Khi Sông Lam Nghệ An ... ‘tái nghèo’

Bùi Hoa 24/08/2023 15:02

(Baonghean.vn) -Hiện thời, dư luận đang ồn ào chuyện cả loạt ngôi sao Sông Lam Nghệ An như Ngọc Hải, Xuân Mạnh, Đình Hoàng, Đình Tiến…rời sân Vinh để đầu quân cho các đội bóng có tiềm lực mạnh của V-League.

Nói cho cùng, điều này vừa bất ngờ, vừa không có gì lạ trong quá trình bóng đá Việt thực sự đi vào con đường chuyên nghiệp nói chung và những gì đang diễn ra ở Sông Lam Nghệ An nói riêng.

Bất ngờ là ở chỗ chính Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Đình Hoàng… được gọi trở lại để phục vụ đội bóng quê hương khi có nhà tài trợ mới, mục tiêu mới và họ được coi là sẽ gắn bó với Sông Lam Nghệ An cho đến hết sự nghiệp, tức sau khi giải nghệ sẽ tiếp tục công việc đào tạo trẻ, trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp sau này như bao đàn anh đã đi qua.

Nhưng không bất ngờ, không có gì xa lạ ở chỗ: sau những gì ông chủ tịch câu lạc bộ phát biểu về việc sẽ chủ động sử dụng các cầu thủ trẻ, về việc chấm dứt sớm hợp đồng với ngoại binh ở giai đoạn 2 V-League mới đây, về chuyện “thắng cũng được, thua cũng được, nhưng…” thì việc các trụ cột hưởng lương cao sẽ khó lòng “trụ” lại được ở đội bóng (thực chất là đội bóng không dư dả để trả lương cao cho họ) là chuyện chóng chầy sẽ đến. Và thực tế điều đó đang xảy ra ở đội bóng tưởng thoát nghèo khi có nhà tại trợ mới lại đang “tái nghèo” sau một vài mùa bóng, buộc phải sử dụng các nhân tố trẻ, tự đào tạo như một cách bắt buộc, không còn đường nào khác.

bna-z4616862764644-391e8d62979d0d6b8336da5c51208a38-5898.jpg
Trung vệ Quế Ngọc Hải đã chính thức chia tay Sông Lam Nghệ An lần thứ 2. Ảnh tư liệu Chung Lê

Thực ra, ở V-League, câu chuyện để trụ cột rời đi từng diễn ra ở Hoàng Anh Gia Lai, nơi đội bóng lâu nay chỉ “đá cho vui”, cầu thủ giỏi đến thế nhưng vẫn phải “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Khác chăng là các ngôi sao của đội bóng phố núi như Công Phượng, Văn Toàn và vài nhân tố trẻ khác thì được ra nước ngoài thi đấu (thành công hay thất bại, ai ai cũng biết), còn lại những Văn Thanh, Hồng Duy, Xuân Trường, Việt Hưng, tới đây nghe tin đến cả Tuấn Anh, Quang Nho… cũng lần lượt rời đại bản doanh Hàm Rồng, thì câu chuyện của Sông Lam Nghệ An không hề là độc nhất, cá biệt nữa.

Đó là câu chuyện thường ngày của bóng đá chuyên nghiệp, của chuyện muôn thuở “nước chảy chỗ trũng” ở khắp mọi nền bóng đá lớn nhỏ. Một người đam mê bóng đá như bầu Đức, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ của không run tay như bầu Đức mà cũng phải chấp nhận sự rời đi của những đứa “con cưng” để “con chị nó đi, còn dì nó lớn” thì chuyện đang diễn ra ở đội bóng thành Vinh xem ra “nhỏ như con thỏ” mà thôi!

Vấn đề là Sông Lam Nghệ An sẽ làm gì, làm như thế nào sau khi để hàng loạt trụ cột rời đi? Đội bóng thành Vinh có thuận lợi nhất trong tất cả các đội ở V-League là có nguồn đào tạo trẻ dồi dào, có thương hiệu, được tôi luyện ở tất cả các cấp độ câu lạc bộ và tuyển quốc gia nên không đến mức phải “giật gấu, vá vai” về nhân lực như nhiều đội bóng “giàu xổi” khác. Nhiều nhân tố trẻ đang được gọi tập trung ở U23 Việt Nam hiện tại sẽ lần lượt được gọi lên đội 1 là điều chắc chắn, có cơ sở.

Vấn đề là chuyện mua sắm ngoại binh vốn mát tay từ đầu, nay lại đâm ra “nóng tay”, tức chủ yếu tậu về hàng lởm, hàng kém chất lượng nên việc “so giày” với đối thủ ngày càng khó khăn hơn. Sông Lam Nghệ An nhiều mùa nay khá tín nhiệm ngoại binh Olaha (hiện đang tiếp tục được giữ lại) nhưng cầu thủ này cũng chỉ đạt mức trung bình khá nhờ sự tận tâm, cống hiến và thật không may là ít gặp được đối tác ăn ý trên hàng công. Có tin, Sông Lam Nghệ An sẽ dành 2 vị trí ngoại binh còn lại để “dắm” vào vị trí trung vệ và một vị trí đá cặp cùng Olaha trên hàng công như cách đội bóng vận hành hàng chục năm nay.

Rất khó hy vọng việc đội bóng sẽ không tiếc tiền để tậu những ngoại binh chất lượng cao cỡ như Lucao (sẽ về Hải Phòng mùa tới?), Rafael (đang đầu quân cho Công an Hà Nội), hay Caion (Hà Nội FC) bởi chính câu chuyện “đầu tiên-tiền đâu” của đội bóng, đến nội binh giỏi còn chưa đáp ứng nổi, nói gì ngoại binh giỏi? Cái chính là mục tiêu mà đội bóng đặt ra ở mùa tới 2023-2024 là gì? Chỉ là “không xuống hạng” hay top 3, top 5… cho đến nay chưa thể biết nhưng sẽ là một mục tiêu khiêm tốn, không thể vống lên lúc này.

bna-slna-hatinh2023-07-8779.jpeg
Sông Lam Nghệ An trong trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ảnh: Chung Lê

Nói cho cùng, bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá xã hội hóa đã và đang là con đường tất yếu, là con đường mà những Hà Nội FC, Viettel, Công an Hà Nội …đang bước đi và thành công những năm qua. Những trăn trở, băn khoăn, thậm chí những hành động cực chẳng đã của cổ động viên Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương, Nam Định hay Sông Lam Nghệ An là điều cần được xem xét nghiêm túc, cẩn trọng nhưng rõ ràng các đội bóng chuyên nghiệp V-League đang được “nuôi” bởi nguồn lực của các ông bầu, nên trong ngắn hay dài hạn, mọi việc đều do các ông bầu quyết định, trước khi nói đến những điều khác…

Nền kinh tế đang trải qua thời kỳ khó khăn nên mọi thăng trầm của doanh nghiệp hay các đội bóng là khó tránh khỏi. Tình yêu vô vàn với bóng đá là cần thiết nhưng lúc này thật khó để “nuôi” được các đội bóng vốn ngốn tiền của ngày một nhiều trong quá trình cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, câu chuyện “nóng” của Sông Lam Nghệ An chẳng qua là bước tiếp nối không thể khác của Hoàng Anh Gia Lai và của nhiều đội bóng “cựu vương” khác, từng vất vả chống xuống hạng khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể ra, dù có nhiều điều không thuận, không hay thì Sông Lam Nghệ An cũng không đến nỗi trầy trật, thê thảm như Nam Định, Đồng Tháp, Quảng Nam hay Đà Nẵng mới đây. Lạ là một trung tâm đào tạo trẻ nức tiếng đến thế, cho “trưởng thành” vô vàn cầu thủ giỏi đến thế mà không thấy mang lại lợi ích gì cho đội bóng về nguồn lực tài chính? Và phải chăng khi lên chuyên, thực sự chuyên, đó là một trong những mục tiêu cốt yếu nhất để đội bóng tiếp tục làm tốt đào tạo trẻ, tạo ra thương hiệu mạnh và tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, giá trị lớn trên thị trường chuyển nhượng, để “nuôi” lại chính đội bóng, giúp đội bóng “thoát nghèo” bền vững?

Mới nhất

x
Khi Sông Lam Nghệ An ... ‘tái nghèo’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO