Trang nghiêm, thành kính Lễ hội Đền vua Mai

13/02/2014 18:22

(Baonghean.vn) - Mùa xuân là mùa của lễ hội. Mở đầu cho lễ hội năm 2014 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trong cả nước là lễ hội Đền vua Mai. Lễ hội Đền vua Mai năm 2014 chính thức được khai mạc sáng 13/02 (tức ngày 14 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ) tại khu lăng mộ vua Mai thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách hòa cùng với lễ hội.

Mưa rây rắc, giá buốt nhưng ngay từ sáng sớm trên nhiều ngã đường Nam Đàn hướng về khu lăng mộ vua Mai dưới núi Đụn Sơn, xã Vân Diên (huyện Nam Đàn), dòng người vẫn nối nhau tìm về. Miệng móm mém nhai trầu, cụ Nguyễn Thị Thanh, 75 tuổi, ở xã Vân Diên, nói: “Hôm nay chính lễ Đền vua Mai nên 5 giờ sáng tôi và cùng cháu con đã thức dậy để chuẩn bị để đến lễ hội sớm. Đến đây tôi thấy không khí vui nhộn, nhiều cụ hơn tuổi tôi, có cả các cháu học sinh và nhỏ hơn nữa đều rất háo hức đón chào ngày hội truyền thống trên quê nhà”. Từ các đồng chí lãnh đạo huyện, các bộ phận phụ trách đón tiếp, nghi lễ đến các diễn viên không chuyên trong đội văn nghệ quần chúng, đội múa lân, múa rồng, đội rước cũng có mặt từ rất sớm tham gia phục vụ cho khai mạc lễ hội Đền vua Mai năm 2014 thành công.

Lễ rước từ 4 di tích đến Khu lăng mộ Vua Mai
Lễ rước từ 4 di tích đến Khu lăng mộ Vua Mai

Đông đảo nhân dân đội mưa dự lễ hội.
Đông đảo nhân dân đội mưa dự lễ hội.

Tại sân trước khu lăng mộ vua Mai ở núi Đụn – nơi tổ chức lễ khai mạc lễ hội Đền vua Mai năm 2014, đông đảo người dân và du khách tề tựu chứng kiến chương trình khai mạc lễ hội. Thông qua các hoạt động rước kiệu từ 4 di tích trong quần thể khu di tích vua Mai từ Nam Thái, thị trấn, xã Nam Thượng về khu lăng mộ vua Mai; màn trống hội, múa rồng, múa lân... đã thực sự góp phần tái hiện lại hào khí khởi nghĩa Hoan Châu cách đây 13 thế kỷ. Diễn văn khai mạc lễ hội và bài Văn tế được xướng lên tại lễ khai mạc đã đưa những người có mặt tại lễ hội được quay trở về với lịch sử, với những âm vang hào hùng trong khởi nghĩa Hoan Châu của người anh hùng Mai Thúc Loan và các tướng lĩnh, lập nên nước Vạn An độc lập trong 10 năm (713 – 722). Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã đi vào lịch sử Việt Nam, là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của thời kỳ chống ách đô hộ nhà Đường, là một mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc. Ghi tạc công lao của Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh, nhân dân địa phương đã lập đền thờ và hàng năm, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng lại náo nức tổ chức lễ hội Đền vua Mai.

Lễ hội Đền vua Mai là một lễ hội lịch sử và văn hóa được tổ chức để tôn vinh, tưởng nhớ công ơn anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan. Ông Thái Văn Nông – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, khẳng định: “Công đức của vua Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh không chỉ trường tồn thông qua lịch sử, các hoành phi, câu đối, thần phả, bia đá và các đồ tế khí sơn son thiếp vàng hay những “mỹ tự” ở các sắc phong ở các điện thờ trong các di tích mà chủ yếu là sự “ăn sâu bén rễ” trong tâm thức của các tầng lớp nhân dân ở Nam Đàn qua lễ hội Đền vua Mai được tổ chức hàng năm. Lễ hội Đền vua Mai được tổ chức hàng năm là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta, khẳng định sức sống trường tồn của lịch sử, làm hành trang cho các lớp lớp thế hệ tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đồng thời thông qua lễ hội Đền vua Mai góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa dân gian đặc sắc của xử Nghệ nói chung và Nam Đàn nói riêng”.

Lễ đại tế được tổ chức theo nghi thức truyền thống.
Lễ đại tế được tổ chức theo nghi thức truyền thống.

Tại lễ hội Đền vua Mai năm 2014, ngoài các hoạt động biểu thị tấm lòng tri ân thành kính của các tầng lớp nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và các tướng lĩnh thông qua các phần lễ như khai mạc lễ hội, Văn tế, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ, có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân như hội vật, đu tiên, chọi gà, cờ thẻ.... Ông Hà Hiền, 80 tuổi, hiện đang sinh sống tại Nha Trang có mặt trong lễ hội, chia sẻ: “Tôi quê ở Vinh, xa quê mấy chục năm, lần này về quê, thông qua người bà con tôi biết Nam Đàn mở hội Đền vua Mai và bắt taxi lên đây. Được hòa mình vào không gian của lễ hội, trong tôi trào dâng bao cảm xúc khó tả. Tôi thật sự rất vui và rất ấn tượng với lễ khai mạc thật trang nghiêm và hoành tráng”. Còn đối với ông Nguyễn Văn Nhật, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã cảm nhận về không gian, vị trí của lăng và mộ vua Mai được đặt nơi khí thiêng sông núi, lưng tựa vào núi Hùng Sơn (núi Đụn), mặt hướng ra sông Lam, “thế đất voi phục, rồng chầu” rất linh thiêng. Vì thế, đầu Xuân năm mới, ông thường về tham gia lễ hội để thắp hương xin vua Mai phù hộ.

TIN LIÊN QUAN

Lễ hội Đền vua Mai năm 2014 không chỉ thu hút các tầng lớp nhân dân ở Nam Đàn và các huyện phụ cận mà còn thu hút đông đảo du khách ở trên mọi miền Tổ quốc. Ông Đinh Văn Hiến, ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi về tham gia lễ hội Đền vua Mai, thật sự xúc động khi chứng kiến nhân dân và du khách thập phương đội mưa về dự hội. Điều này cũng cho thấy sự thành tâm của nhân dân tưởng nhớ đến công ơn của vua Mai và các tướng lĩnh”. Ông Hiến cũng chia sẻ những trăn trở của mình, đó là, để lễ hội Đền vua Mai thực sự phát triển hơn nữa thì cần phải nâng cấp lễ hội lên thành lễ hội cấp tỉnh, đồng thời cần phải quảng bá, tạo sức lan tỏa của lễ hội để đông đảo nhân dân cả nước biết đến, chứ không chỉ bó hẹp trong địa bàn huyện Nam Đàn và các vùng phụ cận, xứng đáng với công lao đóng góp của Mai Thúc Loan và các tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu; đồng thời để giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của vùng quê xứ Nghệ cũng như quảng bá, giới thiệu cụm di tích Mai Hắc Đế và tiềm năng du lịch Nam Đàn – vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Minh Chi

Mới nhất

x
Trang nghiêm, thành kính Lễ hội Đền vua Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO