Ra mắt "Truyện Kiều" bản tiếng Nga

Ngày 6/11 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công bố công trình Truyện Kiều bản tiếng Nga. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt tiến tới Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Toàn cảnh buổi lễ
Toàn cảnh buổi lễ
Thông điệp văn hóa Việt Nam đến với thế giới
Đến dự Lễ ra mắt có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Viện tiếng Nga mang tên Puskin, Hội Kiều học Việt Nam, Sở Văn hóa Hà Nội, Đại diện lãnh đạo các trường Đại học KHXH&NV, Đại học Hà Nội, Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn học, các giảng viên văn học tại đại học ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã từng học tập và công tác ở Nga và đông đảo người say mê Truyện Kiều sống trong nước và nước ngoài hằng mong mỏi kiệt tác Truyện Kiều sẽ mang thông điệp văn hóa Việt Nam đến với thế giới.
Truyện Kiều bản dịch Nga
Truyện Kiều bản dịch Nga
Truyện Kiều - một kiệt tác của Nguyễn Du, đã được dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Cho đến nay, đã có tới trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Nhật, Trung, Nga, Hàn Quốc, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Ả Rập, Đức, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái Lan... Dịp này bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga được xuất bản tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhân kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du.
Trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Thị An nói: Việc dịch và xuất bản bản dịch tiếng Nga thi phẩm Truyện Kiều là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê Truyện Kiều nói riêng, các nhà Việt Nam học nói chung. Với nỗ lực phi thường, sau 2 năm, tác phẩm Truyện Kiều với sự đặc định của các mã văn chương trung đại thể hiện ở sự dày đặc các điển tích, điển cố, với nhiều câu thơ mang đậm phong vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, và đặc biệt với một nghệ thuật thơ bậc thầy (trong đó phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, hình tượng, biểu tượng) đã được chuyển tải sang tiếng Nga, được xuất bản và đến tay độc giả Việt Nam ngày hôm nay. Công trình kể biết mấy mươi… Đây phải nói là một niềm vui lớn của giới nghiên cứu văn học Việt Nam và giới nghiên cứu văn học Nga, của độc giả và của chính nhóm dịch, một niềm vui bất ngờ mà như hẹn trước, đúng như Nguyễn Du từng nói: Đến bây giờ mới thấy đây, Mà lòng đã chắc những ngày một hai.
GS.TS Võ Khánh Vinh tặng hoa chúc mừng nhóm dịch giả
GS.TS Võ Khánh Vinh tặng hoa chúc mừng nhóm dịch giả
Các tác giả nhóm dịch gồm có TS. Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên dịch và hiệu đính, Nhà thơ Vasili Popov, người chịu trách nhiệm dịch thơ sang tiếng Nga. Tham gia nhóm dịch còn có Dịch giả Đoàn Tử Huyến, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi. Nhà tài trợ dịch cho công trình đặc biệt này là ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Xvetlov (Liên bang Nga), một người con của đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Nhịp cầu văn hóa Việt - Nga
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam  nói: “Tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác bất tử của dân tộc ta, nó đã đưa nền văn học viết Việt Nam đạt đến một đỉnh cao chói lọi. Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều đã góp phần hoàn thiện và cách tân tiếng Việt, làm cho tiếng Việt đạt sự trong sáng, chuẩn mực, mặc dù hơn hai thế kỷ trôi qua vẫn trong sáng và hiện đại. Đặc biệt, giá trị hiện thực, giá trị nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo Truyện Kiều đã làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian, làm cho Truyện Kiều trở thành một hiện tượng vĩnh viễn mới, vĩnh viễn hấp dẫn”.
Suốt từ những năm 50 của thế kỷ XX tới nay, Liên Xô đã dành cho nền văn học Việt Nam một niềm ưu ái, bằng việc cho dịch và xuất bản hàng loạt tác phẩm văn học Việt Nam từ văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện thực và văn học chiến tranh chống xâm lược. Những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các tác giả trung đại như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều... đều được xuất bản bằng tiếng Nga với số lượng lớn.
TS. Nguyễn Huy Hoàng, người Chủ biên dịch và hiệu đính
TS. Nguyễn Huy Hoàng, người Chủ biên dịch và hiệu đính
Riêng tác phẩm Truyện Kiều nhiều năm qua đã được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu  tại các trường Đại học và các Trung tâm văn hóa phương Đông tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Hai bản dịch Truyện Kiều đã có, nhưng do nhiều lý do khách nhau nên vẫn chưa được hoàn chỉnh. “Bản dịch Truyện Kiều của các nhóm dịch giả Việt Nam và Nga lần này là một công trình tâm huyết. Nó là nhịp cầu văn hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam, nó giúp bạn đọc và nhân dân Nga hiểu hơn về đất nước, con người và tâm hồn Việt Nam. Bản dịch tiếng Nga kiệt tác Truyện Kiều được ra đời vào dịp nhân dân cả nước ta kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập quan hệ hai nước Việt - Nga, nên sự kiện này càng thêm ý nghĩa” - GS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Huy Hoàng, người Chủ biên dịch và hiệu đính, Nhà thơ Vasili Popov đã chia sẻ về những cảm xúc, niềm vui lớn lao khi được thực hiện và hoàn thành công trình đúng hạn, sau hai năm bắt tay triển khai một cách tận tâm.
Nhà thơ Vasili Popov
Nhà thơ Vasili Popov
Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; Ông Vladimir Buianov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga Việt, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế và Pháp lý Matxcơva; Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam,  Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam; Dịch giả Thúy Toàn; Nhà tài trợ Hoàng Xuân Vinh đã chia sẻ với độc giả những nhận xét tốt đẹp, đánh giá cao công trình Truyện Kiều bản tiếng Nga lần đầu tiên được ra mắt bạn đọc Nga...
Theo Congly

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.