Nhìn lại 39 ngày gồng mình chống dịch của TP. Vinh
(Baonghean.vn) - Trong 39 ngày giãn cách xã hội, TP. Vinh tiến hành 6 đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; có tổng số 544 người nhiễm Covid-19 ở 23 phường, xã và hơn 1.800 người bị xử phạt vì vi phạm quy định phòng dịch...
Tái bùng phát ở chợ đầu mối Vinh
Ngày 24/9, hàng loạt điểm chốt ở TP. Vinh được dỡ bỏ, người dân trở về trạng thái bình thường mới sau 39 ngày giãn cách xã hội. Để có được kết quả này, là cả những hy sinh, những nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân thành phố.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch. Ảnh: Phạm Bằng |
Đợt dịch này bắt đầu từ ngày 14/8, khi một phụ nữ ở phường Cửa Nam sau nhiều ngày bị sốt, đã gọi dịch vụ xét nghiệm đến nhà làm test nhanh và cho kết quả 2 lần dương tính. Các F1 của chị này lập tức được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Trong cùng ngày, ghi nhận thêm 2 ca bệnh nữa là con gái và tài xế chuyên giao, nhận hàng cho chị… Cơ quan chức năng vì thế không thể xác định được người nào đã lây cho người nào.
Người phụ nữ này làm nghề tiểu thương ở chợ đầu mối Vinh – cũng là tâm dịch của TP. Vinh trong đợt 1. Tuy nhiên, không giống như đợt trước, lần này các chuyên gia nhận định dịch bệnh đã xâm nhập vào TP. Vinh từ lâu, âm thầm lây lan qua nhiều chu kỳ, đặc biệt là với những người liên quan chợ đầu mối. Nhận thấy tình hình phức tạp, TP. Vinh ngay lập tức phong tỏa một số khu vực liên quan, đồng thời rốt ráo tìm người từng đến chợ đầu mối để xét nghiệm. TP. Vinh sau đó phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 kể từ 0h ngày 15/8.
Chợ đầu mối Vinh lần thứ 2 trở thành ổ dịch. Ảnh: Tiến Hùng |
Kết quả xét nghiệm những người liên quan sau đó đã phát hiện thêm nhiều ca bệnh, không chỉ tập trung ở TP. Vinh mà còn lan ra các huyện lân cận. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh quyết định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP. Vinh kể từ 0h ngày 17/8. Tuy nhiên, số ca bệnh những ngày sau đó liên tục tăng cao, ngày 21/8, tỉnh Nghệ An thậm chí phải quyết định thành lập cùng lúc 2 bệnh viện dã chiến. Cũng trong ngày 21/8, Nghệ An ghi nhận kỷ lục về số ca bệnh, với 92 trường hợp, trong đó 33 ca cộng đồng, chủ yếu tập trung ở TP. Vinh. Trong số các ca bệnh, có trường hợp lịch sử tiếp xúc rất phức tạp vì làm nghề shiper…
Giám đốc Sở Y tế nhiều đêm thức trăng cùng các nhân viên để chỉ đạo công tác chống dịch. Ảnh: Thành Chung |
"Ai ở đâu, ở yên đó"
Trong cuộc họp chiều 22/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thống nhất với đề xuất nâng cao biện pháp cách ly xã hội đối với địa bàn TP. Vinh trên một mức so với Chỉ thị 16, với tinh thần là yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, kiên quyết yêu cầu: “ai ở đâu ở yên đó”. Thời gian thực hiện trước mắt là 7 ngày, tính từ 0h ngày 23/8. Ngay sau khi nhận được thông tin, tối cùng ngày hàng trăm người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng dự trữ, dẫn đến cảnh chen lấn, nguy cơ lây nhiễm cao.
Tính đến thời điểm đó, sau một tuần phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở chợ đầu mối Vinh, toàn tỉnh đã phát hiện thêm hơn 400 ca nhiễm, trong đó gần một nữa là phát hiện trong cộng đồng, tập trung chủ yếu vẫn là ở TP. Vinh.
TP. Vinh vắng lặng trong những ngày giãn cách. Ảnh: Đức Anh |
Mục đích của biện pháp thắt chặt này là để cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ngay sau khi yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó” được đưa ra, chiến dịch lấy mẫu diện rộng lần thứ 1 ở TP. Vinh được bắt đầu. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã huy động 152 nhân viên y tế sang TP. Vinh hỗ trợ công tác lấy mẫu. Chiến dịch này đã lấy được mẫu của gần 290.000 người dân, qua đó phát hiện hơn 30 ca nhiễm. Cũng thông qua chiến dịch này mới phát hiện, tổng số người dân đang cư trú, tạm trú trên địa bàn TP. Vinh lúc này chỉ có hơn 300.000 người, không phải hơn 500.000 như ước tính trước đó. Nguyên nhân bởi phần lớn các sinh viên, lao động tạm trú… ở TP. Vinh đã về quê tránh dịch trước đó ít ngày.
Lúc đầu, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh dự kiến chỉ thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” trong vòng 7 ngày để xét nghiệm diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, do kết quả xét nghiệm phát hiện thêm nhiều F0 nên phải liên tục gia hạn thêm thời gian thắt chặt. Mãi đến 0h ngày 6/9, TP. Vinh mới được chuyển trạng thái xuống Chỉ thị 16, sau tròn 2 tuần áp dụng các biện pháp cao hơn Chỉ thị 16. (Ngoại trừ 2 phường Vinh Tân, Hồng Sơn và 35 khối xóm có nhiều F0 vẫn phải áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16).
Động thái này diễn ra sau khi kết quả lấy mẫu diện rộng đợt 3 cho 320.000 người dân TP. Vinh chỉ phát hiện 17 ca nhiễm. Đến lúc này, sau 3 đợt lấy mẫu diện rộng, TP. Vinh đã bóc tách được hơn 100 F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh vào thời điểm này, các F0 trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Chính vì thế mà mặc dù đã chuyển trạng thái xuống Chỉ thị 16 nhưng người dân TP. Vinh (ngoại trừ xã Hưng Hòa), vẫn phải ở yên trong nhà, các chợ dân sinh chưa được mở... Trong khi đó, các nhân viên y tế tiếp tục lấy mẫu thêm nhiều đợt diện rộng.
TP. Vinh vừa trải qua 39 ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Sách Nguyễn |
Hơn 1.800 người bị xử phạt
Đến 0h ngày 13/9, TP. Vinh được chuyển trạng thái qua giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, nhiều điểm chốt vẫn được duy trì, người dân vẫn được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà trong trường hợp không cần thiết, các quán hàng vẫn chưa được phép mở cửa trở lại. Các chợ dân sinh chỉ mở cửa lần lượt, với nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Hàng chục người dân vẫn bị lập biên bản xử phải mỗi ngày vi vi phạm quy định phòng chống dịch.
Đến nay, TP. Vinh đã tiến hành tổng cộng 6 đợt lấy mẫu diện rộng, trong đó có 2 đợt lấy mẫu cho người dân toàn thành phố. 4 đợt còn lại chỉ tập trung ở những vùng nguy cơ cao, xuất hiện nhiều F0. Trong đợt lấy mẫu diện rộng lần thứ 6 được tiến hành vào ngày 16/9, kết quả cho thấy, trong số gần 12.000 mẫu được lấy không có ca nhiễm nào. Ngày 16/9 cũng là ngày gần nhất, TP. Vinh phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, đó là 4 thành viên trong một gia đình ở chung cư HTX Trung Đô…
TP. Vinh đã 6 lần xét nghiệm diện rộng trong đó lần thứ 6 không phát hiện ca nhiễm nào. Ảnh: Tiến Hùng |
Tính từ ngày 14/8 đến nay, TP. Vinh đã phát hiện 544 ca nhiễm Covid-19 ở 23 phường, xã. Có 93 trong tổng số 326 khối, xóm xuất hiện F0. 2 phường, xã không phát hiện ca bệnh là phường Hưng Phúc và xã Hưng Hòa. Phường có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất là Vinh Tân với 79 ca, phường Hồng Sơn 74 ca, Nghi Phú 65 ca, Hưng Bình 48 ca…
Hơn 1.800 người bị xử phạt từ ngày 14/8 đến nay, với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Hùng |
Trong số các ca nhiễm, có 168 người được xác định có nguồn lây từ chợ đầu mối Vinh, 140 người nguồn lây từ chợ Quang Trung. (Trên thực tế, các ca nhiễm ở chợ Quang Trung cũng bắt nguồn từ chợ đầu mối Vinh). Ngoài ra, có 13 người có nguồn lây từ các chợ khác. 212 người nhiễm Covid-19 không rõ nguồn lây…
Cũng tính từ ngày 14/8, trên địa bàn TP. Vinh xử phạt 1.872 trường hợp, với tổng số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Riêng trong ngày 23/9, ngày cuối cùng TP. Vinh giãn cách xã hội, đã xử phạt 26 người, với tổng số tiền hơn 44 triệu đồng.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Bên cạnh nỗ lực khống chế thành công dịch bệnh, công tác chống dịch lần này của TP Vinh đã để lại nhiều bài học quan trọng. Tại cuộc họp chiều 24/8, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã phải dành khá nhiều thời gian để phân tích một số vấn đề trong công tác chống dịch ở thành phố Vinh.
Theo đó, các văn bản hướng dẫn của TP Vinh chưa đồng bộ, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Việc tổ chức xét nghiệm tầm soát để bóc tách F0 ra cộng đồng là nhiệm vụ ưu tiện số 1 nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những lúng túng. tương tự là công tác đưa F0 đi điều trị.... Người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải rà soát quy trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng phàn nàn vì các văn bản về kế hoạch, phương án của TP Vinh ban hành quá dài dòng, khó hiểu. Trong một cuộc họp, ông Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Vinh đã phải nhắc nhở, yêu cầu Trung tâm chỉ huy phòng chống Covid-19 thành phố phải ban hành kế hoạch, phương án gọn gàng, rõ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng này sau đó vẫn không cải thiện. Đặc biệt là sau mỗi lần chuyển trạng thái là những bản kế hoạch dài trang, trong đó có nhiều nội dung không mới; một số văn bản vừa ban hành đã phải điều chỉnh...
Đồng chí Phan Đức Đồng kiểm tra công tác chống dịch. Ảnh: Q.A |
Mặc dù đã kiểm soát được dịch, nhưng PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, thời gian tới dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ địa phương nào. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch trên cả nước vẫn rất phức tạp, vẫn còn tình trạng người dân trở về từ các địa phương có dịch bằng đường bộ.
Ông đề nghị các đơn vị y tế tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không buông lỏng việc lãnh đạo trong phòng chống dịch. Phải xây dựng các kịch bản phù hợp với từng địa bàn, xác định mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Phát huy tối đa vai trò của tổ COVID cộng đồng, tổ tự quản trên địa bàn trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ di biến động về cư trú, lưu trú của người dân, phương tiện ra vào địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch theo quy định...