Cảng Hàng không quốc tế Vinh nâng công suất từ 7 - 8 triệu lượt khách vào năm 2030

Nguyễn Hải 16/02/2023 08:38

(Baonghean.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh đến năm 2030. Theo Đề án này, Cảng Hàng không quốc tế Vinh nâng công suất từ 7 - 8 triệu lượt khách vào năm 2030.

Sự cần thiết phải nâng cấp hạ tầng

Sở dĩ Nghệ An phải tích cực đầu tư, tăng tốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh là bởi thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, Cảng Hàng không quốc tế Vinh đã chạm ngưỡng và xảy ra hiện tượng quá tải khi năm 2019 phục vụ 13.947 lượt cất/hạ cánh; năm 2020 phục vụ 14.027 lượt cất/hạ cánh và tổng cộng 2 năm có 4 triệu lượt khách qua lại.

Thực tế, bình thường cảng chỉ phục vụ 26-28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52-56 lượt cất hạ cánh/ngày) nhưng có thời điểm phục vụ 50 chuyến bay, tương đương 100 lượt cất/hạ cánh và từ tháng 12/2022, mỗi ngày cảng phục vụ từ 55 đến 60 chuyến bay, tương đương với 110-120 lần cất/hạ cánh thì xuất hiện ùn ứ.

Hành khách làm thủ tục bay đi các chặng phía Nam. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Hoàng Văn Thư - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh cho biết: Sau khi được nâng cấp năm 2018, cảng thu hút được 6 hãng hàng không và khai thác 9 đường bay. Tuy vậy, do đường băng hiện tại chỉ dài 2,4 km nên chỉ có các loại máy bay A320/A321 hoặc tương đương, sức chứa chỉ 150 đến 250 khách/chuyến; mỗi giờ chỉ phục vụ được 4 lượt cất/hạ cánh nên chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm dịch Covid-19, lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng đã giảm mạnh. Nếu như năm 2019, có gần 9.200 tấn và năm 2020 là 7.160 tấn hàng hóa qua cảng thì năm 2022 đã giảm mạnh chỉ còn chưa đầy 1 nửa, với gần 3.000 tấn.

Dịch vụ đón khách và hàng hóa tại Sân bay Vinh cũng mang lại doanh thu cho cảng. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh bất cập về hạ tầng đường băng, do cảng chưa có đủ sân đậu cho máy bay nên khi tần suất bay, cất và hạ cánh tăng thì xảy ra tình trạng máy bay phải bay lòng vòng không thể hạ cánh vì không có chỗ đậu. Đặc biệt, từ đầu tháng 2 đến nay, khi tình trạng sương mù dày đặc thì số chuyến bay bị hoãn hoặc hủy ngày càng nhiều khiến hành khách không hài lòng.

Mặt khác, do điều kiện thời tiết Nghệ An khá khắc nghiệt nên chất lượng mặt đường băng cất/hạ cánh dù mới được nâng cấp nhưng đã xuống cấp. Cảng cũng chưa có hệ thống đường lăn song song và sân đậu máy bay nên đã ảnh hưởng tần suất cất và hạ cánh.

Vì vậy, việc huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp và khai thác hạ tầng cảng là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, nếu có đường băng mới và các hạng mục phụ trợ như sân đỗ, kho bãi để phục vụ bốc dỡ hàng hóa, cảng có thể tiếp nhận các loại máy bay thân lớn như A350, B777, B787… nhằm tăng lợi thế cạnh tranh so với loại hình vận tải khác và các sân bay khác.

Hành khách xuống Sân bay Vinh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại phiên làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 8/2, Sở Giao thông Vận tải thay mặt UBND tỉnh báo cáo và trình Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh đến năm 2030 để thảo luận và thống nhất phương án lựa chọn mô hình đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Vinh trên cơ sở quản lý và khai thác trên hiện trạng hạ tầng mà Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đang quản lý, vận hành.

Thủ tướng Chính phủ khảo sát thiết kế nâng cấp hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Duy

Trước đó, tại phiên họp tháng 10, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đặc thù cho thành phố Vinh điều tiết 100% ngân sách tỉnh tiền sử dụng đất từ 4 dự án khu đô thị trên địa bàn TP. Vinh với số tiền 4.000 tỷ đồng để tạo nguồn hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Vinh và đường dẫn nối từ N5 (Quốc lộ 7C) về hướng Cảng nước sâu Cửa Lò…

Cần giải pháp khai thác cảng hiệu quả

Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, công suất Cảng Hàng không quốc tế Vinh dự kiến đến năm 2030 khoảng 8 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 khoảng 14 triệu hành khách/năm.

Hành khách xuống sân bay chờ xe dịch vụ đưa đón về các địa phương. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng theo ông Hoàng Văn Thư - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh: Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, nếu mọi việc thuận lợi thì đến năm 2030, đường bay kèm nhà ga mới được thi công và đưa vào khai thác. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo được lợi thế cạnh tranh so với các loại hình vận tải khác, Cảng Hàng không quốc tế Vinh đang kiến nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) phương án đầu tư khai thác hết công năng hạ tầng hiện tại.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia hàng không, mặc dù hạ tầng hiện chưa cho phép loại máy bay cỡ lớn như A350, B777, B787 xuống, nhưng nếu nâng cấp tháp không lưu và hệ thống tín hiệu điều khiển trên sân thì các máy bay cỡ lớn cũng có thể xuống. Loại máy bay thân lớn có thể chở từ 350- 400 khách/chuyến thì chỉ cần 20-30 chuyến bay cỡ lớn và 20 chuyến bay cỡ nhỏ/ngày thì công suất cảng sẽ được cải thiện, hiệu quả khai thác sẽ cao hơn, qua đó, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư để khai thác.

Đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Nghệ An khảo sát hiện trạng đường băng cất, hạ cánh tại Sân bay Vinh. Ảnh tư liệu

Để triển khai Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Vinh, từ nay đến năm 2030, Cảng Hàng không quốc tế Vinh từ 1 đường băng thành 2 đường cất/hạ cánh, Nghệ An dự kiến huy động khoảng 5.084 tỷ đồng để giải phóng 115 ha mặt bằng đáp ứng chuẩn cảng hàng không cấp 4E theo quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, công suất khai thác đạt từ 7 - 8 triệu lượt hành khách/năm. Theo thông tin mới nhất, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành báo cáo lập điều chỉnh quy hoạch, trình Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất/hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế Vinh.

Cụ thể, diện tích đất dự kiến cần giải phóng mặt bằng để xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất/hạ cánh khoảng 115 ha, trong đó, xã Nghi Ân (TP. Vinh) 68,1 ha, xã Nghi Trường (Nghi Lộc) 43,6 ha và xã Nghi Trung (Nghi Lộc) 3 ha. Phương án này không ảnh hưởng đến diện tích đất quốc phòng như lo ngại lâu nay.

(Trích phát biểu của đại diện Sở Giao thông Vận tải).

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết thêm: Để thực hiện Đề án trên, dự kiến có khoảng 850 hộ dân thuộc các xã sẽ bị ảnh hưởng và bị thu hồi đất. Chưa tính chi phí xây lắp, kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 5.084 tỷ đồng và tỉnh đã có phương án, lộ trình sắp xếp nguồn vốn.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Vinh chia sẻ thêm: Trong điều kiện năng lực khai thác của cảng hiện tại, các hạng mục hạ tầng chính sân bay, bãi đậu, thiết bị sẽ thực hiện từ nguồn đầu tư công; các hạng mục khác tại khu hàng không dân dụng mới như Nhà ga hành khách, Nhà ga hàng hóa, hangar (khu bảo trì máy bay) và công trình khu bay, bao gồm đường cất/hạ cánh số 2, đường lăn, sân đỗ… tỉnh đã trình và được Thủ tướng đồng ý cho kêu gọi nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Hy vọng tỉnh sẽ kêu gọi được nhà đầu tư vào đầu tư, khai thác để công suất và chất lượng phục vụ được nâng lên đột phá, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách./.

Mới nhất
x
Cảng Hàng không quốc tế Vinh nâng công suất từ 7 - 8 triệu lượt khách vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO