Người dân Tương Dương đề nghị nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ trồng mét
Tại hội nghị đánh giá, chuyển giao Dự án Mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét sáng 7/1 tại huyện Tương Dương, người dân các xã được thụ hưởng đề nghị nhân rộng mô hình và duy trì quỹ vốn xoay vòng do dự án tài trợ.
Ngày 7/1, UBND huyện Tương Dương cùng các địa phương, đơn vị tài trợ tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Mô hình sinh kế bền vững cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng trên địa bàn huyện.
Tham dự hội nghị có các đại biểu: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP-GEF/SGP); đồng chí Lê Văn Lương - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Tương Dương; đại diện Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, các đơn vị điều hành, thực hiện dự án; lãnh đạo UBND huyện và các xã thụ hưởng dự án.
Dự án Mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại huyện Tương Dương do Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình các dự án nhỏ tài trợ, kết hợp với các nguồn khác, tổng kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng. Dự án thực hiện phục tráng, nhân rộng mô hình trồng mét tại 12 thôn, bản 5 xã của huyện Tương Dương.
Từ tháng 1/2022, với nguồn tài trợ hơn 3 tỷ đồng của Quỹ GEF, huyện Tương Dương đã lồng ghép với các nguồn kinh phí đối ứng khác của địa phương và người dân. Dự án đã giúp phục tráng, nhân rộng mô hình trồng mét, tạo sinh kế bền vững với 687 hộ, hơn 1.800 người dân tham gia. Hội Nông dân huyện Tương Dương đảm nhận vai trò điều hành tổ chức thực hiện Dự án.
Dự án cũng giúp thành lập 12 tổ hợp tác - hợp tác xã, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tham gia dự thi sản phẩm OCOP từ cây mét. Xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế thông qua trồng mới 38,3 ha với 63 hộ tham gia, phục tráng 944 ha rừng mét đã suy thoái với 578 hộ tham gia. Thành lập quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế cho 5 hội nông dân cấp xã với số tiền là 839 triệu đồng, giá trị thu nhập của các hộ tham gia mô hình phục tráng cây mét tăng thêm 25,1% so với trước khi thực hiện dự án.
Sau 2 năm thực hiện, các đơn vị tài trợ, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Dự án tổ chức đánh giá hiệu quả và triển khai các bước tiếp theo nhằm duy trì, phát huy hơn nữa mô hình sinh kế bền vững từ trồng mét.
Lãnh đạo các xã, ban cán sự các thôn, bản và nhiều hộ dân được thụ hưởng cũng như lãnh đạo huyện Tương Dương đã khẳng định hiệu quả tích cực của dự án, vừa mang lại nguồn sinh kế bền vững từ trồng mét, vừa từng bước giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng. Người dân đề nghị duy trì, nhân rộng mô hình hiệu quả từ trồng mét và tiếp tục phát huy nguồn vốn Quỹ xoay vòng.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đánh giá cao các hoạt động triển khai, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác nhằm đem lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân, hoàn thành tốt các mục tiêu của Dự án. Đồng thời, khuyến nghị địa phương, người dân tiếp tục duy trì kết quả, lan toả mô hình cũng như các dự án tài trợ của các tổ chức đến với địa phương.
Trong đó, đặc biệt lưu ý cách thức triển khai, cách huy động người dân, chính quyền cũng như vận dụng các nguồn lực nhằm phát huy tốt nguồn tài trợ, hoàn thành đạt mục tiêu các chương trình, dự án gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển chung của địa phương.
Dịp này, Ban điều hành Dự án, UBND huyện Tương Dương đã trao tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 16 cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu Dự án. Ban Điều hành Dự án tiến hành bàn giao Quỹ vốn xoay vòng cho địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tài trợ.
Dự án Mô hình sinh kế bền vững từ trồng mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) điều phối thực hiện trong khuôn khổ Dự án: “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và GEF tài trợ thông qua UNDP Việt Nam.