Tự hào thôn mang tên ngày Quốc khánh
(Baonghean.vn) - Tại huyện Con Cuông có những thôn được mang tên ngày Quốc khánh 2-9. Vinh dự, tự hào với tên gọi đó, cán bộ và nhân dân các thôn này luôn nỗ lực phấn đấu góp sức vào xây dựng quê hương.
Vùng quê kiểu mẫu
Đến thôn 2-9, xã Bồng Khê (Con Cuông) ấn tượng đầu tiên là những đường hoa, cây cảnh sạch sẽ, râm mát, hệ thống cơ sở vật chất nhà văn hóa khang trang, có cả sân khấu biểu diễn ngoài trời; cổng chào chính và phụ được xây dựng độc đáo với những dòng chữ ấn tượng “quê hương tình sâu - nghĩa nặng”, “đất nước mạnh giàu dân no ấm - an ninh vững chắc thôn, xóm bình yên”. Bên cạnh đó là những đồi chè trải dài xanh mướt, những vườn cam xen chè, bưởi xen chè trĩu quả…
Những vườn chè xanh mướt ở thôn 2-9, xã Bồng Khê (Con Cuông). Ảnh: K.L |
Nói về tên gọi đầy ý nghĩa của thôn, ông Nguyễn Đình Tâm - Bí thư Chi bộ thôn 2-9, xã Bồng Khê cho hay: Thôn vốn là 1 đội của Nông trường Quân đội sau chuyển thành Nông trường quốc doanh Bãi Phủ.
Hồi đó có chủ trương lấy các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước đặt cho các đội sản xuất nên được mang tên đội 2-9. Đến năm 1997, đội 2-9 chuyển về xã Bồng Khê quản lý thành thôn 2-9. Người dân trong thôn chủ yếu là công nhân nông trường dưới xuôi lên, đến từ nhiều địa phương khác nhau (Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu…).
Ông Nguyễn Đình Tâm- Bí thư Chi bộ thôn 2-9 là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế. |
Phát huy truyền thống cách mạng, tiên phong, gương mẫu của giai cấp công nhân, người dân thôn 2-9 chăm chỉ, cần cù lao động, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều nhà bỏ 14-15 triệu đồng để làm đường điện, đầu tư hệ thống tưới để phát triển các mô hình chè xen cam, chè xen bưởi, chống hạn vào mùa nắng nóng.
Hiện thôn có diện tích đất nông nghiệp hơn 81 ha, trong đó, có 15 ha chè, 10 ha cam, bưởi, quýt, ổi sạch, 7 ha mía, 48 ha ngô sinh khối, ngoài ra, còn trồng đậu, cà, bầu, bí, lạc, mùa nào, thức nấy.
Người dân thôn 2-9, xã Bồng Khê (Con Cuông) tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Ảnh: K.L |
Bên cạnh đó, người dân đẩy mạnh chăn nuôi với đàn trâu, bò 44 con, đàn gia cầm 3.650 con, cùng các ngành nghề dịch vụ. Nhờ đó, thôn đạt mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng mà theo lời Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bồng Khê Lê Thanh Hải là “mức thu nhập khá nhất trong xã với số hộ khá giàu hơn 64%, không có hộ nghèo và hộ cận nghèo”.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, người dân thôn 2-9 còn đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng NTM nâng cao. Ví như để nâng cao tiêu chí về môi trường, khắc phục tình trạng ngập lụt khi mưa, bão về, cán bộ thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động các hộ có mương thoát nước đi qua vườn nhà giải tỏa công trình, cây cối, các vật liệu đất đá bồi đắp, tạo điều kiện đưa máy móc vào nạo vét 640/814m chiều dài.
Người dân thôn 2-9, xã Bồng Khê đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: K.L |
Đồng thời, vận động 5 tổ liên gia thi đua xây dựng đường hoa, cây cảnh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện đã có 217 bình hoa đặt trên 1.473m trục đường chính và 1.000m đường hoa tự nhiên trồng trước nhà. Người dân thôn 2-9 cũng đóng góp 130 triệu đồng để nâng cấp sân vận động thôn với khuôn viên 2.500 m2.
Cùng với phát triển kinh tế, người dân thôn 2-9, xã Bồng Khê luôn có ý thức vun đắp tình làng, nghĩa xóm, hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn thôn, xóm bình yên. Thôn có tổ an ninh cựu chiến binh cùng công an thường xuyên tuần tra định kỳ và đột xuất, kịp thời trấn áp các đối tượng xấu, có CLB phòng, chống ma tuý gồm 17 thành viên hoạt động tích cực, không để tệ nạn xâm nhập vào địa bàn.
Người dân thôn 2-9, xã Bồng Khê luôn hướng về quê hương. Ảnh: K.L |
Theo chia sẻ của lãnh đạo thôn 2-9: Đón Tết Độc lập năm nay người dân hân hoan, phấn khởi hơn vì hiện nay thôn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí NTM nâng cao đang chờ thẩm định.
Đã thành thông lệ, vào dịp Tết Độc lập, người dân trong thôn lại náo nức biểu diễn văn nghệ ở sân khấu chính trong khuôn viên nhà văn hóa và thi đấu bóng chuyền, con cháu đi xa cũng về tụ họp, sum vầy trong không khí ấm áp, vui vẻ.
Biến đất hoang thành ruộng vườn trù phú
Cũng mang tên ngày Quốc Khánh, thôn 2-9 của xã Châu Khê có 136 hộ, 625 nhân khẩu gốc huyện Nam Đàn lên lập nghiệp, định cư theo chủ trương làm kinh tế mới của Đảng, Nhà nước từ năm 1961. Những lao động trẻ, các hộ gia đình đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này đúng vào ngày Quốc khánh của đất nước nên đặt tên là thôn 2-9.
Đường vào thôn 2-9, xã Châu Khê (Con Cuông). Ảnh: K.L |
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, người dân đã chăm chỉ, cần cù “cày sâu, cuốc bẫm” biến vùng đất hoang trở thành thôn, bản trù phú, cuộc sống ngày càng no ấm. Năm 2001, thôn đạt danh hiệu Làng Văn hóa, đến năm 2018 thì đạt chuẩn NTM và hiện đang xây dựng NTM nâng cao.
Theo Bí thư Chi bộ Phạm Thị Hòa: Kết quả này có được là nhờ tinh thần đoàn kết trên dưới đồng lòng của chi ủy, ban chỉ huy xóm và người dân với quyết tâm “bén rễ, xanh cây” tại mảnh đất này.
Cán bộ thôn 2-9 chia sẻ về tình hình xây dựng NTM nâng cao. Ảnh: K.L |
Hiện nay, toàn thôn 2-9 của xã Châu Khê có 15 ha sắn, 16 ha lúa nước, 2 ha ngô, 104 ha mét, 80 ha keo (riêng năm 2022 trồng mới 30 ha). Đặc biệt, trong vài năm gần đây người dân đã dần chuyển từ trồng mía sang trồng 4 ha cà gai leo với khoảng 40 hộ tham gia. Phong trào chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo ở thôn cũng phát triển mạnh với 350 con bò, 75 con trâu. Trong đó, có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn như gia đình anh Lê Văn Hậu với 7 con bò sinh sản và vỗ béo; anh Nguyễn Văn Hợi với 5 con trâu, 2 con bò. Bên cạnh đó, thôn 2-9 hiện có 50 lao động đang đi làm việc ở nước ngoài.
Nhờ vậy, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, môi trường phong quang, sạch, đẹp, tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, an ninh được đảm bảo, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh.
Vài năm gần đây, người dân thôn 2-9 bắt đầu chuyển hướng từ trồng mía sang trồng cà gai leo cho thu nhập cao. Ảnh: K.L |
Trưởng thôn 2-9, xã Châu Khê Phan Đình Thuận cho biết: Thôn đang ra sức xây dựng NTM nâng cao. Khởi động bằng việc vận động người dân hiến đất, hiến tài sản (cây cối) mở rộng đường giao thông từ 2,4m lên 4,5m; tận dụng nguồn xi măng xã hỗ trợ làm 171m mương có nắp đậy đảm bảo việc tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường, trong đó, dân góp ngày công và 28 triệu đồng tiền cát, sỏi…
“ Mọi việc cứ công khai, minh bạch và phát huy dân chủ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì sẽ đồng tâm nhất trí thôi. Như cụm đường cờ ở trục đường chính cũng do chi đoàn thôn vận động kinh phí hơn 30 triệu đồng từ con em đi xuất khẩu lao động xây dựng thành công trình thanh niên đấy”- Trưởng thôn 2-9, xã Châu Khê Phan Đình Thuận nhấn mạnh.
Chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo là một trong những hướng đi của người dân thôn 2-9, xã Châu Khê. Ảnh: K.L |
Về thôn 2-9, xã Châu Khê những ngày Thu này, không chỉ thấy nét yên bình với ruộng vườn xanh mướt, xóm ngõ phong quang... mà còn thấy không khí rộn ràng đón chào ngày Quốc Khánh của quê hương, đất nước. Nhà văn hóa cộng đồng, sân bóng đá, bóng chuyền được sửa soạn, chỉnh trang với băng rôn, khẩu hiệu để đón mừng Ngày Tết Độc lập.
Thôn 2-9, xã Châu Khê (Con Cuông) đón Bằng chuẩn quốc gia nông thôn mới. Ảnh tư liệu: Tường Vi |
Dường như với người dân các thôn vinh dự được mang tên ngày Quốc Khánh trên địa bàn huyện Con Cuông, niềm vui, niềm tự hào mỗi dịp đón Tết Độc lập được nhân lên rất nhiều lần. Đó cũng là động lực để người dân tiếp nối truyền thống, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.