Nghi Lộc - Tiềm năng và cơ hội phát triển
(Baonghean) - Nghi Lộc là huyện cửa ngõ của thành phố Vinh, trung tâm của Khu kinh tế Đông Nam, nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Những năm qua, Nghi Lộc đang phát huy lợi thế về cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên cùng những ưu đãi về cơ chế, chính sách để “trải thảm đỏ”, đón nhà đầu tư.
Là huyện cửa ngõ của TP. Vinh, trung tâm của Khu kinh tế Đông Nam, Nghi Lộc là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong ảnh: Quang cảnh Cầu Cấm (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải |
Tại buổi tọa đàm “Định hướng phát triển Nghi Lộc đến năm 2025, tính đến năm 2030” nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 550 năm thành lập huyện, một lần nữa, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc khẳng định quyết tâm cao trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trong đó, huyện tập trung vào công nghiệp - xây dựng để tăng trưởng nhanh, có nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất nông sản sạch và giá trị kinh tế cao; hiện nay toàn huyện đã có 14/29 xã về đích nông thôn mới, năm 2019 phấn đấu thêm 9 xã và năm 2020 phấn đấu 6 xã còn lại về đích NTM. Đồng thời xây dựng Nghi Lâm và Nghi Xuân thành 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong lộ trình phát triển, huyện Nghi Lộc xác định phải có sự đột phá mạnh mẽ, tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu; phấn đấu xây dựng đô thị Quán Hành trở thành đô thị vệ tinh, cực tăng trưởng phía Bắc của TP. Vinh. Tiến hành triển khai xây dựng thị trấn Chợ Thượng thành Đô thị loại V, là trung tâm thương mại, văn hóa, kinh tế vùng Tây của huyện. Phát triển thị tứ tại các xã Nghi Văn, Nghi Phương và Nghi Vạn để tạo động lực cho phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện.
Nhiều mô hình chăn nuôi ở Nghi Lộc cho thu nhập cao. Ảnh: Thu Hương |
Ngoài ra, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và các nguồn lực khác của các tiểu vùng để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn; liên kết trong sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp để tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Đối với tiểu vùng có lợi thế quỹ đất phát triển khu công nghiệp, du lịch biển và ven biển, huyện sẽ tập trung phát triển rau màu sạch; khu du lịch, nuôi trồng thủy sản ven bờ; mở rộng các khu công nghiệp; thu hút đầu tư phát triển cụm cảng biển nước sâu, các khu du lịch cao cấp ven biển (FLC đã khảo sát 460 ha tại Nghi Tiến).
Trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ có thêm tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến quốc lộ ven biển, do vậy, cần tập trung nguồn lực nâng cấp các tuyến hiện có, nhất là các tuyến QL48E, tuyến nối Vinh - KCN Nam cấm - Bãi Lữ (Đức Thiết), các tuyến đường gom của cao tốc, kết nối tuyến N5 với các xã vùng Tây của huyện. Phát triển đồng bộ các loại hạ tầng thiết yếu khác như: điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông... hạ tầng văn hóa - xã hội khác: đáp ứng phục vụ phát triển KT-XH và yêu cầu quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực... Dự kiến đến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghi Lộc sẽ có 26/30 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội XXVIII đề ra.
Một góc thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) hôm nay. Ảnh: Thành Cường |
Nghi Lộc hướng mục tiêu đến năm 2025 đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 12,5 - 13,5%/năm; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông - lâm nghiệp - thủy sản 9,65%, Công nghiệp - xây dựng 63,63%; Thương mại - dịch vụ 26,72%; Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt từ 70 - 80 triệu đồng/người/năm.
Vừa qua, huyện Nghi Lộc đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và 125 danh xưng Nghi Lộc với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, các tướng lĩnh cùng đông đảo cán bộ và nhân dân.
Tại buổi lễ, cán bộ và nhân dân huyện đã ôn lại truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, thành quả phát triển đồng thời thể hiện sự quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến năm 2025. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức phát động các phong trào thi đua đặc biệt chào mừng sự kiện này; động viên toàn huyện thi đua lập nhiều thành tích thực hiện tốt các chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước, các chỉ tiêu KT-XH, triển khai tốt hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, hoạt động đền ơn đáp nghĩa; Động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chuỗi hoạt động kỷ niệm triển khai đúng kế hoạch. Toàn huyện đã triển khai và đẩy nhanh tiến độ 9 công trình văn hóa và phúc lợi, 18 nhà tình nghĩa tổng kinh phí hơn 443,394 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hội hóa 26,5 tỷ đồng. 30 xã, thị trấn triển khai và hoàn thành cơ bản 58 công trình với tổng kinh phí gần 208 tỷ đồng và đồng thời gắn biển công trình chào mừng lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện.
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Thành Cường |
Chuỗi sự kiện gắn với dịp lễ như chương trình văn hóa, nghệ thuật, công diễn 9 ca khúc mới chào mừng 550 năm thành lập huyện và trao giải “Nghi Lộc 550 năm hình thành và phát triển”; triển lãm “Đất và người Nghi Lộc”; tổ chức tọa đàm “Định hướng phát triển Nghi Lộc đến năm 2025, tính đến năm 2030” đặc biệt Lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện (1469- 2019) và 125 năm danh xưng Nghi Lộc (1894-2019) diễn ra vào tối 27/4 thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp trong đông đảo nhân dân.
Thời gian tới, UBND huyện mong muốn tiếp tục đón nhận sự quan tâm của bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND tỉnh và các phòng, ban, ngành cấp tỉnh để Nghi Lộc sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội đã đề ra.