Thú câu mực đêm ở Cửa Lò

(Baonghean) - Bã bời sóng biển và thưởng thức xong bữa cơm hải sản thật “đã”, Hương bảo: “Giá như có lửa trại trên bãi biển nhỉ!...”. Hương làm việc ở VTC, nay cùng đồng nghiệp từ Hà Nội về Nghệ An công cán, ghé tắm biển Cửa Lò...
hình ảnh lung linh của Cửa Lò về đêm. Ảnh: Internet
Hình ảnh lung linh của Cửa Lò về đêm. Ảnh: Internet
Tìm gặp nhân viên an ninh, cứu hộ bãi tắm thuộc địa bàn phường Thu Thủy. Thoạt tiên, anh xua tay là không được, không được, mất vệ sinh lắm! Trước nay chưa ai đốt lửa trại trên bãi tắm bao giờ! Tôi năn nỉ rằng bãi tắm đầu mùa đương vắng, vả lại khách người ta là đối tượng tiềm năng! Xin hứa, xin hứa sẽ dọn sạch sẽ… Mãi rồi, người nhân viên cứu hộ cũng gật đầu.
Đốt lửa trại cần củi. Phải cậy nhờ bạn bè ở Hải đội 2 Biên phòng Cửa Hội mua “điều” lên một xe ba gác củi phi lao. Chúng tôi quây tròn quanh ánh lửa. Bập bùng tiếng ghi-ta và không khí dần hào hứng lên khi một vài bạn trẻ bắt đầu nhảy nhót hát hò. Du khách trên bãi biển dần nhập bọn với chúng tôi. Ánh lửa nhấp nhoáng hình người hoang dại trên bãi cát, loang lên hây hẩy gió biển đêm và rào rạt sóng chân bờ… Sao không đi câu mực nhỉ? Ai đó hét lên! Và Hương lại giật tay tôi, bảo thiết kế câu mực đêm nhé! 
Ôi, là tôi đã bao giờ đi câu mực đêm đâu, dù mỗi năm đều xuôi tắm biển Cửa Lò ít nhất dăm, bảy bận. Nhưng nghe nói câu mực đêm là một cái thú, và “đỉnh” là khi câu được, chính tay bạn sẽ nướng chín thức quà tuyệt vời đó của biển trên đèn “khò”, rồi nhấm nhá, mơ màng về các chàng thủy thủ Xim-bát hay Rô-bin-xơn… Thì đi! Mép sóng đã chờ sẵn những con thuyền thúng, ới lên đã có ngay mấy chủ thuyền đi tới. Bao nhiêu một chuyến? Đầu mùa lấy rẻ 50 nghìn…
Chuẩn bị lên thuyền.
Chuẩn bị lên thuyền ra biển. 
Thuyền câu thường có 2 đến 3 người. Ảnh: Internet
Thuyền câu thường có 2 đến 3 người.
Để cho an toàn, mỗi thúng chỉ đi 3 người. Ngư phủ tầm 50 tuổi, cơ bắp cuồn cuộn tạc ánh đèn sau cánh áo nâu mỏng. Vừa săm sắn các cần câu, chiếc túi đựng lỉnh kỉnh những gì chả biết, ngư phủ ngoắc chiếc đèn “khò” (kiển đèn măng-sông) vào cọc thúng, thả chèo và bảo: Các anh chị mặc áo phao vào nhé, bữa ni biển lặng, mình ra xa chút! Ràn rạt tiếng nhoay nhoáy của mái chèo. Con thúng dướn ra trùng sóng. Gió lành lạnh gợi cảm. Ánh sáng từ bờ cát lùi dần, bên đống củi lửa trại vẫn còn túm tụm những du khách nhập bọn đàn hát, vài người đưa tay vẫy vẫy những “thủy thủ bất đắc dĩ” phiêu lưu biển đêm. Thúng của tôi ngoài Hương còn một du khách vừa nhập bọn xin đi kèm. Anh là một giáo viên ở Thái Bình vào tắm biển Cửa Lò. Nói vô đây muốn ăn một bữa mực “nhảy”, mà nghe nói phải tự đi câu và nướng ngay trên biển mới “chính cống”! Tôi phải đính chính lại cho anh giáo là mực “nháy” chứ không phải “nhảy”. Là con mực vừa mới được câu lên ban đêm, còn tươi, mình phản quang nhấp nháy, dân bản địa Cửa Lò nói “nháy” bằng thổ âm, nghe trệch ra là “nhảy”. Câu và thưởng thức mực “nháy” ở Cửa Lò một phần nhờ thế mà thú vị nhất Việt Nam! Nghe tôi nói, Hương cũng cứ thế mà ô, a rằng trước nay tớ cũng cứ tưởng là con mực tươi nó nhảy lên mới gọi thế cơ!...
- Cách bờ bao xa? “Khoảng một cây số!”. Ngư phủ trả lời và quyết định “thả neo”, kỳ thực là buông chèo cho thúng nương theo sóng bể. Lúc này gió mạnh hơn một chút, chốc chốc thuyền thúng lại dào lên, nước li ti búng vào mặt mát lạnh. Ngư phủ trấn an: “Yên tâm, gió thêm cấp nữa vẫn an toàn”. Tôi đứng dậy ngó quanh. Biển đêm xanh thẫm. Rất nhiều thúng câu mực đã “thả neo”. Phía bờ là “duyên hải” Cửa Lò rực rỡ ánh đèn như một chiến hạm khổng lồ; phía khơi là những tàu cá công suất hàng trăm CV của ngư dân và tàu vào đợi “ăn” hàng ở Cảng Cửa Lò neo đậu, kéo ngang suốt từ đảo Ngư, trông như là một thành phố nổi huyền bí. Đội quân thuyền thúng phiêu lưu câu mực như chúng tôi dễ hàng trăm chiếc, mỗi thúng một ngọn đèn khò, nhấp nháy như những vì sao ở giữa một dải ngân hà, cảm giác thật tuyệt. Hương đứng dậy ới gọi, “hải đội” của chúng tôi gồm 4 thúng đã tập hợp đủ đội hình. Chúc câu được nhiều mực nhé! Nhớ để dành tí về nướng ở lửa trại! Í ới váng cả biển đêm, háo hức một khí thế “chinh phục” biển cả!
Chiến lợi phẩm sau một lúc thả câu. Ảnh: Internet
Chiến lợi phẩm sau một lúc thả câu. 
Ngư phủ lui cui nạp khí thắp đèn “khò”. Ngọn lửa phừng lên rối rít rồi dịu lại trong chân không, phủ quầng sáng trắng bên mạn thúng. Chúng tôi buông câu, mồi chỉ là những rường nhựa, ni long giả con tôm nhấp nhánh nhiều màu. Dưới làn nước biển li ti bao sinh vật ký sinh, lấp lánh ánh vảy bạc. Thi thoảng, lại có một con cá nhỏ quẫy đuôi lại vờn ánh đèn. Anh giáo thò cần câu xuống đuổi dọa, nó chững lại rồi lao vút đi, lườn vảy nháng lên dưới nước biển như một vệt sao băng. Ô kìa, một “chú” mực! Hương níu tay tôi và khe khẽ rít lên tiếng kêu bị kìm nén vì hồi hộp. Lúc này, đó, là một điều tuyệt vời của biển cả. Con mực trong suốt xiêm y xòe ra điệu vũ dập dờn, mềm mại  dưới mặt biển. Thuyền thúng cứ lững đững theo gợn sóng nhẹ. Chúng tôi nhường Hương rê câu theo con mực. Ngư phủ bảo: “Đừng chao vợt bắt, lỡ ngã. Nếu nó ăn, lúc nào thấy vừa nặng tay câu thì chị nhấc thẳng lên nhé!”.
Hương chợt òa lên sung sướng khi sợi dây câu thẳng căng và giật phắt lên thúng một chú mực lớn cỡ nửa bàn tay. Ngư phủ khéo léo đưa vợt đỡ “chú” mực vừa kịp nhả rường câu rồi thả xuống sàn thúng. Con mực tươi roi rói ánh lên muôn kim tuyến. Cả ba chúng tôi buông cần, hau háu ánh mắt vào chú mực đang từ từ chuyển màu trắng đục, váng dần lên lớp màng nâu. Ngư phủ lóe lên ánh cười độ lượng rồi thong thả nhấc chú mực lên, khẽ khàng vắt qua nắp đậy đèn “khò”. Con mực khẽ dướn lên rồi khô dần bởi sức nóng từ đèn “khò”. Một mùi thơm dìu dịu có vị mặn mòi của biển tỏa lên. Bất giác, chúng tôi đều hít hà. Ngư phủ nói: “Nướng vừa chín tới lớp ngoài thôi nhé! Ăn ngọt mực. Con mực vừa câu lên ở biển, có thể ăn gỏi ngay, lành lắm!”. Nói rồi ngư phủ mới thò tay vào chiếc túi đựng đồ, lôi ra một be nhỏ: “Rượu nhà tui nấu. Ta “làm tí” cám ơn quà của biển!”. A, là cái lãng mạn của người miệt biển hay là lễ tục của người làng chài với biển khơi đây? Thôi cứ thưởng thức cái đã! 
Nói thế nào nhỉ? Trước hết là một mùi thơm dịu khó tả nhưng dường như rất nồng nàn khiến tôi rưng rưng khứu giác. Sau đó vị giác cảm nhận được một thứ có thật đầu lưỡi mà trước đó mọi cảm giác đã căng ra chờ đợi. Và, không cưỡng lại được nữa rồi! Răng bập xuống và ngay lập tức những béo, bùi, ngọt, nhân nhẩn đắng thơm… của bao sơn hào hải vị trên đời và cả cái mằn mặn của đại dương vĩ đại đã chiếm lĩnh, ngự trị mọi cảm giác của ta. Nhón nhén thưởng thức từng sợi mực nháy nướng đèn “khò”, ngửa cổ nhấp ngụm nhỏ thức rượu quê, “khà” một tiếng hào sảng giữa trời biển bao la thực là một cảm giác tuyệt cú! Nhìn chúng tôi như ngập đi trong nỗi sung sướng thưởng thức mực nháy câu được, ngư phủ nói: “Chốc câu được nhiều, anh chị tự nướng, cứ người một con, cắn ngang con mực, nhai đã miệng, ngon không tả hết đâu!”. Ừ, phải thế, phải thế! Chúng tôi lại háo hức buông câu...
Mỗi khi thúng nương theo sóng một quãng vào phía bờ là ngư phủ lại nhoay nhoáy chèo ra giữa “dải ngân hà”. Ở các thúng khác chốc chốc lại òa lên sung sướng khi câu được mực. “Hải đội” của chúng tôi vẫn siết chặt đội hình. Hóa ra Hương câu giỏi hơn tôi và anh giáo nhiều, khi trong số hơn hai chục con thì của Hương đã phân nửa. Chừng gần một tiếng đồng hồ. Chúng tôi sau khi nhấm nhá và sau đó gần như nuốt chửng mỗi người mấy con mực “nháy” nướng đèn “khò”, thống nhất đưa số còn lại về nướng lửa trại. Hương bắc loa tay gọi tập hợp đội hình, tiếng í ới đáp lại và lao xao “báo cáo” thành tích, dễ có thúng câu được vài cân mực. 
Gió se hơn. Tiếng cười nói khua động cả mặt biển. Đã ngâm ngấm chút men nồng của rượu quê. Hứng khởi vô cùng. Đã qua những cảm giác hồi hộp, sung sướng và có cả chút... sợ hãi, những Xim-bát và Rô-bin-xơn rong thuyền về đất liền nay mới dám “tỏ vẻ” đạo mạo hỏi chuyện các ngư phủ cầm chèo. Ngư phủ cầm lái “chiến hạm” của chúng tôi nhà hai cha con cứ đến mùa du lịch mỗi người một thúng ra bãi đăng ký phục vụ khách đi câu mực “nháy”. Vào chính vụ du lịch, có đêm đông khách mỗi người đi ba, bốn chuyến, mỗi chuyến hơn 100 nghìn đồng, có khách cho thêm, thu nhập cũng khá. Làm nghề này, cũng có khách quen, nhiều người cầu kỳ, đem cả đèn cồn, ăng-gô, rau thơm gia vị theo, nướng mực chán thì hấp ngay trên thúng. Ăn thế, mới thực là biết ăn miếng ngon.
Còn mực đánh bắt được bảo quản sống trong nước biển, đem về các nhà hàng, chế biến kỳ công món ngon mấy miền khi đang tươi nhanh nhách đấy, nhưng ngon đến độ “choáng váng” như thưởng thức khi vừa câu ngay được thì khó! Ngư phủ còn khẳng định, trong Nam ngoài Bắc, không ở đâu mực câu đêm xơi ngon như ở Cửa Lò. Ấy là các khách du lịch về đi câu mực “nháy” đều bảo thế. Làm nghề này ngót chục năm rồi, ngư phủ nghe nhiều chuyện của “dân” du lịch câu mực đêm, chắc không nói giỡn chơi. Tôi cũng đã đọc đâu đó, rằng “tại Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An, với lợi thế về độ mặn, biển ăn sâu vào đất liền, ít có sóng to, bãi biển Cửa Lò trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống”. Thế nên, câu và thưởng thức món mực “nháy” một cách độc đáo không nhất ở Cửa Lò thì là gì!
Thỏa mãn như vừa xong một chuyến biển thực thụ, mọi người náo nhiệt bình luận, khoe thành tích câu mực “nháy”. Tất cả lại rộn ràng bắt tay vào nướng mực trên lửa trại với quyết tâm “chén bằng hết” thức quà tuyệt vời này của biển Cửa Lò. Anh giáo người Thái Bình nắm chặt tay tôi, nói đây là một kỷ niệm Cửa Lò anh không bao giờ quên và xin hẹn gặp lại ở những mùa tắm biển tới! Hương bần thần nhìn ánh lửa trại, rồi bảo, vẻ rất nghiêm trang: “Những ngày ở đây, chắc mình sẽ thưởng thức bằng hết các món ăn chế biến từ mực tươi!”. Vâng, tôi tin bạn và các đồng nghiệp, cũng như các du khách về tắm biển ở đây, sẽ được thưởng thức và nhớ mãi các món ăn chế biến từ đặc sản mực “nháy” độc đáo của biển Cửa Lò quê hương tôi, mà đã đi vào cẩm nang ẩm thực du lịch quốc tế!
Đình Sâm

tin mới

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thi đua lao động, sản xuất

Công nhân Nghệ An vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thi đua lao động, sản xuất

(Baonghean.vn) - Xuất phát từ các phong trào thi đua lao động, sản xuất, Nghệ An ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể công nhân lao động là điển hình trong học tập và làm theo Bác. Đối với họ, đó là nhu cầu tự thân, là động lực để vượt khó thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.

Công nhân và những diễn đàn được nói

Lắng nghe ý kiến của công nhân

(Baonghean.vn) - Nhu cầu được lắng nghe là một trong những nhu cầu mà đoàn viên, công nhân, lao động mong muốn đáp ứng. Từ sự lắng nghe đó, những vướng mắc có cơ hội được tháo gỡ, những chính sách có cơ hội được hoàn thiện và bản thân công nhân, lao động được khẳng định vị thế của mình.

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội quảng diễn đường phố 'Quê hương mùa sen nở'

(Baonghean.vn) - Các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân đến từ 20 huyện, thành, thị đã mang đến không khí sôi động bằng những màn trình diễn hấp dẫn, với những tinh hoa văn hóa đặc sắc của các đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An tại Lễ hội quảng diễn đường phố "Quê hương mùa sen nở".

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Tháng Năm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

(Baonghean.vn) - Tháng Năm về, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại đón hàng chục nghìn lượt khách từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế về tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người.

Đồng lúa và sen

Mùa vàng trên quê Bác

(Baonghean.vn) - Cùng với những đổi thay trên quê Bác, ngày mùa ở Kim Liên (Nam Đàn) dường như cũng đẹp hơn, rộn ràng hơn. 

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

Tình người ở… 'xóm chạy thận'

(Baonghean.vn) - Dẫu tương lai phía trước còn rất mịt mờ nhưng bằng tình thương, sự động viên của cộng đồng và sự đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, trên những gương mặt xám nghoét vì thiếu máu, vì chạy thận lâu ngày, tôi vẫn thấy nụ cười luôn toả nắng...

Họp

UBND tỉnh Nghệ An họp và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng

(Baonghean.vn) - Chiều 15/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp để nghe và cho ý kiến về các nội dung: Chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; đặt tên đường trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc; họp Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh.

Bác Hồ

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

(Baonghean.vn) - Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của đất nước, vị Cha già của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới đều ngưỡng mộ Người. Những ai từng được gặp gỡ, làm việc bên Bác đều xem đó là may mắn và niềm vinh dự theo suốt cuộc đời…

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

Thiếu nhi Nghệ An làm theo lời Bác dạy

(Baonghean.vn) - Để hiểu hơn về những nỗ lực của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong việc đồng hành với các em thiếu nhi làm theo lời Bác dạy, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An.

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã nghèo Huồi Tụ, Kỳ Sơn

Viettel Nghệ An ‘Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương’ tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), vừa qua, Viettel Nghệ An triển khai chương trình "Lan tỏa tri thức - Kết nối yêu thương" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 1, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

Nhìn nhận và đối mặt bệnh 'sợ trách nhiệm' ở thanh niên

(Baonghean.vn) - "Bệnh sợ trách nhiệm" là tiêu đề bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản; được nhắc đến trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".