Kỳ tích về trúng tuyển đại học trên miền đất Phủ Quỳ
(Baonghean.vn) - Đứng chân ở địa bàn huyện miền núi, lại không nằm ở vùng trung tâm huyện nhưng Trường THPT Quỳ Hợp 2 (huyện Quỳ Hợp) đã lập nên kỳ tích khi có hai lớp đạt tỷ lệ 100% học sinh đậu vào đại học.
2 lớp có 100% học sinh trúng tuyển đại học
Những ngày qua, cùng với niềm vui đón chào năm học mới, thầy và trò Trường THPT Quỳ Hợp 2 thực sự phấn khởi, tự hào khi có nhiều học sinh đậu vào các trường đại học. Đặc biệt, toàn bộ học sinh hai lớp 12A1 và 12A2 đều trúng tuyển nguyện vọng 1, trong đó nhiều em trở thành tân sinh viên của các trường tốp đầu cả nước, làm rạng danh vùng quê nghèo hiếu học.
Lớp 12A1 - Trường THPT Quỳ Hợp 2 có 43/43 học sinh trúng tuyển đại học. Ảnh: GVCN cung cấp |
Lớp 12A1 (năm học 2020-2021) có 43/43 học sinh trúng tuyển khối A, A1 và B, nhiều em đạt điểm cao như Đậu Ngọc Hà Phương (28,9) trúng tuyển Học viện Quân y, Nguyễn Quán Thục Anh (28,75) trúng tuyển ĐH Ngoại thương, Nguyễn Tiến Hưng (28,55) trúng tuyển Học viện Hậu cần… Và nhiều em đậu vào các trường thuộc tốp đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y dược Hà Nội, Học viện Tài chính…
Đặc biệt, lớp có 3 em được tuyển thẳng là Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Trí Đạt (ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phan Văn Tài Nguyên (ĐHSP Hà Nội). Cả 3 em đều đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và có thành tích cao trong thi đấu thể thao. Và đáng nói hơn nữa là hoàn cảnh gia đình đều gặp nhiều khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, sau mùa màng phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi con ăn học.
Niềm vui của các thành viên lớp 12A1. Ảnh: GVCN cung cấp |
Ngoài ra, có 3 em khác cũng có hoàn cảnh khó khăn, đó là Nguyễn Trung Mạnh (ĐH Y khoa Vinh) hiện bố đang bị suy thận, hàng tuần phải đến bệnh viện lọc máu, gia tài hầu như chẳng còn gì. Em Phan Mạnh Hùng (Sỹ quan Pháo binh) bố mẹ đã chia tay, em ở cùng ông bà nội và em Nguyễn Hồng Mạnh (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) điều kiện gia đình cũng đặc biệt khó khăn, vất vả.
Không chịu kém cạnh 12A1, lớp 12A2 cũng đạt tỷ lệ 40/40 học sinh trúng tuyển đại học thuộc chuyên ngành khối C và D, trong đó hơn 20 em đạt mức trên 25 điểm (1 em 28,5 điểm; 1 em 28 điểm và 4 em 27 điểm). Có nhiều em là con em của đồng bào dân tộc thiểu số đạt điểm cao, tiêu biểu là Hoàng Thị Tú Linh (dân tộc Thổ, 30,35 điểm) và Hủn Vi Đan Thùy (dân tộc Thái, 29,45 điểm).
GVCN chụp ảnh lưu niệm cùng các học sinh nam lớp 12A1. Ảnh: GVCN cung cấp |
Thiên về khối C và D nên học sinh lớp 12A2 chủ yếu đăng ký xét tuyển vào chuyên ngành Ngoại ngữ và Sư phạm. Nhờ điểm cao, nhiều em đã trúng tuyển vào những trường có danh tiếng như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐHSP Hà Nội… Đồng thời, lớp cũng có 5 em được tuyển thẳng vào đại học do có thành tích cao, đạt nhiều danh hiệu trong quá trình học tập và rèn luyện.
Bên cạnh đó, lớp 12A3 cũng có 23 học sinh trúng tuyển, trong đó 6 em thuộc diện tuyển thẳng và nhiều em đạt điểm từ 25 trở lên (2 em đạt 28 điểm).
Kết quả của tình thương và trách nhiệm
Trường THPT Quỳ hợp 2 đứng chân tại xóm Tân Mỹ, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp), thuộc khu vực nông thôn miền núi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm học 2020 - 2021 trường đạt tỷ lệ 100% học sinh được công nhận tốt nghiệp, điểm thi trung bình các môn thi đạt 6,31 điểm.
Điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khá cao, nổi bật là em Lý Thùy Anh, lớp 12A2, (28,5 điểm khối D01, chưa tính điểm ưu tiên). Có 11 em đạt trên 27 điểm (không tính điểm ưu tiên), nhiều em trúng tuyển vào các trường tốp đầu cả nước, đặc biệt 2 lớp 12A1 và 12A2 có 100% em đều đậu nguyện vọng 1.
Lớp 12A2 Trường THPT Quỳ Hợp 2 có 40/40 học sinh trúng tuyển đại học. Ảnh: GVCN cung cấp |
Về kinh nghiệm để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, theo thầy Nguyễn Hải Thành - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1,trong quá trình tổ chức dạy học cần chú ý phát huy tính chủ động, sáng tạo và nâng cao ý thức tự giác của học sinh. “Tôi đã chia lớp thành 4 nhóm dựa vào năng lực để các em giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập, tạo không khí thi đua, phấn đấu sôi nổi” – thầy Thành nói.
Không chỉ nắm vững năng lực, sở trường của từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn còn phải hiểu rõ hoàn cảnh của học sinh trong lớp, nhất là những em điều kiện gia đình khó khăn, vất vả. Từ đó, kịp thời động viên, giúp đỡ các em xóa bỏ mặc cảm, vượt lên hoàn cảnh, tự tin trong học tập để đạt kết quả cao.
Thành viên lớp 12A2 chụp ảnh kỷ yếu trước ngày chia tay mái trường phổ thông. Ảnh: GVCN cung cấp |
Còn thầy Lê Tuấn Anh – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tạo động lực để học sinh say mê học tập, nuôi dưỡng hoài bão và khát vọng tương lai. Để có được điều ấy, các thầy, cô giáo đã thường xuyên quan tâm, giúp đỡ học sinh trong lớp, chú ý bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi và bổ túc thêm kiến thức cho học sinh trung bình. Việc này được thực hiện ngoài giờ lên lớp và hoàn toàn miễn phí.
Lớp 12A2 trong buổi chia tay trước ngày thi tốt nghiệp. Ảnh: GVCN cung cấp |
Giáo viên chủ nhiệm luôn phối hợp chặt chẽ với các giáo viên bộ môn, thường xuyên nắm bắt và trao đổi về khả năng tiếp nhận kiến thức của mỗi nhóm và từng học sinh để có phương pháp giảng dạy thích hợp. Đồng thời, giữ mối liên hệ với phụ huynh, không ngừng cập nhật thông tin, kết quả học tập và yêu cầu phụ huynh cùng phối hợp trong việc nâng cao ý thức học tập và rèn luyện của học sinh.
“Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua thực sự là niềm tự hào đối với một ngôi trường miền núi. Để có được kết quả ấy, ngay từ khi các em vào lớp 10, trên cơ sở điểm thi tuyển sinh, nhà trường đã định hướng cho các em lựa chọn khối thi, ngành thi để có kế hoạch bồi dưỡng trong quá trình tổ chức học tập”.