Huyện Tân Kỳ với những đề án kinh tế hiệu quả

Bài: Xuân Hoàng; Kỹ thuật: Lâm Tùng 09/12/2019 08:55

(Baonghean) - Tân Kỳ đang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Bức tranh nông nghiệp của địa phương đã có nhiều khởi sắc từ khâu sản xuất đến năng suất, chất lượng, trong đó nổi bật là các đề án về chăn nuôi, trồng trọt.

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tân Kỳ đã thực hiện 3 đề án phát triển kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch: Đề án phát triển chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đề án phát triển các loại cây trồng có giá trị thu nhập cao. Theo đó, UBND huyện đề nghị BCH Đảng bộ huyện tiếp tục ban hành nghị quyết về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025.

Phát triển cây có múi, trong đó cam là cây trồng chủ lực của huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm nổi bật là đề án phát triển chăn nuôi được đánh giá chuyển biến rõ nét. Từ phần lớn là chăn nuôi giống bò vàng địa phương, thì nay tổng đàn bò Laisind cũng vượt mục tiêu kế hoạch của từng năm, từ 11,46 – 13%/năm. Đặc biệt trên địa bàn huyện đã thành lập được 3 HTX chăn nuôi tại 3 xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Tân Phú và được đánh giá đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi mới phù hợp với xu thế hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Hường - Giám đốc HTX nông nghiệp Lèn Voi xã Tân Phú, cho rằng: Mặc dù HTX mới thành lập, nhưng nhờ áp dụng chăn nuôi bò vỗ béo bằng giống bò nhập ngoại, nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các hộ chăn nuôi bò vàng địa phương trước đây. Do sản phẩm bò thịt của HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, là yếu tố thúc đẩy các thành viên đẩy mạnh chăn nuôi bò.

Để sản xuất cam sạch theo chuẩn VietGAP, cam được chăm sóc hoàn toàn chế phẩm sinh học; người trồng cam ở Tân Phú đầu tư hệ thống máy lọc nước để tưới cho cam. Ảnh: Xuân Hoàng

Mía nguyên liệu là cây trồng chủ lực của huyện Tân Kỳ. Để tăng năng suất mía cho người dân, huyện đã loại bỏ dần các giống mía cũ kém hiệu quả và thay thế bằng các giống mới phù hợp cho năng suất cao, chất lượng tốt như các giống KK2, KK3, Việt Đường, LK-9211… đến nay diện tích trồng mía bằng các giống mới 3.705 ha/tổng diện tích mía đứng 4.485 ha đạt 82,6% tăng 20% so với trước khi thực hiện đề án.

Cùng với việc ứng dụng các giống mới vào sản xuất, đã xây dựng được các mô hình sản xuất mía tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc, thu hoạch… với tổng diện tích thực hiện hơn 1.000 ha cho hiệu quả kinh tế cao từ 60-70 triệu đồng/ha so với bình quân chung chỉ đạt 45-48 triệu đồng/ha.
Bà Đặng Thị Tịnh ở xóm Xuân Sơn, xã Nghĩa Hoàn cho biết, gia đình bà có 3 ha mía nguyên liệu được trồng tập trung. Nhờ áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch, nên năng suất mía hàng năm đạt từ 90 - 100 tấn/ha. Từ vụ ép này, phía nhà máy đưa máy thu hoạch mía về phục vụ bà con, người trồng mía không còn lo khâu thu hoạch bằng sức người vất vả như trước.

Thu hoạch mía nguyên liệu bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch mía nguyên liệu bằng máy. Ảnh: Xuân Hoàng

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Tân Kỳ đã thực hiện có hiệu quả đề án phát triển các loại cây trồng có giá trị thu nhập cao: lúa, ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây giống lâm nghiệp.

Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao của Tân Kỳ đạt 634ha/100 ha kế hoạch (vượt 634%), bằng các giống Thái Xuyên 111, SV181, Hương thơm 1, Bắc Thơm 9 tại những vùng lúa trọng điểm của các đơn vị Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Bình, Nghĩa Hoàn, Tân Phú, Nghĩa Phúc, Đồng Văn. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI) tại nhiều xã trên địa bàn huyện và đến vụ Xuân 2019 đã có 1.152 ha được áp dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao, trong đó năng suất lúa vụ xuân đạt cao 74 tạ/ha, so với bình quân chung chỉ đạt 65 tạ/ha.

Xây dựng vùng trồng mía ứng dụng công nghệ cao đạt 1001 ha/500 ha kế hoạch, tại các xã Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn, Tân Long, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn, Nghĩa Phúc, Đồng Văn, Tiên Kỳ… Ngoài ra, các loại cây như: Ngô, cây có múi, cây thực phẩm, cây giống lâm nghiệp được thực hiện đạt kế hoạch, trong đó cây thực phẩm đã được quy hoạch và kêu gọi đầu tư vùng chuyên canh rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay đã thu hút đầu tư dự án sản xuất tỏi hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm với tổng diện tích quy hoạch 85 ha tại các xã Giai Xuân, Tân Hợp, Đồng Văn.

Tân Kỳ hiện đã có 24 trang trại chăn nuôi gà, quy mô 1.000 con trở lên; 21 trang trại chăn nuôi trâu, bò; 15% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ứng dụng đệm lót sinh học; 100% số hộ chăn nuôi lợn công nghiệp xây hầm bioga. Đến nay trên địa bàn huyện có 383 máy nông nghiệp các loại, đáp ứng nhu cầu từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch nông sản cho bà con nông dân.

Xây dựng các đề án cho nhiệm kỳ tới

Ông Phan Văn Giáp – Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, trong tháng 11, Huyện ủy Tân Kỳ đã thành lập 4 tiểu ban: Tiểu ban văn kiện; tiểu ban nhân sự; tuyên truyền, hành động phục vụ, do cấp ủy thành lập. Theo đó, cả 4 tiểu ban đã xây dựng được quy chế làm việc, phân công cụ thể cho từng thành viên, thành lập các tổ giúp việc cho từng tiểu ban. Tiến hành rà soát lại để bổ sung quy hoạch, chuẩn bị bước đầu nhân sự cho khóa mới. Bố trí sắp xếp 1 số cán bộ ở cơ sở trước đại hội. Chọn các đơn vị đại hội điểm, gồm 2 đảng bộ xã và 2 đảng bộ khối cơ quan.


Chú thích
Nhiều hướng đi nhằm phát triển kinh tế đang được huyện Tân Kỳ chú trọng trong thời gian tới. Ảnh: Xuân Hoàng

Để chuẩn bị cho việc xây dựng văn kiện báo cáo chính trị trình đại hội mới, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BTV huyện ủy đã thành lập 4 đoàn kiểm tra khảo sát, do các đồng chí Thường trực Huyện ủy làm trưởng đoàn. Theo đó, các đoàn tiến hành kiểm tra các cơ sở, các ban ngành cấp huyện, các đề án trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng đảng, chính trị. Trên cơ sở kết quả của các đoàn kiểm tra khảo sát, sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để xây dựng báo cáo chính trị có chất lượng.

“Đến đầu tháng 12, lĩnh vực kinh tế đã khảo sát xong, cho thấy cả 3 đề án đều thực hiện có hiệu quả trong nhiệm kỳ qua, sẽ được đưa vào văn kiện của đại hội để tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Xem đây là khâu đột phá về phát triển kinh tế của Tân Kỳ trong những năm tới, đặc biệt là đề án phát triển các loại cây trồng có giá trị thu nhập cao, trên cơ sở đó huyện sẽ tập trung trí tuệ để xây dựng những đề án mới khả thi, hiệu quả ”

Ông Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ


Mới nhất
x
Huyện Tân Kỳ với những đề án kinh tế hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO