Nghệ An tăng cường giám sát vận hành, xả lũ ở các nhà máy thủy điện

Lâm Tùng 10/07/2019 14:55

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh vừa ký văn bản về việc tăng cường công tác quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm 2019.

Yêu cầu các nhà máy thủy điện vận hành đúng quy định

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ sở hữu đập, hồ chứa các nhà máy thủy điện đã vận hành (bao gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Hủa Na, Đồng Văn, Bản Cốc, Sao Va, Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Cắn 2, Bản Cánh, Ca Lôi, Ca Nan 1, Ca Nan 2) tổ chức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo nội dung đã được quy định và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Quy trình vận hành hồ chứa đơn hồ và liên hồ.

Đối với hồ, đập các nhà máy xả lũ đóng mở bằng cửa van, chủ sở hữu đập, hồ chứa phải thực hiện các nhiệm vụ sau, cụ thể: Ban hành và thực hiện lệnh vận hành công trình theo quy định trong quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: Phú Hương
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: Phú Hương

Trước khi vận hành cửa van đập tràn từ trạng thái đóng hoàn toàn trước mỗi trận lũ phải thông báo trước ít nhất 04 giờ đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Công Thương và UBND các huyện nơi xây dựng nhà máy và vùng hạ du đập để chỉ đạo chống lũ cho vùng hạ du, đồng thời thông báo cho các xã ở phía hạ lưu công trình để chủ động phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra.

Trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường hoặc sự cố phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó kịp thời; đồng thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Sở Công Thương và thông báo cho UBND các huyện nơi xây dựng nhà máy và vùng hạ du đập để kịp thời phối hợp, chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp hạn chế thiệt hại do lũ lụt.

Trước khi xả lũ khẩn cấp, để đảm bảo an toàn công trình đầu mối phải báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Sở Công Thương và thông báo cho UBND các huyện nơi xây dựng nhà máy và vùng hạ du đập để kịp thời phối hợp, ứng phó cần thiết.

Nhiều ngôi nhà bị ngập úng tại Thị trấn Con Cuông khi thủy điện Bản Vẽ xã lũ. Ảnh: Tư liệu
Nhiều ngôi nhà bị ngập úng tại thị trấn Con Cuông khi Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh: Tư liệu

Tổ chức lập và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai năm 2019 thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật Phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp quy định tại Điều 25 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/7/2019.

Tổ chức lắp đặt thiết bị quan trắc công trình đập hồ chứa nước theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; Điều 9 Thông tư số 47/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.


Thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, trường hợp các đập đến thời gian phải kiểm định theo quy định của pháp luật, yêu cầu chủ đập phải tổ chức thực hiện kiểm định, hoàn thành trong tháng 7/2019.
Tổ chức xây dựng phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện trình cấp cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức cắm mốc chỉ giới và quản lý mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ. Đồng thời bàn giao các mốc giới cho UBND cấp xã nơi có đập để quản lý bảo vệ.

Nội dung văn bản.
Nội dung văn bản. Ảnh: Lâm Tùng

Xây dựng và ký cam kết về quy chế phối hợp với UBND các xã vùng hạ du đập và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN huyện nơi nhà máy xây dựng về công tác ứng phó với tình huống khẩn cấp trong năm 2019.

Tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các cấp và các cơ quan liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, phòng chống thiên tai.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các chủ đập trên lưu vực sông và địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão, đặc biệt là công tác thông báo xả lũ, cảnh báo, cảnh giới trong quá trình vận hành hồ chứa và xả lũ;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn và phối hợp với các cơ quan liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình;
Chuẩn bị nguồn lực, vật tư cho công tác phòng, chống thiên tai, an toàn đập và công tác phòng, chống lũ lụt hạ du đập thủy điện theo phương án đã được phê duyệt;
Tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hồ chứa theo đúng quy định; Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, dự báo các thông số thủy văn hồ chứa về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT theo đúng quy định;

Mố cấu chôm lôm bị đứt gãy trong đợt xã lũ năm 2018 của thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Tư liệu
Mố cấu Chôm Lôm bị đứt gãy trong đợt xả lũ năm 2018 của Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Tư liệu

Lắp đặt hệ thống camera giám sát việc phát điện, xả lũ, truyền thông tin, hình ảnh đến qua đường truyền internet tới UBND tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện vùng hạ du.

Chủ sở hữu đập, hồ chứa các công trình thủy điện đang thi công (bao gồm: Sông Quang, Châu Thôn, Nậm Giải, Khe Thơi, Bản Mồng và Suối Choang).
Lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trước ngày 20/7/2019.


Tăng cường giám sát việc vận hành hồ chứa

UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý đường bộ II và UBND các huyện có các nhà máy thủy điện xây dựng trên địa bàn kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn đập các nhà máy thủy điện, trong đó cần quan tâm đến nhà máy có vùng hạ du tập trung nhiều khu dân cư. Kết quả kiểm tra báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/7/2019.
Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập trong quá trình thi công theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/7/2019.

Xả tràn hồ chứa Vực Mấu. Ảnh: Văn Trường
Xả tràn hồ chứa Vực Mấu. Ảnh: Văn Trường

Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa thủy điện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/7/2019.

Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện an toàn hồ đập của các dự án thủy điện trên địa bàn, kịp thời báo cáo UBND tỉnh khi có sự cố xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh thực hiện lập và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Cả theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/7/2019.
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa và quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tổ chức vận hành hồ chứa, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du đập, đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện, thủy lợi, người và tài sản của nhân dân; Chỉ đạo việc đảm bảo an toàn cho công trình đê điều và các công trình thủy lợi liên quan trong mùa lũ.

Nhiều diện tích bưởi của bà con huyện Con Cuông bị thiệt hại do nước lũ tràn về. Ảnh: Tư liệu
Nhiều diện tích bưởi của bà con huyện Con Cuông bị thiệt hại do nước lũ tràn về. Ảnh: Tư liệu

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn chủ sở hữu đập, hồ chứa nhà máy thủy điện đang vận hành thực hiện lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; Điều 9 Thông tư số 47/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám sát, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa các Nhà máy thủy điện theo Giấy phép khai thác nước mặt đã được cấp; phối hợp với chủ đập các nhà máy thủy điện thực hiện quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Cả, sông Mã.


UBND các huyện có đập, hồ chứa thủy điện chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”


UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện có đập, hồ chứa thủy điện, chủ động nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập hồ chứa nước.
Kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, cảnh báo và an toàn cho vùng hạ du, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo quy trình vận hành hồ chứa nước trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện theo quy định tại khoản 3, Điều 12 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ.
Phối hợp, tham gia Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước cấp tỉnh khi có quyết định của UBND cấp tỉnh. Phối hợp với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện xây dựng phương án và thực hiện cắm mốc theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đập thủy điện trong việc tổ chức vận hành hồ chứa theo quy trình được phê duyệt; phối hợp tổ chức rà soát quy trình vận hành hồ chứa và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp của quy trình (nếu có), thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai.
Phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người dân phía hạ du các nhà máy thủy điện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và TKCN tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng ứng cứu, phương tiện thiết bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế,... ở các khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai.


Mới nhất

x
Nghệ An tăng cường giám sát vận hành, xả lũ ở các nhà máy thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO