Tìm sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số Kỳ Sơn
(Baonghean.vn) - Chiều 21/9, UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp Quỹ Môi trường toàn cầu, Liên hợp quốc tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Dự án "Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại huyện Kỳ Sơn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An".
Tham dự có bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc; ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Sở Du lịch, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và các địa phương thực hiện dự án.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang An |
Dự án được triển khai trên địa bàn 2 xã Mường Lống và Mỹ Lý với mục tiêu nâng cao ý thức về bảo vệ rừng cho đồng bào vùng cao huyện Kỳ Sơn, song song với đó triển khai các mô hình đào tạo, sinh kế cho người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bà Lầu Y Dếnh, chủ mô hình homestay tại xã Mường Lống trình bày những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án. Ảnh: Quang An |
Sau 1 năm thực hiện dự án với sự tư vấn, tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm, sự tích cực của Ban Điều hành, sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự hưởng ứng của người dân 2 xã Mường Lống và Mỹ Lý, dự án đã triển khai được nhiều chương trình, mô hình thiết thực.
Ban Điều hành dự án đã tổ chức 4 cuộc truyền thông về dự án tại 4 bản của 2 xã Mường Lống và Mỹ Lý với 100 người tham gia. Tổ chức 8 lớp tập huấn cho 375 lượt người tham dự. Trong đó, 2 lớp tập huấn, tọa đàm nâng cao nhận thức quản lý bảo vệ rừng, thực thi Luật Lâm nghiệp, giao đất, giao rừng cho cán bộ xã và thôn, bản của 2 xã mỗi lớp có 40 đại biểu tham dự; 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo cho hộ gia đình tại 2 xã, mỗi lớp có 50 đại biểu tham dự...
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho rằng, công tác bảo vệ rừng của đồng bào vùng cao được nâng lên khi thực hiện dự án. Ảnh: Quang An |
Ngoài ra, Ban Điều hành cũng lựa chọn 35 hộ tham gia mô hình phục tráng cây đào, mận, được hướng dẫn kỹ thuật cung cấp phân bón, kéo cắt cành, thuốc bảo vệ thực vật; 10 hộ tham gia mô hình phát triển gà đen theo hướng OCOP, hỗ trợ 1.000 con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc; 10 hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ vật tư.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng được dự án triển khai đồng bộ với 6 hộ xây dựng Homestay nâng thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/hộ/tháng. Công tác truyền thông quảng bá du lịch được đẩy mạnh, thu hút hơn 3.000 khách đến Mường Lống và Mỹ Lý trong năm qua.
Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, mô hình của dự án đã giúp nâng cao ý thức bảo vệ rừng của đồng bào vùng cao, đồng thời, các mô hình sinh kế cũng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế của bà con, giảm thiểu việc sản xuất, chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả sang các phương pháp khoa học, góp phần tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp rõ rệt; chú trọng phát triển du lịch bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An |
Mặc dù vậy, quá trình triển khai dự án cũng gặp nhiều hạn chế, như một số hoạt động của dự án chậm tiến độ, do tính chất công việc chồng chéo. Một số hoạt động chưa có sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Việc giao đất, giao rừng đang gặp khó khăn do có sự sai lệch giữa thực địa và bản đồ. Một bộ phận người dân thực hiện dự án đang có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ý thức tự lập chưa cao...
Tại hội nghị, đại diện người dân, các hộ gia đình tại 2 xã Mường Lống, Mỹ Lý đã trình bày các tham luận, trong đó, tập trung vào những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dự án trong thời gian qua, những thắc mắc của bà con nhân dân đều được các chuyên gia, chính quyền địa phương, ban điều hành dự án thảo luận, giải đáp kịp thời.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của dự án trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cùng nhân dân trên địa bàn trong 1 năm thực hiện dự án.
Mô hình phục tráng cây đào, mận giúp các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt, thu hút khách du lịch. Ảnh: UBND huyện Kỳ Sơn |
Đồng thời, mong muốn các thành viên ban điều hành phát huy tinh thần, trách nhiệm, phối hợp nhuần nhuyễn, giữ tinh thần đoàn kết, cộng sự để cùng khắc phục khó khăn, thực hiện thành công các chương trình của dự án trong thời gian tới. Cán bộ địa phương các xã chủ động huy động các nguồn lực của địa phương để xây dựng cảnh quan sinh thái, tinh thần cầu thị, tiếp thu kiến thức để phát triển sinh kế cho bà con nhân dân. Địa phương cũng cần tăng cường kết nối với các hiệp hội du lịch, Sở Du lịch để duy trì lượng du khách ổn định hàng năm. Đối với các hộ dân được trực tiếp nhận hỗ trợ từ dự án cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, lan tỏa cho các hộ dân khác...