao trên đị bàn xã Long Sơn. Cho dù dự án đã có kế hoạch triển khai từ năm 2016, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có hạng mục nào được đưa vào sản xuất.
Cùng với đó, giá chè búp tươi ở huyện Anh Sơn nói chung, xã Long Sơn nói riêng trong thời gian qua ngày càng giảm sâu. Nếu như những năm trước giá chè tươi có mức trên 5.000 đồng mỗi kg thì nay giảm xuống 2.600 - 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong khoảng thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 số lượng chè càng khó tiêu thụ, mức giá “chạm đáy” còn 1.800 đồng/kg búp tươi. Với mức giá này người trồng chè gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình duy trì sản xuất. Vì vậy, các cử tri bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban, ngành cùng chính quyền địa phương cần có phương án để bình ổn giá thu mua chè, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người trồng chè trong thời gian tới.
Hội nghị ghi nhận 10 ý kiến của cử tri phản ánh. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp... cũng được cử tri quan tâm phản ánh.
Kết thúc hội nghị, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tâm huyết, những băn khoăn, trăn trở trên nhiều lĩnh vực của cử tri. Nhiều kiến nghị quan trọng của cử tri đã được đại biểu Quốc hội và các sở, ban, ngành, lãnh đạo địa phương giải trình, làm rõ trong thẩm quyền. Đối với các ý kiến còn lại sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận, tổng hợp đầy đủ để phản ánh tới các cơ quan chức năng và trình lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.