'Tâm thư' của cô giáo trường THPT chuyên Đại học Vinh: Điểm 10 không có lỗi, lỗi tại 'quy trình'

Mỹ Hà 27/05/2019 16:36

(Baonghean.vn) - Những bài thi điểm 9, điểm 10 không còn là quá hiếm ở trong các trường học hiện nay. Thế nhưng, đâu là điểm 9, điểm 10 thực chất, đâu là điểm 9, điểm 10 theo “quy trình"

Đây cũng là điều mà cô giáo Nguyễn Khánh Ly - giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Vinh trăn trở và chia sẻ lên trang cá nhân của mình với nhan đề “Điểm 9, 10 có nên là 1 phần trong hệ thống mục tiêu, động lực, niềm khao khát... của những đứa trẻ???”.

Báo Nghệ An xin giới thiệu lại bài viết này

Cá nhân mình, một cách thành thật và dứt khoát, luôn mong muốn con hướng đến và nỗ lực để đạt được điểm 9, 10 trong kỳ thi.

Bản thân điểm 9, 10 là một trong những thước đo để đánh giá kết quả con đã đạt được sau một hành trình cố gắng, chinh phục các môn học. Nó là phần thưởng, là thông điệp con đã hoàn thành tốt, nỗ lực của con đã được ghi nhận. Con ko phải người hoàn hảo nhưng hoàn toàn có thể đạt được điều hoàn hảo nếu quyết tâm và chăm chỉ.

Tại sao lại không vui, không trân trọng nhỉ?.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường thực hành Sư phạm Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường thực hành Sư phạm Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Thích điểm 10 không phải lúc nào cũng là biểu hiện của bệnh thành tích, của thói quen khoe mẽ, hình thức - nếu nó là điểm 10 thực chất. Ngày mình đi học, điểm 9, 10 luôn dành cho những bạn xuất sắc nhất. Mình ngưỡng mộ các bạn lắm và thực tế những bạn ấy giờ đều rất thành công, sống rất tốt và vui vẻ.

Mình không thấy bạn nào được điểm 10 mà bị stress hay trở thành người gian dối, khoe mẽ cả! Bây giờ, điểm 10 cũng khiến con mình vui, tíu tít cả ngày...

Ai bảo điểm 10 không mang lại niềm vui, hạnh phúc?.

Vì yêu quý điểm 10 như thế nên mình rất không hài lòng với cách cho điểm 10 ban phát, "phổ cập" dễ dãi như hiện nay. Cả lớp đồng loạt điểm 10 - đồng nghĩa rằng bạn nào cũng giỏi nhất, nỗ lực nhất và khả năng như nhau.

Trong giáo dục, không bao giờ có hiện tượng đồng loạt như thế vì khả năng, sở trường của mỗi người là khác nhau, mức độ nỗ lực lại càng khác. Trừ khi để đạt được điều ấy, các con đã cùng được luyện một vài bài Toán mẫu giống nhau, một vài bài Văn mẫu giống nhau và đọc thuộc bài đọc tiếng Anh cô giới hạn trong một vài trang sách. Đó là "quy trình sản xuất" điểm 10 - không phải là hành trình chinh phục điểm 10.

Quy trình ấy làm cho điểm 10 trở thành vô duyên, vô nghĩa! Mình cảm giác như sự nỗ lực của con bị rẻ rúng, bị phản bội. Nó làm cho một số phụ huynh nhầm tưởng về khả năng của con và một số khác cảm thấy thất vọng, bực bội, ê mặt vì con mình quá kém cỏi - dù bài con chỉ sai một, hai lỗi và đạt điểm 8, 9!.

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Nghi Liên. Ảnh: Mỹ Hà
Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Nghi Liên (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Từ lúc nào mà điểm 5, 6, 7 bị tuyệt chủng trong nấc thang đánh giá? Từ lúc nào 10 là bình thường, 9 là kha khá và 8 là yếu kém? Từ lúc nào điểm 10 bị ghét bỏ, khinh thường, lên án?

Điểm 9, 10 vẫn nên là khao khát và động lực, niềm vui của con trẻ trong học tập. Tất nhiên, ngoài niềm vui đó, con sẽ có muôn vàn niềm vui khác. Ngoài động lực đó, con sẽ có muôn vàn động lực khác. Và tất nhiên rằng, kể cả con không đạt được điểm 9, 10 trong môn học thì con vẫn có thể đạt được thành tích ở những lĩnh vực khác.

Ngay cả khi con không đạt được thành tích tốt nhất ở bất kỳ lĩnh vực nào khác thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Vì đa số chúng ta đều bình thường. Bố mẹ cũng thế thôi.

Không đạt được điểm 10 là điều rất rất bình thường. Nhưng khao khát đạt được điểm 10, niềm vui đạt được điểm 10, sự trân trọng đối với điểm 10... là điều nên có.

Vì vậy, hãy trả điểm 9, 10 trở lại vị trí xứng đáng của nó để người đạt được không cảm thấy thờ ơ hay hổ thẹn. Đừng khuyên con "bằng mọi giá có điểm 10" nhưng cũng đừng nói với con rằng "con không cần điểm 10". Mình vẫn sẽ thích nói với con rằng: Hãy đạt điểm 10 bằng sự nỗ lực và trung thực của con! Khi ấy, mẹ sẽ vui và tự hào lắm! Thật lòng đấy!

Cô giáo Khánh Ly (áo đỏ, ở giữa) cùng các học trò. Ảnh: NVCC
Cô giáo Khánh Ly (áo đỏ, ở giữa) cùng các học trò. Ảnh: NVCC


Cô giáo Nguyễn Khánh Ly hiện đang là giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh.

Khi chia sẻ bài viết này, chị bảo đứng trên góc độ của một người mẹ đang có con học tiểu học.

Về phía chị, dù đang dạy trường chuyên nhưng chị không quá nhiều áp lực về điểm số, các bài học chấm khá thực tế và thậm chí có những bạn chỉ đạt 2 điểm.

Chị cũng nói rằng, với môn Văn không có điểm thật cao, điểm 8 và 8,5 là dành cho những bài viết xuất sắc. Riêng với những trường hợp đặc biệt, chị vẫn linh động cho điểm 9, điểm 10 nhưng thông qua kiểm tra miệng hoặc bài kiểm tra 15 phút.

Còn với những bài thi quan trọng giáo viên phải chấm thật kỹ để học sinh thấy được lỗi sai của mình và cùng tiến bộ.

Mới nhất

x
'Tâm thư' của cô giáo trường THPT chuyên Đại học Vinh: Điểm 10 không có lỗi, lỗi tại 'quy trình'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO