Lũ ống, lũ quét - đến hẹn lại... lo

(Baonghean) - Các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn có địa hình dốc núi hiểm trở, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản nhân dân.  Trong khi lại có khá nhiều hộ dân sống gần khe suối, đồi núi những nơi dễ sạt lở. Bởi vậy, vấn đề phòng tránh thiên tai ở các huyện vùng cao này cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân. 

Đến hẹn lại lo

Nhiều hộ dân sinh sống dọc theo khe Thoong, bản Hồng Tiến xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn.
Nhiều hộ dân sinh sống dọc theo khe Thoong, bản Hồng Tiến xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn.

Tương Dương là huyện miền núi có địa hình phức tạp chia cắt mạnh bởi những sông, suối, khe rạch và núi cao. Theo khảo sát huyện Tương Dương năm nào cũng nhiều  điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở núi. Có mặt tại bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng, bất an trước mùa mưa lũ đang đến.

Bà Lô Thúy Kiều cho biết: Nhà cách khe Líp có 3 - 4 m, vào mùa mưa nước dâng lên là phải mang vác đồ đạc di tản sang bản khác. Mà sợ nhất là mưa vào ban đêm, lũ quét ập đến bất kể khi nào. Bản Xiềng Líp có trên 170 hộ dân, có trên 100 hộ dân ở ven khe Líp, nhiều trận lũ ập đến bất ngờ của những năm trước đây cuốn trôi cả nhà cửa, trâu, bò. Dọc con đường chính đi qua các bản vào trung tâm xã nhiều đoạn đã bị sạt lở hư hỏng đều do lũ quét tàn phá.

Ông Mộng Sính - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Yên Hòa có 12 bản, trong đó có 8 bản ở ven núi thấp, đặc biệt có 2 bản Xiềng Líp, bản Hào khoảng trên 320 hộ dân ở sát các dòng khe Chà Hạ, khe Líp. Vào mùa mưa nguy cơ lũ quét đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân là rất lớn. 

Xã Yên Na có nhiều gia đình đang sinh sống dọc bên khe suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét cao. Chị Lữ Y Va lo lắng nói: Vào mùa mưa là nước dâng, cắt đứt đường giao thông, có năm nước lên cuốn hỏng nhà và trôi gà, lợn. Được biết bản Na Khốm có trên 100 hộ dân, có khoảng trên 40 hộ dân nằm ở vùng nguy cơ lũ quét. Có nhiều hộ cần phải di dời nhưng  rất khó, vì bản không còn quỹ đất ở. Chỉ còn cách, các hộ này phải mua đất vườn của gia đình khác để làm nhà nhưng hoàn cảnh các gia đình này rất khó khăn, không thể tự lo liệu được, bản rất muốn các cấp giúp các hộ này đến nơi ở khác an toàn hơn.

Địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng có nhiều núi cao, khe suối chằng chịt, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cao khi mùa mưa bão đến. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện còn có nhiều điểm nằm trong vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, sạt lở sông suối đe dọa tính mạng người dân. Đặc biệt, tại thị trấn Mường Xén, bờ sông có nhiều điểm sạt lở “ngoạm” cả vào nhà dân. Nhưng do hiếm đất dựng nhà nên nhiều gia đình vẫn bất chấp nguy hiểm xây nhà nhiều tầng sát dòng Nậm Mộ. 

Một trong những điểm sạt lở tại thị trấn Hòa Bình, Tương Dương.
Một trong những điểm sạt lở tại thị trấn Hòa Bình, Tương Dương.

Tại bản Hồng Tiến xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn có rất nhiều hộ dân nhà cửa “bám” ven sông. Ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn cho biết thêm: Xã có 600/1.400 hộ dân nằm ở các vùng có nguy cơ lũ quét, cụ thể là bản Lưu Tiến nằm dọc khe Xái, bản Hồng Tiến nằm khe Thoong, bản Xiêng Thù ở khe Nằn…

Đối với địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 3 dự án của 3 khu tái định cư di dời khẩn cấp vẫn chưa thi công xong. Hàng trăm hộ dân đang trong cảnh bị lũ quét, sạt lở đất đe dọa. Tại khu vực bản Tẽn, xã Châu Tiến, Quỳ Hợp có khá nhiều hộ dân ở dọc lòng khe bản Hạt. Mùa lũ những năm trước 2 ngôi nhà của ông Quang Văn Tiếp và bà Trương Thị Bê đã bị lũ quét làm đổ sập dấu tích vẫn còn. Bà Vi Dung ở bản Tẽn, xã Châu Tiến chia sẻ: Chúng tôi chỉ mong muốn được mau chóng xây dựng khu tái định cư mới để lên sinh sống, chứ ở dưới khe suối vào mùa mưa luôn phải sống trong nơm nớp, sợ hãi. 

Chủ động phòng chống  giảm thiểu thiên tai

Hiện nay, để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, hiện tại các địa phương đã chủ động các phương án ứng phó. Ông Lô Quốc Phòng - Trưởng bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu cho hay: Cả bản hơn 80 hộ dân đều nằm dưới tầm của lũ quét, vì vậy ngoài việc đến mùa mưa, BQL bản vận động bà con giằng néo nhà cửa, gửi sẵn các đồ đạc trước đến các bản ở cao hơn để khi mưa lũ sẵn sàng di chuyển linh hoạt. Bản còn thành lập tổ xung kích có hàng chục thanh niên để sẵn sàng ứng cứu.

Ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu nói thêm: Xã đã rà soát, hiện có 250 hộ dân cần phải di dời khi lũ đến, vì vậy, xã đã chuẩn bị các phương án bố trí cho nhân dân vùng nguy cơ lũ quét ở xen dắm với các bản ở núi cao khi lũ đến, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Xã vận động một số hộ dân ở gần khu vực cầu Khe Thoong làm nhà ở khu vực an toàn hơn. UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCBL, xây dựng, điều chỉnh và bổ sung phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai chi tiết. UBND xã đã xây dựng được đội xung kích cơ động có trên 40 thành viên tham gia để ứng cứu tại chỗ khi cần.

Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn lồng ghép, huyện Tương Dương, Kỳ Sơn đã luôn khắc phục các điểm sạt lở, kè đá được một số đoạn thường xuyên sạt đá  như đoạn ở các xã Tà Cạ, Mường Típ, Phà Đánh, quốc lộ… Tuy nhiên, do địa thế đèo núi hiểm trở nên vào mùa mưa lũ, các tuyến đường ở Kỳ Sơn, Tương Dương vẫn thường xuyên bị hư hỏng. Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đang chỉ đạo đơn vị thi công, tập trung thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông Nậm Mộ có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, được khởi công từ năm 2013. Đến nay, công trình đã hoàn thành được trên 70% tiến độ.

Các hộ dân của xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn làm nhà tạm bợ ven bờ sông Nậm Mộ, Kỳ Sơn.
Các hộ dân của xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn làm nhà tạm bợ ven bờ sông Nậm Mộ, Kỳ Sơn.

Ông Phạm Hồng Thương - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi Nghệ An) cho biết thêm: Nghệ An có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, dự kiến có khoảng 2.575 hộ trên 15.000 hộ bị ảnh hưởng cần phải sơ tán khi xảy ra sự cố. Để chủ động phòng chống nguy cơ lũ quét, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp. 

Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng để đảm bảo đời sống và sản xuất  ở các huyện miền núi cao. 

Toàn huyện Tương Dương có nhiều điểm nguy cơ lũ quét, trong đó đáng kể có các bản ở xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa. Huyện Kỳ Sơn có khoảng trên 455 số hộ, 2.305 dân nằm trong vùng nguy cơ lũ quét, các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Mỹ Lý, Mường Ải… Nguy cơ sạt lở đất 285 hộ, 1.327 dân chủ yếu ở các xã Mường Típ, Mường Ải, thị trấn Hòa Bình, Keng Đu.

 Văn Trường

tin mới

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.