Điểm danh 3 gia đình bóng đá nổi tiếng xứ Nghệ

Thanh Hưng 27/04/2020 11:24

(Baonghean.vn) - Sự đóng góp của gia đình cựu danh thủ Văn Sỹ Chi, gia đình cựu HLV Nguyễn Thành Vinh và gia đình cựu danh thủ Hà Thìn cho bóng đá xứ Nghệ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung là không thể đong đếm được.

1. Gia đình cựu danh thủ Văn Sỹ Chi

Sinh ra và lớn lên ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), nhưng toàn bộ sự nghiệp cầu thủ của cố danh thủ Văn Sỹ Chi lại gắn với màu áo Thể Công và Công an Thanh Hóa. Ông thi đấu cho đội bóng quân đội và Đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn 1960 - 1970. Luôn gắn với chiếc áo số 10, nên cố danh thủ Văn Sỹ Chi được mệnh danh là "số 10 bất tử".

Trên cương vị HLV, cựu danh thủ Thể Công từng đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ tại SLNA trong giai đoạn 1996 - 2003. Nhờ tài năng và tâm huyết của ông Văn Sỹ Chi, lò đào tạo SLNA (thành lập năm 1996) trở thành lò đào tạo uy tín, danh giá bậc nhất của bóng đá Việt Nam, nơi những Phạm Văn Quyến, Nguyễn Minh Đức, Lê Công Vinh, Nguyễn Quang Tình, Nguyễn Trọng Hoàng, Hoàng Văn Bình... được đào tạo một cách bài bản.

Tháng 3/2019, ông Văn Sỹ Chi trở thành "người thiên cổ" trong niềm tiếc thương gia đình, bè bạn và người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Không chỉ là cầu thủ xuất chúng, không chỉ là HLV mẫu mực, tâm huyết, ông Văn Sỹ Chi còn là "thân phụ" của 5 cầu thủ là Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy và Văn Sỹ Linh.

Riêng bộ 3 Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Sơn - Văn Sỹ Thủy từng rất nổi tiếng trong màu áo SLNA ở thập niên 90 của thế kỷ trước đến đầu những năm 2000. Hàng loạt danh hiệu cao quý của SLNA có công sức rất lớn của họ, điển hình như chức vô địch V.League năm 2001.

Các thành viên của gia đình họ Văn. Ảnh tư liệu
Các thành viên của gia đình họ Văn. Ảnh tư liệu
Cũng giống như người cha vĩ đại của mình, Văn Sỹ Hùng có nhiều năm cống hiến cho Đội tuyển Việt Nam, dưới thời HLV Colin Murphi (Anh) và HLV Alfred Riedl (Áo). Đáng tiếc, những chấn thương liên tiếp trong giai đoạn cuối sự nghiệp đã khiến Văn Sỹ Hùng không được tham dự Tiger Cup năm 2000 và năm 2002, dù chơi bóng đỉnh cao đến năm 2004, trong màu áo CLB Khách Sạn Khải Hoàn.

Giờ đây, cả 5 anh em trai nhà họ Văn đều đang làm việc tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH. Đây là Trung tâm do chính gia đình họ Văn xây dựng cuối năm 2005, trước khi thuộc về Tập đoàn Hải An và hiện là Tập đoàn T&T. Phải thừa nhận, gia đình họ Văn là gia đình thể thao nổi tiếng nhất trên dải đất hình chữ S, giống như gia đình Maldini ở tận đất nước Italia xa xôi.

2. Gia đình cựu HLV Nguyễn Thành Vinh

Với 24 năm dẫn dắt SLNA (1980 - 2004), HLV Nguyễn Thành Vinh là một trong những vị chiến lược gia có thời gian làm "thuyền trưởng" một đội bóng lâu nhất và sở hữu nhiều danh hiệu nhất của bóng đá nước nhà (vô địch Giải vô địch Quốc gia năm 2000, vô địch V.League năm 2001, vô địch Cúp Quốc gia năm 2002, vô địch Siêu Cúp Quốc gia vào các năm 2000, 2001 và 2002...).

Ở cấp độ các đội tuyển Quốc gia, ông Vinh "Nghệ" từng có vinh dự đảm nhiệm vai trò quyền HLV trưởng của U23 Việt Nam (từ cuối năm 2002 - đầu năm 2003) và của Đội tuyển Việt Nam (từ tháng 1 - 3 năm 2004). Thành tích ấn tượng nhất của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh lúc nắm tuyển, chính là xây dựng được bộ khung cho U23 Việt Nam để tham dự SEA Games 2003, với tư cách là đội chủ nhà.

Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh (phải) và cậu con trai, HLV Nguyễn Thành Công. Ảnh: dantri.com

Trong khi đó, người con trai Nguyễn Thành Công từng có nhiều năm khoác áo SLNA (cuối những năm 90 của thế kỷ trước - đầu những năm 2000). Thời còn thi đấu, cựu cầu thủ sinh năm 1977 chơi ở vị trí tiền đạo. Giã từ sự nghiệp cầu thủ, Nguyễn Thành Công lần lượt theo học các lớp đào tạo HLV. Hiện tại, Nguyễn Thành Công đang nghỉ ngơi, sau gần 2 mùa giải dẫn dắt CLB Sài Gòn (2018 - 2019).

Theo đánh giá của giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà, HLV Nguyễn Thành Công là một trong những vị chiến lược gia trẻ tuổi đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Những gì mà HLV Nguyễn Thành Công làm được trong 2 mùa giải đã qua tại CLB Sài Gòn (xếp thứ 5 tại V League năm 2019), đủ để khẳng định tài năng của cựu tiền đạo SLNA. Nên nhớ, trong quá khứ, HLV Nguyễn Thành Công từng giúp U17 SLNA giành chức vô địch tại VCK U17 QG năm 2008. Đúng là, "hổ phụ sinh hổ tử".

Xét một cách khách quan, công lao của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh và phần nào đó là của HLV Nguyễn Thành Công cho SLNA là vô cùng lớn. Từ một đội bóng non trẻ, kém tên tuổi, dưới sự nhào nặn, dẫn dắt của ông Vinh "Nghệ", SLNA đã từng bước trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam, đối trọng xứng tầm của những Thể Công, Công an TP.HCM, Cảng Sài Gòn...

3. Gia đình cựu danh thủ Hà Thìn

Gắn bó với SLNA suốt 47 năm trời trên cả tư cách cầu thủ và HLV (1968 - 2015), cựu danh thủ sinh năm 1952 được xem là một trong những biểu tượng của đội bóng xứ Nghệ. Thời còn tung hoành trên sân cỏ, cựu danh thủ Hà Thìn thi đấu ở vị trí trung vệ, nổi tiếng với những pha ghi bàn bằng đầu. Có thể khẳng định, ở SLNA, cựu danh thủ Hà Thìn là gương mặt xuất sắc nhất trong thế hệ của mình.

Kết thúc mùa giải 1988, cựu danh thủ Hà Thìn được tỉnh Nghệ Tĩnh cử sang Đức du học về ngành bóng đá. Sau 4 năm miệt mài học tập, cựu danh thủ Hà Thìn trở lại quê nhà đảm nhận công tác đào trẻ. Dưới bàn tay "nhào nặn" của cựu HLV Hà Thìn, hàng loạt tài năng trẻ bóng đá xứ Nghệ đã trở thành trụ cột của SLNA cũng như các đội tuyển Quốc gia. Đặc biệt, cựu HLV Hà Thìn còn góp phần giúp lối chơi của SLNA mềm mại hơn, tinh tế hơn, thay vì lạm dụng những pha "chém đinh, chặt sắt" như ngày xưa.

Cựu HLV Hà Thìn và cố cầu thủ Hà Mai Giang nhận cúp vô địch tại VCK U21 Báo Thanh Niên năm 2001. Ảnh tư liệu

Giai đoạn những năm 2000, cựu HLV Hà Thìn thường xuyên dẫn dắt các đội trẻ SLNA tham dự các Vòng chung kết. Thành tích ấn tượng nhất của cựu HLV Hà Thìn ở sân chơi Quốc gia dành cho các đội trẻ, chính là chức vô địch của U21 SLNA tại Vòng chung kết U21 Báo Thanh Niên năm 2001, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Dù rất thành công ở các giải trẻ, nhưng cựu HLV Hà Thìn lại chỉ có một lần được dẫn dắt SLNA thi đấu tại V.League, đó là mùa giải 2006, mùa giải duy nhất ông làm "thuyền trưởng" đội bóng quê hương.

Hẳn, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ vẫn chưa thể quên cựu tiền vệ Hà Mai Giang, cầu thủ từng cùng U21 SLNA giành 2 chức vô địch (năm 2000 và 2001). Đáng tiếc, tiền vệ sinh năm 1979, có lối chơi hào hoa, từng được mệnh danh là Phan Thanh Tuấn “đệ nhị” lại vĩnh viễn ra đi sau một vụ tai nạn giao thông, xảy ra đầu năm 2004. Đây là một mất mát lớn với gia đình cựu danh thủ Hà Thìn và của bóng đá xứ Nghệ.

Dẫu vậy, với cương vị là một người thầy, cựu HLV Hà Thìn không thể để chuyện riêng ảnh hưởng đến công việc chung. Nén đau thương, "nuốt nước mắt vào trong", cựu HLV Hà Thìn vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Mùa hè 2015, cựu HLV Hà Thìn gửi đơn xin nghỉ việc lên Ban lãnh đạo SLNA, với lý do sức khỏe không còn đảm bảo, và đã được chấp thuận. Thông tin cựu HLV Hà Thìn chính thức nghỉ hưu khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ cảm thấy rất tiếc nuối. Bởi cựu HLV Hà Thìn đã dành cả thanh xuân, cả những gì quý giá nhất của mình cho SLNA.

Nhắc lại như vậy với mục đích là để lớp lớp các thế hệ cổ động viên SLNA biết được công lao to lớn của những người tiền bối, những "cây đa cây đề", những "công thần" của đội bóng quê hương. Thật tự hào khi xứ Nghệ đã sản sinh những người làm bóng đá, những danh thủ ưu tú như các thành viên của gia đình họ Văn, họ Nguyễn và họ Hà./.

Mới nhất

x
Điểm danh 3 gia đình bóng đá nổi tiếng xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO