Giữ bình yên trên vùng quê cách mạng
(Baonghean.vn) - Ở Thanh Chương, việc xây dựng Tổ tự quản kiểu mẫu, mô hình camera an ninh đã từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, yên bình cho nhân dân. Đồng thời, giúp nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhân rộng mô hình camera giám sát
Về xã Đại Đồng của huyện Thanh Chương, một trong những xã có địa bàn dân cư rộng nhất nhì huyện sau sáp nhập, tới bất kỳ thôn xóm nào cũng nhận thấy sự sạch sẽ, rộng thoáng của các cung đường. Người dân thôn 35 cho biết, lần dầu tiên trên địa bàn thôn có gần chục cái camera an ninh gắn ở các địa điểm thường xuyên có người qua lại, những nơi trước đây thường bị đổ trộm rác thải hoặc xảy ra hiện tượng tụ tập làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Từ khi có các camera an ninh, không chỉ thôn 35 mà an ninh trật tự ở 6/6 thôn của xã Đại Đồng luôn được giữ yên, người dân an tâm vui sống. Đặc biệt là sau các vụ việc được Công an xã phát hiện, xử lý thông qua trích xuất camera.
Công an xã Đại Đồng phối hợp cùng người dân lắp camera an ninh và trích xuất hình ảnh phát hiện các vụ vi phạm pháp luật. Ảnh: HT |
Cụ thể, Trưởng Công an xã Đại Đồng – Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực hiện lắp các camera giám sát an ninh từ tháng 3/2022, thông qua hệ thống giám sát camera, lực lượng công an đã phát hiện được 1 vụ trộm cắp tài sản, thu hồi trả lại cho công dân 15 triệu đồng. Một người dân đánh rơi 16 triệu đồng, nhờ trích xuất camera đã truy tìm được người nhặt và thu hồi trả lại cho người bị mất. Ngoài ra, các camera còn giám sát, phát hiện một số công dân đổ rác không đúng nơi quy định... Thấy được hiệu quả của hệ thống camera, người dân các thôn của Đại Đồng rất đồng thuận và nhất trí đóng góp kinh phí “phủ sóng” 100% xóm có camera an ninh với 32 mắt/6 thôn.
Nói về hiệu quả giám sát an ninh thông qua camera cộng đồng, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Lê Thiết Hùng cho biết, đây là một trong những xã thực hiện sớm nhất trên địa bàn huyện. “Việc triển khai mô hình camera giám sát cộng đồng được Ủy ban MTTQ huyện phối hợp lực lượng công an thực hiện từ tháng 3/2022. Sau hơn 1 tháng phát động toàn huyện Thanh Chương đã lắp đặt được 250 mắt camera. Việc lắp đặt camera bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, Mặt trận cơ sở tiếp tục vào cuộc vận động các tổ tự quản nhân rộng mô hình camera giám sát cộng đồng trên toàn huyện”.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình camera an ninh cộng đồng tại xã Đại Đồng. Ảnh: HT |
Hiệu quả từ các Tổ tự quản kiểu mẫu
Để giữ bình yên trên các vùng quê, ngoài nhân rộng mô hình camera an ninh cộng đồng, MTTQ cùng các cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương còn xây dựng các Tổ tự quản kiểu mẫu. Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, trên cơ sở các Tổ tự quản về an ninh trật tự theo Quyết định số 57/2006/QĐ-UBND ngày 09/6/2006 của UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với Công an huyện xây dựng và ban hành Kế hoạch xây dựng Tổ tự quản kiểu mẫu gắn với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở với 10 nội dung trên tất cả các lĩnh vực. Ban đầu mỗi xã đăng ký ít nhất 3-5 tổ tự quản kiểu mẫu, và chọn 1 tổ để ra mắt làm điểm. Từ đó nhân rộng, đến nay Thanh Chương đã có 301 tổ đăng ký xây dựng Tổ tự quản kiểu mẫu trên tổng số 2.223 tổ theo Quyết định 57/UBND sau khi sáp nhập xóm.
Mỗi Tổ tự quản kiểu mẫu được xây dựng trên cơ sở các hộ gia đình liền kề, gần nhau cùng sinh sống trên địa bàn khu dân cư, tùy điều kiện từng nơi có quy mô hợp lý, bảo đảm vừa dễ bàn bạc, dễ thống nhất, vừa tạo ra được sức mạnh của tập thể. Hoạt động của Tổ tự quản kiểu mẫu ngoài triển khai các nội dung công tác, còn hướng đến việc chăm lo thế hệ trẻ, động viên khuyến khích con em chăm ngoan, học giỏi; hướng vào những hoạt động lành mạnh, bổ ích, tránh xa tệ nạn xã hội. Nhiều Tổ đã thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài, thăm hỏi lúc vui, lúc buồn với số tiền 1.267 triệu đồng, tạo nét đẹp văn hóa, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng. Bên cạnh đó, các thành viên cũng luôn gần gũi động viên, chia sẻ, gia đình nào có chuyện đại sự, dù là chuyện vui hay chuyện buồn, Tổ trưởng đều thông báo cho toàn tổ biết để đến phối hợp cùng gia đình lo liệu theo quy định của Tổ.
Ví như tại Tổ tự quản số 8 của xã Thanh Liên có 15 hộ với 51 nhân khẩu. Được công nhận là Tổ tự quản kiểu mẫu vào tháng 11/2019 đến nay các hộ vẫn duy trì được nếp sống đoàn kết, trách nhiệm xây dựng cộng đồng cao, nhất là trong ủng hộ xây dựng nông thôn mới và giữ vững các tiêu chí của Tổ tự quản kiểu mẫu. Đó là 100% số hộ hoàn thành các loại quỹ, các khoản đóng góp; có hố rác thải, xử lý rác thải và công trình phụ hợp vệ sinh tại gia; không vi phạm kế hoạch hóa gia đình; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội… Các hộ dân tổ 8 còn đóng góp xây dựng đường giao thông đạt chuẩn với số tiền là 155 triệu đồng; xây 90 bồn hoa, cây cảnh dọc tuyến đường 1km.
Cán bộ Huyện ủy Thanh Chương trao đổi với Ban cán sự thôn 4 về hiệu quả triển khai Tổ tự quản kiểu mẫu ở cơ sở. Ảnh: HT |
Hoặc như tại thôn 4, xã Thanh Phong, trước khi sáp nhập thôn xóm năm 2020 các tuyến đường liên thôn liên xã chưa đạt yêu cầu, có nhiều đoạn đường chưa được đổ bê tông. Sau sáp nhập từ 2 thôn 2, 4 và một phần thôn 2 thành thôn 4, rồi “nâng cấp” các Tổ tự quản về an ninh trật tự thành các Tổ tự quản kiểu mẫu, thôn 4 thành lập 7 tổ tự quản, mỗi tổ có tổ trưởng tiếp nhận các chính sách, chủ trương của cấp ủy, chính quyền để truyền đạt lại cho tổ viên. Đồng thời, họp tổ để lấy ý kiến triển khai các công việc của thôn xóm. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, người dân thôn 4 đã hiến hàng chục mét bờ rào và hàng trăm mét vuông đất đai để xây dựng các tuyến đường nông thôn mới, đường điện thắp sáng làng quê, tu sửa nhà văn hóa chuẩn bị “tiến lên” xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong Phan Mạnh Hùng cho biết, không chỉ ở thôn 4, xã sáp nhập 17 thôn thành 7 xóm, địa bàn các thôn mở rộng nên các Tổ tự quản kiểu mẫu trở thành “cánh tay phải” giúp cán bộ thôn xóm, lãnh đạo cấp ủy chính quyền triển khai, tuyên truyền các chủ trương, nội dung công tác đến tận từng người dân. Đồng thời, thông qua các Tổ tự quản kiểu mẫu giúp chính quyền nắm bắt kịp thời các phản ánh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, bởi vậy nhiều năm liền Thanh Phong hầu như không có đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, người dân đồng thuận cao cùng chính quyền xây dựng thôn xóm bình yên, hạnh phúc.
“Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Thanh Chương, hơn 300 tổ tự quản kiểu mẫu ra mắt và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, từ khi xây dựng tổ tự quản kiểu mẫu đến nay tình trạng trộm cắp trong tổ, trong xóm đã giảm hẳn, không có con em vi phạm tệ nạn xã hội; Không có trẻ em thất học, bỏ học, suy dinh dưỡng, không còn hộ nợ các nghĩa vụ thuế, quỹ của Nhà nước và địa phương; không còn tình trạng bạo lực gia đình, tỷ lệ gia đình văn hóa ở các tổ tự quản kiểu mẫu đạt 95% trở lên. Từ việc thực hiện mô hình này nhân dân đã tham gia các hoạt động ở thôn, xóm tích cực hơn, trách nhiệm hơn. Mô hình tổ tự quản là “cánh tay nối dài”, là nền tảng để xây dựng, củng cố thực hiện phương châm “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và tự hòa giải” góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho các thôn xóm” – ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.