Xây dựng Đảng

Tự hào truyền thống 555 năm Hưng Nguyên, nỗ lực cho hiện tại và tương lai

Mai Hoa 10/09/2024 11:30

Năm Kỷ sửu 1469, vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính, tên gọi Hưng Nguyên chính thức ra đời. Kể từ khi có tên Hưng Nguyên đến nay tròn 555 năm (1469 - 2024) với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử; con người và mảnh đất này đã kiên cường vượt lên và vươn lên đi cùng và phát triển cùng quê hương, đất nước.

555hungnguyen-cover.png

Năm Kỷ sửu 1469, Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính, tên gọi Hưng Nguyên chính thức ra đời. Kể từ khi có tên Hưng Nguyên đến nay tròn 555 năm (1469 - 2024) với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử; con người và mảnh đất này đã kiên cường vượt lên và vươn lên đi cùng và phát triển cùng quê hương, đất nước.

Mai Hoa • 10/09/2024

Tự hào truyền thống

Từ xa xưa, vùng đất Hưng Nguyên đã có người Việt cổ sinh sống. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi về địa giới hành chính, về tên gọi; đến năm Kỷ Sửu 1469, khi Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ định lại bản đồ cả nước, tên Hưng Nguyên ra đời. “Hưng” nghĩa là phát triển, thịnh vượng và “Nguyên” là khởi đầu. Trong thực tiễn, mảnh đất này có vị thế quan trọng; nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của lỵ sở trấn Nghệ An; thuận lợi đường sông trong phát triển giao thương với Nhật Bản, Trung Hoa. Nơi đây từ hơn 5 thế kỷ trước được Vua Lý Thái Tổ mở trại định phiên; Vua Lý Thánh Tông dựng hành cung; Hoàng đế Quang Trung dừng chân trước khi tiến quân ra Bắc…

Đây cũng mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của các danh nhân, nhà cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; nhà cách mạng Phạm Hồng Thái; Thượng thư Đinh Bạt Tụy; nhà canh tân yêu nước Nguyễn Trường Tộ… Mảnh đất Hưng Nguyên là “cội nguồn” của 3 vĩ nhân: quê ngoại thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh; quê tổ Hoàng đế Quang Trung và chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Khu lưu niệm đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Hưng Nguyên cũng là một trong những cái nôi cách mạng trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Sự kiện cuộc biểu tình của hàng vạn nông dân Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 là đỉnh cao của cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, để lại mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với hàng vạn người con lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường, những người ở lại hậu phương cũng đã tích cực sản xuất cung cấp lương thực cho tiền tuyến và phối hợp các lực lượng tham gia chiến đấu chống lại sự đánh phá của đế quốc Mỹ hòng chặt đứt đường dây tiếp tế từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam đi qua địa bàn Hưng Nguyên.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q
Huyện Hưng Nguyên đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong dịp kỷ niệm 550 năm danh xưng Hưng Nguyên, năm 2019. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nỗ lực cho hiện tại

Tự hào với truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và niềm tin về ý nghĩa tên gọi Hưng Nguyên là “ngọn nguồn, chảy mãi, hưng thịnh và phát triển” đã thôi thúc lớp lớp cán bộ, đảng viên, người dân Hưng Nguyên bền gan, vững chí, nỗ lực đưa quê hương phát triển.

Nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở huyện Hưng Nguyên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự nỗ lực cao, quyết tâm chính trị lớn thời gian qua là đích đến huyện nông thôn mới. Theo đó, ngoài trách nhiệm ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, từng lãnh đạo huyện phụ trách lĩnh vực và các phòng, ban, đơn vị cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã bám địa bàn, bám từng nội dung tiêu chí cụ thể để chỉ đạo; chú trọng những nội dung, địa bàn khó khăn để huy động tổng lực sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên trao đổi với nhà thầu về đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đê bao xã Hưng Đạo, tuyến Lam Trà. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên trao đổi với nhà thầu về đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đê bao xã Hưng Đạo, tuyến Lam Trà. Ảnh: Mai Hoa

Phương pháp chỉ đạo, theo chia sẻ của đồng chí Lê Phạm Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, là rõ nhiệm vụ, công việc, rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân người đứng đầu; nơi nào hay nhiệm vụ nào khó khăn thì được bàn bạc cặn kẽ trong tập thể để thống nhất giải pháp và khi có giải pháp thì phải quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Ví như để đưa xã cuối cùng - Hưng Yên Nam về đích nông thôn mới, ngoài chính sách hỗ trợ về nguồn lực, huyện tổ chức điều động, tăng cường 2 cán bộ huyện về đảm nhận bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã để trực tiếp chỉ đạo; gắn với giao các phòng, ban chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của mình cùng vào cuộc với xã để hoàn thành từng tiêu chí. Tương tự, để đưa thị trấn Hưng Nguyên đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện đồng hành, vào cuộc cùng thị trấn tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc.

Trong chỉ đạo, các cấp chú trọng thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao trong nhân dân”.

Đồng chí Lê Phạm Hùng - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên

Tượng đài Xô Viết - Nghệ Tĩnh và Công viên Thanh thiếu niên huyện Hưng Nguyên- Ảnh: Mai Hoa
Tượng đài Xô viết - Nghệ Tĩnh và Công viên Thanh, thiếu niên huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa

Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Trong chỉ đạo, các cấp chú trọng thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao trong nhân dân. Qua đó, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công cùng với nguồn lực thu hút từ bên ngoài để xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, thể thao, điện chiếu sáng, cảnh quan môi trường nông thôn… Trong vòng hơn 10 năm xây dựng nông thôn, tổng nguồn vốn huy động toàn huyện là hơn 4.000 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 26,5%.

Xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Hưng Nguyên chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường thu hút các dự án đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Hiện ở Hưng Nguyên có hàng trăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi, trong đó, có nhiều mô hình có doanh thu 2-3 tỷ đồng/năm. Địa phương quan tâm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn với hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Riêng khu công nghiệp VSIP tiếp tục được mở rộng đầu tư và đã có 45 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó,, có 29 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 1,6 vạn lao động điạ phương.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Hưng Nguyên.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Hưng Nguyên.

Ông Ngô Quang Ngọ, ở làng Nam, xã Hưng Tân bày tỏ niềm vui, phấn khởi: “Không chỉ cảnh quan, môi trường sống nông thôn sạch, đẹp, khang trang mà chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình, mỗi người dân có nhiều thay đổi, đủ đầy, nhàn nhã và hạnh phúc hơn. Ngay trong sản xuất nông nghiệp, không còn tất bật “một nắng hai sương”, “chân lấm, tay bùn” vì đã cơ giới hóa hoàn toàn từ khâu làm đất đến thu hoạch, kể cả phơi phong thóc lúa cũng không phải làm khi người nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 52 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,49%”.

Không chỉ cảnh quan, môi trường sống nông thôn sạch, đẹp, khang trang mà chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình, mỗi người dân có nhiều thay đổi, đủ đầy, nhàn nhã và hạnh phúc hơn”.

Ông Ngô Quang Ngọ - xã Hưng Tân, Hưng Nguyên

Không gian nông thôn mới xã Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa
Không gian nông thôn mới xã Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả xây dựng huyện nông thôn mới ở Hưng Nguyên có 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thị trấn Hưng Nguyên được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. 9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện về quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, hệ thống chính trị - an ninh, trật tự - hành chính công, đều đạt ở mức cao. Trên cơ sở kết quả thẩm định xây dựng nông thôn mới ở huyện Hưng Nguyên, UBND tỉnh đã trình và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, hiện đang tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hưng Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Quyết tâm cho chặng đường mới

Cùng với các giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa với 250 di tích, danh thắng trên địa bàn (trong đó, có 37 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia) và địa bàn phụ cận thành phố Vinh; Hưng Nguyên còn có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với các địa phương trong tỉnh và cả nước, nhất cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1 - tuyến tránh Vinh, Quốc lộ 46, 46B, 46C và đường 72m nối Đại lộ Vinh - Cửa Lò…, cùng với khu công nghiệp VSIP đang từng bước hoàn thiện. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để Hưng Nguyên phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Thi công hệ thống kênh Lê Xuân Đào; Kênh tiêu kênh T 16 tiêu úng cho xã Hưng Nghĩa, Xuân Lam; Dự án đê bao xã Hưng Đạo, tuyến Lam Trà. Ảnh: Mai Hoa
Thi công hệ thống kênh Lê Xuân Đào; Kênh tiêu kênh T 16 tiêu úng cho xã Hưng Nghĩa, Xuân Lam; Dự án đê bao xã Hưng Đạo, tuyến Lam Trà. Ảnh: Mai Hoa

Ngày 28/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1612 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hưng Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho định hướng phát triển của huyện Hưng Nguyên trong chặng đường hàng chục năm tới, vừa có vai trò “sứ mệnh” kết nối với các địa phương khác cùng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên chia sẻ: Quy hoạch vùng huyện Hưng Nguyên định hướng phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển chung của vùng thành phố Vinh và các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh. Quy hoạch đã thiết lập rõ các vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, các cơ sở kinh tế - xã hội khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cấp tỉnh, cấp huyện là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện theo hướng cân bằng và bền vững.

Lãnh đạo các ngành cấp tỉnh và huyện Hưng Nguyên tham quan nhà máy may tại Khu công nghiệp Vsip. Ảnh: Đậu Kiều Hoa
Lãnh đạo các ngành cấp tỉnh và huyện Hưng Nguyên tham quan nhà máy may tại Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Đậu Kiều Hoa

Cụ thể, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm phát triển toàn diện, bền vững. Hưng Nguyên được định hướng phân thành 2 vùng phát triển vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn, gồm vùng phía Bắc và vùng phía Nam. Định hướng phát triển 3 đô thị loại V, gồm đô thị thị trấn Hưng Nguyên, đô thị Hưng Thịnh và đô thị Long Xá. Định hướng phát triển nông thôn giai đoạn 2023 - 2030, sau khi hoàn thành huyện nông thôn mới sẽ tiếp tục cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư nông thôn hiện trạng, xây dựng và phát triển các khu dân cư mới theo quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chung xã được duyệt…

Với định hướng phát triển vùng huyện Hưng Nguyên, Đảng bộ và Nhân dân quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tiếp tục đặt ra quyết tâm chung tay, đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì sự phát triển của quê hương, vì cuộc sống của người dân; phấn đấu đưa huyện Hưng Nguyên trở thành huyện khá của tỉnh, xứng đáng với vùng “địa linh nhân kiệt”./.

 Một góc thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh Mai Hoa
Một góc thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Mai Hoa
Tự hào truyền thống 555 năm Hưng Nguyên, nỗ lực cho hiện tại và tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO