Kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV: Quy định chặt, quản lý lỏng

(Baonghean) - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là loại hàng hóa đặc thù chỉ được sử dụng phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại cây trồng khi cần thiết, nhưng cũng chính là hóa chất độc hại nhất đối với môi trường sống (môi trường đất, nước và không khí), gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, gia súc, gia cầm và vô số các loại sinh vật khác. Tuy nhiên, công tác quản lý mua bán và sử dụng thuốc BVTV ở tỉnh ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Giám sát việc quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Giám sát việc quản lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Diễn Châu.
Tự do mua bán, sử dụng 
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh, số lượng thuốc BVTV sử dụng lên từ 350 - 400 tấn các loại. Năm sâu bệnh xuất hiện nhiều, lượng thuốc nhập vào có thể lên đến 450 - 500 tấn như vụ hè thu năm nay. Toàn tỉnh hiện có 743 tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc BVTV với 200 chủng loại thuốc khác nhau. Như vậy bình quân mỗi huyện, thành, thị có gần 36 tổ chức và cá nhân tham gia kinh doanh các loại thuốc BVTV. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Bởi chỉ qua tìm hiểu ở 2 huyện Anh Sơn và Diễn Châu, số cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này đã rất lớn. Tại huyện Anh Sơn hiện đã có 80 tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc BVTV. Theo ông Nguyễn Xuân Vân - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Anh Sơn thì con số thực tế còn nhiều hơn nữa. Tại huyện Diễn Châu, có 71 tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc BVTV các loại, nhưng một cán bộ của Trạm BVTV huyện cho biết con số đó chưa đủ mà phải trên 100 thì đúng hơn. 
Điều 28, Pháp lệnh số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định: Thuốc BVTV là mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Nhà nước thống nhất quản lý việc sản xuất, xuất nhập khẩu, bảo quản, dự trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV theo quy định pháp luật. Đồng thời tại Điều 16 và 17 của Điều lệ quản lý thuốc BVTV ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ và Thông tư quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thuốc BVTV do Bộ NN & PTNT ban hành ngày 25/2/2013 quy định: Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV phải có đủ các điều kiện sau: Có chứng chỉ hành nghề; có cửa hàng bán thuốc; có kho chứa đúng quy định và có trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người.
Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nông, lâm nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham gia dự lớp học chuyên môn về thuốc BVTV do Chi cục BVTV tỉnh cấp và có giấy chứng nhận có đủ sức khỏe do ngành y tế huyện, tỉnh cấp. Nhưng thực tế việc quản lý kinh doanh mua bán thuốc BVTV hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khá lỏng lẻo. Theo báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh, hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 46% tổ chức và cá nhân buôn bán thuốc BVTV không có chứng chỉ hành nghề, 53% tổ chức và cá nhân buôn bán thuốc BVTV không có kho bảo quản hàng hóa, không có ki ốt bán hàng, không có tủ hàng và không niêm yết giá. Ở huyện Anh Sơn qua kiểm tra cho thấy: Chỉ có 12,5% tổ chức và cá nhân kinh doanh thuốc BVTV có chứng chỉ hành nghề và có đủ điều kiện đảm bảo để kinh doanh; số còn lại 87,5% vừa không có chứng chỉ hành nghề, vừa không có đủ điều kiện đảm bảo để kinh doanh loại hàng hóa này.
Đến huyện Diễn Châu, xuống các xã thì hầu như ở xã nào cũng có từ 2 - 3 ki-ốt bán hàng đủ loại, trong đó có cả bán chung với thuốc BVTV. Còn ở chợ đều có người bán thuốc BVTV như bán các loại mặt hàng khác. Chúng tôi đến một quầy hàng bán đồ tạp hóa ở chợ Sy, thuộc huyện Diễn Châu, hỏi chủ hàng chị Phan Thị Hải để mua thuốc trừ sâu. Chị Hải nói: "Ở đây có bán nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng, các anh mua loại gì, mua nhiều giá khác, mua ít giá khác". Như vậy, thuốc BVTV (một loại hóa chất đặc biệt nguy hiểm) chỉ được phép kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh mặt hàng này đã và đang được kinh doanh gần như tự do. Đây là vấn đề đáng báo động, nếu không kịp thời có biện pháp để chấn chỉnh thị trường kinh doanh thuốc BVTV theo đúng quy định thì khó tránh khỏi những hậu quả khó lường.
Việc kinh doanh bảo quản và bày bán thuốc BVTV thì như vậy. Còn việc sử dụng thì sao? Theo báo cáo của Chi cục BVTV và các Trạm BVTV huyện, thành, thị, hàng năm đều có triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các loại thuốc phòng chống các loại sâu bệnh, cỏ dại cho bà con nông dân, nhưng kết quả cũng rất hạn chế. Vì có quá nhiều chủng loại thuốc trừ sâu bệnh khác nhau, tên thuốc dài, viết bằng chữ nước ngoài không thể nhớ được; thời gian tập huấn thông thường chỉ có 1 buổi và phần lớn đối tượng đến dự các lớp tập huấn, nếu ở huyện là cán bộ xã, HTX nông nghiệp, nếu ở xã là cán bộ thôn, xóm, bản và đại diện một số hộ dân. Trong khi đó, người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV phun cho cây trồng là bà con nông dân. Theo ông Nguyễn Xuân Vân - Trạm trưởng BVTV huyện Anh Sơn cho biết: "Thực tế qua kiểm tra cho thấy người dân ở các địa phương khi sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng". Đa số người dân không nắm được tác dụng của từng loại thuốc cho từng loại sâu bệnh. Họ chủ yếu làm theo kinh nghiệm, làm theo khuyến cáo của người bán thuốc hoặc được truyền miệng từ người này qua người khác.
Cần siết chặt quản lý
Thực trạng trong quản lý và sử dụng thuốc BVTV như đã nói ở trên có nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã chưa nhận thức đúng đắn vai trò và trách nhiệm của mình trong giám sát, kiểm tra, quản lý việc kinh doanh, bảo quản và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn. Vì vậy mới có tình trạng buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV gần như tự do và tràn lan. Trong khi đó, tại Mục 2, Điều 41, Thông tư số 3/2013/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 11/01/2013 ghi rõ: "UBND các xã chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả, quy định địa điểm thu gom bao bì, vỏ chai lọ đựng thuốc sau khi đã sử dụng hết và xử lý hành vi vi phạm". 
Công tác giám sát, thanh - kiểm tra và thưởng phạt đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định của Nhà nước trong buôn bán và sử dụng thuốc BVTV theo điều 11 tại Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định quản lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh đã ghi rõ: Thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV thường xuyên do UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tối thiểu 3 lần/năm. Riêng thanh tra, kiểm tra định kỳ do Chi cục BVTV tỉnh thực hiện tối thiểu 4 lần/năm. Thực chất số lần thanh kiểm tra việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV vừa qua trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện quá ít, nhất là ở cấp huyện và xã. Cụ thể ở huyện Anh Sơn, từ năm 2012 đến năm 2014 chỉ thanh kiểm tra được 4/9 lần theo quy định của Nhà nước. Còn tại huyện Diễn Châu thì hầu như không tiến hành thực hiện được. 
Vì vậy, để công tác quản lý, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV đi vào hoạt động có nề nếp, đạt hiệu quả tốt, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, bổ sung thêm những nội dung sau: Theo Luật Thanh tra số 56/2010 QH12 quy định quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuốc BVTV là trách nhiệm của Chi cục BVTV tỉnh và là người trong biên chế công chức. Cán bộ của Chi cục BVTV tỉnh nhưng công tác tại các Trạm BVTV huyện thì chỉ là viên chức, vì vậy, luật cần bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cho cán bộ BVTV cấp huyện để tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, thành, thị và cấp xã phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về công tác quản lý thuốc BVTV. Mặt khác, phải có sự tham gia của tất cả các tổ chức đoàn thể, nhất là việc quản lý buôn bán, thu gom, tiêu hủy các bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu sau khi đã sử dụng để làm sạch môi trường. Công tác này cần có sự tham gia đóng góp của Mặt trận Tổ quốc các cấp để việc quản lý thuốc BVTV càng có hiệu quả hơn.
Doãn Trí Tuệ

tin mới

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

Thành Vinh rực rỡ những sắc hoa

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, thành Vinh khoác lên mình tấm áo rực rỡ được dệt từ nhiều sắc hoa tươi tắn như bằng lăng, giáng hương, phượng vàng, phượng vĩ... 

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

Nhiều phương tiện 'vô tư' qua lại dù đường N5 kéo dài vẫn chưa thi công xong

(Baonghean.vn) - Đường N5 kéo dài kết nối với đường Hồ Chí Minh từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương lên huyện Tân Kỳ có chiều dài 15 km. Hiện nay, tuyến đường chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng, dù đã cắm biển cấm nhưng các phương tiện vẫn “vô tư” đi vào, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẩm tra các nội dung, tiêu chí Huyện nông thôn mới tại Hưng Nguyên

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà huyện Hưng Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo địa phương quyết liệt giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Thời điểm này, trên cánh đồng lúa xuân ở huyện Yên Thành hầu hết đã chín rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân, vật lực để ra đồng thu hoạch. Ảnh: Văn Trường

Nhộn nhịp thu hoạch lúa xuân ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân các địa phương ở Nghệ An đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Bà con huy động tối đa nhân lực thuê máy móc để thu hoạch nhanh gọn nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió lớn, giông lốc gây ra.

Vụ xuân năm nay, năng suất lúa của huyện Yên Thành ước đạt từ 72- 73 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái. Ảnh: Phú Hương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Yên Thành

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sản xuất hè thu “càng sớm càng tốt”, nhất là với những xã vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ. Thực hiện ngay các giải pháp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng.

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát tại huyện Tân Kỳ. Ảnh: Phú Hương

Sâu đo hại keo lần đầu tiên bùng phát ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đây là đối tượng sâu hại lần đầu tiên bùng phát nặng trên rừng keo của Nghệ An, việc phòng trừ rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, từ giữa tháng 5 trở đi, sâu non lứa 2 có khả năng phát sinh với mật độ cao, gây hại trên diện rộng.