Tôi đi xem chọi gà

(Baonghean) - Nằn nì mãi, ông T. bảo tôi nếu muốn theo ông đi xem chọi gà thì được, còn để “tác nghiệp” là “nghỉ chơi”. Đến sới gà mà mang theo máy ảnh, sổ sách ghi chép dễ bị chủ sới đuổi thẳng cẳng. - Vì sao? Ông T cười ý nhị: “Cậu nên đến sới chọi gà với tâm thế thưởng thức một thú chơi dân gian mang đầy tính nghệ thuật, chứ không nên đến để “soi” tính chất cờ bạc đã xâm nhập vào trò chọi gà!”. Tôi đành đóng vai “tiểu đồng” ôm gà lẽo đẽo theo ông – một “sư kê” – để đến sới V. ở Cửa Hội...

Khoảng bảy rưỡi sáng, theo lời hẹn, tôi có mặt tại nhà ông T (xã Nghi Đức, TP. Vinh). Đã có bốn, năm người tập trung tại đây. Hỏi han, được biết có một vài vị là công chức, không phải ngày nghỉ nhưng vì quá mê môn đá gà nên có “mở sới” là nhập nhóm cùng đi. Hôm nay ông T quyết định đưa con tía đi đá trận đầu. Con này đã một năm tuổi, hạng 3 cân. Mọi người lao xao hỏi nó có đòn gì độc thế? Ông T cười: Cứ đi, xem nó đá khắc biết! Cả nhóm hào hứng lên đường. Tôi là người lạ lần đầu đến sới, được giao ôm gà hầu ông T để chủ sới và các chủ gà đỡ nghi ngại.

Đến sới V đã quá 8 giờ. Người đông dần lên. Sới V có hai sân chọi, thường chọi vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Mỗi buổi chọi gà có 5 - 7 cặp gà kèm theo hàng trăm người theo các nhóm đến thưởng thức. Các chủ gà cẩn thận đặt gà của mình xuống, kiểm tra một lần nữa thần sắc của các “kê thủ” rồi bắt đầu cho gà ăn uống các thức mà chủ sới đã chuẩn bị sẵn, gồm cơm trắng và nước trắng sạch (nước mưa hoặc nước máy, nước khoáng). Đó cũng như là một thứ “luật bất thành văn” ở đây, các chủ gà khi đến sới chỉ được phép cho gà nòi của mình ăn cơm trắng, uống nước trong, tuyệt nhiên không được cho ăn, uống thứ gì khác...

Lúc này, các chủ gà cũng bắt đầu tìm kiếm và thỏa thuận giá thuê người chăm sóc gà cho mình trong trận đấu, người được chọn thường là người khá quen biết, có kinh nghiệm chăm sóc, hồi sức cho “kê thủ”, có độ tin cậy cao với chủ gà, giá thuê cho một trận đấu từ 100 – 150 nghìn đồng. Chừng quan sát thấy các nhóm đã chuẩn bị xong xuôi đâu đó, sới V tuyên bố thời điểm cáp (ghép cặp đấu) gà.

Sau khi cân và xem xét kỹ các “kê thủ”, ông T quyết định cho con tía của mình cáp với con ô của chủ gà tên Hải ở Hà Tĩnh sang, dù nhìn vẻ ngoài con ô có nước da đỏ đắn, phong thái vẻ linh lợi hơn con tía. Nheo nheo cặp mắt vẻ tinh quái, ông T nói nhỏ vào tai tôi: “Bây giờ đang là mùa hạ, con tía mệnh hỏa nên khí nó đang vượng nhất trong năm, con ô mệnh thủy chỉ vượng vào mùa đông thôi!...”.

Hóa ra, đây cũng là một trong những bí quyết mà không phải chủ gà nào cũng biết để khi đến các sới chọn cáp gà, cũng như để có chiến thuật đấu hợp lý cho “kê thủ”. Gà chọi thường được chia thành nhiều loại tùy vào màu lông để cho tên gọi, nhưng chủ yếu là có 5 màu: Ô (đen), tía, nhạn (trắng) mệnh kim vượng vào mùa thu, xám mệnh thổ vượng vào mùa xuân và gà ngũ sắc thì vượng vào cả bốn mùa, thường khi thi đấu chiếm ưu thế “thượng thừa” về khắc chế mệnh đối phương...

Sau cặp đấu đầu tiên mà phần thắng thuộc về con xám của một chủ gà Nghi Phú (TP. Vinh), đến lượt con tía của nhóm chúng tôi vào sới. Lúc này con tía đã được giao phó cho người chăm sóc, tôi chỉ đứng chầu rìa. Quy định ở sới V là mỗi cặp đấu 15 hiệp (hồ) để phân thắng bại, mỗi hồ 15 phút, giữa 2 hồ nghỉ giải lao 5 phút để chăm sóc, hồi sức cho gà. Sới ở đây là khoảnh đất tròn đường kính khoảng 3,5m, khoét sâu xuống khoảng 70cm.

Có nơi người ta không khoét xuống như thế này mà có thể quây tải bố, cót hoặc ghép bì đựng cát chung quanh tạo sới. Mọi người đã ngồi quây kín hai vòng ghế quanh sới, không khí chợt chùng xuống khi con tía và con ô đồng thời được thả vào. Ngay lập tức, con ô dợm chân chực lao vào con tía đang đứng vẻ điềm tĩnh, cái đầu nghênh nghênh thách thức... Rồi bất chợt cả con bật nhảy sáp vào, xoay tròn lấy nhau và liên tục những đòn, thế được tung ra...

Người xem bắt đầu rộ lên bình phẩm. Tôi nghe theo lời ông T, không bận tâm mấy vào việc “độ” gà với số tiền được xướng qua xướng lại mà tôi chắc xong một trận đá gà thì chủ gà thắng hay thua đều được một khoản tiền không nhỏ... Hỏi sới V thì được biết, như hôm nay cả hai sới đấu 8 cặp, tiền hồ thu cũng ngót một triệu đồng. Hồ thứ nhất, thứ hai, thứ ba... trận đấu càng lúc càng sôi động. Con tía và con ô thi đấu “lăn xả”,  cát bụi và lông gà bay tứ tung. Con ô với cú song phi trực diện liên tục ép con tía. Tôi liếc nhìn chủ gà T, thấy ông vẫn điềm tĩnh, thỉnh thoảng lại nhoai người vào sới, thít thít lưỡi ra chiều khích lệ, động viên con tía.

Sang hồ thứ 5, con tía bất chợt áp sát con ô, dùng thế “vỉa sách” luồn đầu vào cánh đối phương, rồi đảo cổ mổ một cú trời giáng vào mang tai, đồng thời tung chân đá mạnh vào lưng con ô. Con ô đang trên đà áp đảo, bị đòn bất ngờ, không những không lùi lại mà đá càng hăng hơn. Liên tiếp con ô hụt mấy cú song phi, nó mặc cho con tía mổ mấy cú vào đầu, lại lao tới... Tiền cược bắt đầu nghiêng về con ô, nhưng quan sát kỹ, thấy nhiều người vẻ sành sỏi, ngưng “độ”, mắt sáng lên vẻ căng thẳng dán chặt vào con tía...

Và, điều bất ngờ đã xảy ra, con tía đã phô diễn tuyệt kỹ đòn độc “hồi mã thương”, lựa lúc con ô lao tới đã vào thế “nạp xạ” nhảy vọt lên tung trọn hai cựa vào cổ con ô khiến đối phương khựng lại rồi lao chúi về phía trước. Mọi người ồ lên, chủ gà T nhẩy cẫng  lên la hét vui sướng. Chủ gà Hải vội nhảy vào sới, nâng con ô lên xem xét rồi lẩm bẩm: Khéo gãy cổ rồi! Ngay lập tức con ô được bán cho dân nhậu với giá 500 nghìn đồng! Ôm con tía trong tay, chủ gà T cùng người chăm sóc cho nước, lau rửa “kê thủ” của mình, mặc cho dân “độ” lúc này mới thực sự ồn ã lên...

Lân la hỏi chuyện, sới V cho biết, hiện ở Nghệ An hầu hết huyện nào cũng có sới chọi gà với các quy mô khác nhau, nhưng đều tụ tập được giới mê chọi gà thực sự. Việc “độ” gà nhiều hay ít tùy chủ sới, nhưng rất khó để loại bỏ vì nó đã thành một yếu tố tạo không khí sôi động của sới mất rồi... Riêng TP. Vinh, do nhiều sới gà thực sự trở thành một tụ điểm đánh bạc biến tướng, bị truy quét nay tan hết, chỉ còn một sới của ông C ở phường Đội Cung, nhưng hoạt động cũng không rộn lắm. 

Chủ gà T. còn được dân chọi gà Nghệ An tôn là một “sư kê” vì ông còn nổi danh với nghề nuôi giống, huấn luyện gà chọi, lấy giống từ con xám  năm 2008 được mua 4 triệu đồng từ Bình Định về; cách nay hai năm con xám ấy được coi là một “kê thủ” oai hùng nhất xứ Nghệ, thư hùng 8 trận thắng cả 8, nhưng ông T đã cho giải nghệ và chỉ làm một việc là... đạp mái gây giống.

Nghề nuôi giống gà chọi như ông T. tằng tằng thu lãi ròng một năm khoảng 3 - 4 chục triệu đồng. Gà chọi ấp, đẻ, nuôi cực kỳ công, và một “sư kê” có con mắt tinh đời là khi tuyển gà tài (đá hay). Tuyển thì căn cứ màu lông, hình dáng, tính tình... rồi mới luyện; con tài thì bán 3- 4 triệu đồng con, con thường cũng có giá không dưới triệu đồng. Có con ngũ sắc đạt đẳng cấp “thượng thừa” toàn diện, thư hùng vài trận nức tiếng đá hay bán cho dân chơi năm, bảy chục triệu đồng là thường, tuy gà nòi như thế là cực hiếm.

Cách đây mấy năm, ông T. cũng có một con tía hơn một năm tuổi, dân chơi trả gần chục triệu đồng không bán, trong một trận đấu đến hồ thứ 8 đang thế áp đảo bất ngờ nó “trả độ” quay đầu bỏ chạy trước đối phương đã khò khè sắp thua dùng thế “vỉa sách” mổ vào mắt. Giận con gà phản chủ, mặc dù lúc đó có người vẫn trả hàng triệu đồng, ông T cứ ôm gà về nhà, quật chết con gà yêu... Bây giờ, ở Vinh có nhiều đại gia lắm tiền mở trang trại ở các vùng quê, thuê người nuôi gà chọi trả lương ba, bốn triệu đồng/tháng; khi chọi có “độ” lớn, thuê luôn cả người đại diện vào sới. Âu, đó cũng là từ cái say mê môn gà chọi, nhưng các vị ấy cũng đã góp phần làm cho một trò chơi dân gian đầy tính nghệ thuật thành một trò đánh bạc biến tướng ngày càng có xu hướng tiêu cực.

Trở lại với “sư kê” T, hiện ông đang nuôi gần 100 con gà chọi giống. Khách mua có cả từ Hà Nội, Hải Phòng vào; nuôi không đủ bán, vì nuôi để chọn ra được những con gà tài, giữ uy tín với khách cũng không phải dễ. Ngồi suốt buổi chiều ông T kể không hết chuyện kỳ công nuôi gà chọi giống. Nhưng chỉ mỗi chuyện ngày sắp đặt cho gà “ra trường” (cho ra sới đấu) của một “sư kê” cũng đủ hấp dẫn rồi; tôi xin được kể ra đây: Bữa ra trường, sáng tinh sương là “sư kê” phải đến lồng gà, tự tay ôm con gà ra vuốt ve mơn trớn hồi lâu rồi mới cho vào lồng ép bằng cách cho con gà chui đuôi vào trước mới đúng phép, sau đó khi đưa gà vào sới thì y như rước cô dâu, long trọng mở cửa “thỉnh” gà ra chứ không bắt đi ngược.  “Sư kê” quan sát một lần chót trước khi đưa gà ra đấu, tay vuốt mã (lông) gà, miệng khe khẽ âu yếm kêu tên con gà, ân cần như một vị tướng khuyến khích binh sĩ trước khi khai chiến...

Con tía hôm nay cũng được “sư kê” T đối đãi như thế, nên đã chiến thắng vang dội chăng?!

Đình Sâm

tin mới

Công nhân và những diễn đàn được nói

Lắng nghe ý kiến của công nhân

(Baonghean.vn) - Nhu cầu được lắng nghe là một trong những nhu cầu mà đoàn viên, công nhân, lao động mong muốn đáp ứng. Từ sự lắng nghe đó, những vướng mắc có cơ hội được tháo gỡ, những chính sách có cơ hội được hoàn thiện và bản thân công nhân, lao động được khẳng định vị thế của mình.

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

(Baonghean.vn) - Các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 20 huyện, thành, thị đã mang đến không khí sôi động bằng những màn trình diễn hấp dẫn, với những tinh hoa văn hóa đặc sắc của các đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An tại Lễ hội quảng diễn đường phố "Quê hương mùa sen nở".

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại đón hàng chục nghìn lượt khách từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế về tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người.

Đồng lúa và sen

Mùa vàng trên quê Bác

(Baonghean.vn) - Cùng với những đổi thay trên quê Bác, ngày mùa ở Kim Liên (Nam Đàn) dường như cũng đẹp hơn, rộn ràng hơn. 

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

Nghệ An tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự kỷ

(Baonghean.vn) - Chiều 13/5, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ”.