Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội tại thị xã Hoàng Mai và huyện Diễn Châu
(Baonghean.vn) - Sáng 23/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc khảo sát tại thị xã Hoàng Mai và huyện Diễn Châu theo kế hoạch giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn khảo sát. Cùng tham gia có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo thị xã Hoàng Mai và huyện Diễn Châu.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khảo sát tiến độ thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khai thác mỏ cát Silic (giai đoạn 1) tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai. Đây là dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng duy nhất theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổng diện tích đất phục vụ dự án tại xã Quỳnh Lộc là hơn 270 ha; trong đó, diện tích đất rừng được chuyển đổi là gần 86 ha (tại Nghị quyết số 66, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh); đã được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hiện chủ đầu tư đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.
Đoàn khảo sát cũng khảo sát việc chuyển đổi đất lúa để thực hiện dự án đầu tư cụm công nghiệp Diễn Thắng, tại xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, theo Nghị quyết số 65, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh.
Đây là 1 trong 5 dự án chuyển đổi đất lúa theo cơ chế Nghị quyết số 36 của Quốc hội. Đến thời điểm này, trong tổng hơn 70 ha đất lúa được chuyển đổi thực hiện dự án, đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng được 40 ha.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, thay mặt đoàn giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quan tâm giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là liên quan đến kiến nghị, nhu cầu chính đáng của người dân.
Cùng với đó, quá trình giải phóng mặt bằng, thi công thực hiện dự án đảm bảo tiến độ; chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi trong sản xuất và sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công và khi đi vào sản xuất.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Việc chuyển đổi, thu hồi đất sản xuất của người dân để phục vụ các dự án, đồng nghĩa người dân sẽ mất đi tư liệu sản xuất; bởi vậy, đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư ưu tiên tuyển dụng, tạo việc làm cho người dân.