Điểm 10 duy nhất môn Ngữ văn ở Nghệ An là học sinh giỏi môn Sinh, Hóa
(Baonghean.vn) - Đã nhiều năm rồi, Nghệ An mới có một điểm 10 môn Ngữ văn tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Nữ sinh này cũng là Thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương).
Thủ khoa “kép”
Đã qua một ngày biết kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 nhưng Bùi Thảo Nguyên dường như vẫn chưa tin vào kết quả của mình. Tối hôm đầu tiên, cả nhà mất ngủ vì “cảm giác lâng lâng” khó diễn tả thành lời...
Thảo Nguyên là học sinh lớp 9B - Trường THCS Thanh Yên - Thanh Chương. Ảnh: Mỹ Hà |
Thảo Nguyên cho biết, em khá bất ngờ bởi sau khi đi thi về dù làm bài đến 3 tờ giấy thi, viết đến khoảng 10 trang giấy nhưng em chỉ hy vọng mình được 8,5 điểm. Chính vì thế, khi nhận thông tin “thủ khoa” và là điểm 10 duy nhất thì em hết sức bất ngờ. Với điểm 10 Ngữ văn, điểm Toán 9 và điểm Ngoại ngữ là 6,6 thì Bùi Thảo Nguyên cũng giành luôn vị trí Thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương).
Phải đợi gần 6 năm, Nghệ An mới có điểm 10 thứ 2 môn Ngữ văn và cũng là điểm 10 hiếm hoi trong lịch sử môn Ngữ văn của tỉnh nhà.
Là giáo viên phụ trách môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo, thầy giáo Nguyễn Chí Hòa - Phòng Giáo dục Trung học cho rằng: Tôi phụ trách chung và quản lý một điểm chấm thi khác nên theo quy định không được đọc bài thi điểm 10 của nữ sinh này. Tuy nhiên, khi biết kết quả, chúng tôi đều rất vui. Thực tế, môn Ngữ văn cũng như các môn học khác đều có barem điểm từ điểm 1 đến điểm 10 nhưng để chấm một bài Văn điểm 10 thì chắc chắn bài văn ấy phải có sự vượt trội và đáp ứng được đủ 5 tiêu chí là: đúng vấn đề, bố cục triển khai lập luận sắc sảo, chặt chẽ, có nâng cao, đúng chính tả. Đặc biệt bài viết phải có tính sáng tạo...
Thủ khoa là giấc mơ của Thảo Nguyên trong những năm học THCS. Ảnh: NVCC |
Kể về bài làm của mình, Thảo Nguyên cho biết, “khi đọc đề thi môn Ngữ văn năm nay, em thấy rất thích. Tuy nhiên, vì thời gian làm bài chỉ có 120 phút nên em phải bố trí thời gian hợp lý, trong đó 60 phút đầu là câu 1 và câu 2. 55 phút còn lại em dành thời gian cho câu 3 và 5 phút cuối cùng em khảo lại bài và sửa lỗi chính tả”.
Ngoài việc bố trí thời gian làm bài hợp lý, Thảo Nguyên nói thêm rằng: “Em nghĩ là mình đã làm tốt nội dung của các câu hỏi, và em rất thích câu hỏi môn Nghị luận “nói về suy nghĩ của em về vai trò của tính tự lập đối với giới trẻ”.
Đây cũng là câu hỏi khá mới nhưng bằng suy nghĩ của mình Thảo Nguyên đã có một bài lập luận khá chặt chẽ với ví dụ là hình ảnh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành bằng ý chí của mình đã tự quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và giải phóng được đất nước thoát khỏi ách nô lệ. Về phần suy nghĩ của bản thân, nữ sinh này cho rằng: Con người nếu không có tính tự lập thì khó có thể thành công, chỉ số thành công có thể là không, hoặc là âm. Vì thế từ khi là một em nhỏ, là một học sinh hay là lớn hơn thì mỗi người đều phải có ý thức tự lập, từ mình quyết định tương lai của bản thân và phải tự nỗ lực thực hiện.
Thảo Nguyên cùng cô giáo dạy Văn (áo trắng) và cô giáo chủ nhiệm (áo đỏ). Ảnh: Mỹ Hà |
Ở các câu hỏi khác, dù có một bài văn khá dài nhưng Thảo Nguyên vẫn có thể đọc lại khá chính xác bài làm của mình.
Trả lời cho suy nghĩ của mình với câu văn “Cây che nắng cháy gió mưa, che chở chim non đến khi đủ lông, đủ cánh”, cô bé đã viết: "Nếu như nói bố mẹ là cây xanh và con là con chim non thì ta thấy được chim non luôn ở dưới sự bao bọc của cây. Nhưng khi chim lớn lên và đủ khả năng để đi tìm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống thì chim cũng phải tập cách rời khỏi tán lá bảo vệ của cây và con lớn lên thì cũng phải tập cách rời khỏi vòng tay của bố mẹ".
Thảo Nguyên cũng cho rằng, năm nay giữa các câu hỏi của đề thi có sự kết nối với nhau và điều này có thể làm “khó” thí sinh. Nhưng Thảo Nguyên lại xem đây là một “lợi thế” và em lấy dữ liệu của các câu hỏi trước để chứng minh cho bài viết của mình.
Trực tiếp chấm bài thi của Thảo Nguyên và quyết định cho bài thi này 10 điểm, nữ giám thị tại điểm chấm thi Trường THPT Hà Huy Tập chia sẻ: Tôi đã đi dạy môn Ngữ văn 28 năm và đây là bài Ngữ văn đầu tiên tôi cho điểm 10. Đó là một bài làm hoàn hảo ở tất cả các câu và đảm bảo độ hoàn chỉnh.
Nữ giám khảo này cũng cho rằng: Ngoài các tiêu chí riêng thì bộ môn Ngữ văn có đặc trưng riêng là tính văn chương. Vì thế, để làm một bài văn tốt ngoài kiến thức cần kỹ năng, cần giọng điệu riêng, sáng tạo của người viết. Ở đây trong bài văn này thí sinh đã thể hiện sâu sắc, mới mẻ các vấn đề mà đề văn yêu cầu và văn phong rõ ràng, độc đáo: Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng em đã có một bài viết được trình bày sạch sẽ, chữ viết đẹp, không gạch xóa, không lúng túng trong diễn đạt. Phần tư duy của em cũng mạch lạc, chủ động không phải trình bày theo kiểu học thuộc, đọc chép...
Chủ nhân điểm 10 môn Ngữ văn hiện sống cùng ông bà nội và bố mẹ ở xã Thanh Yên - huyện Thanh Chương. Ảnh: MH |
Trước đó, nữ giám khảo này là giám khảo 1 và khi quyết định cho điểm 10 Ngữ văn đầu tiên trong cuộc đời đi dạy của mình thì ngoài “hứng thú” chị còn mang cảm giác “trông chờ” bởi điểm quyết định cuối cùng còn phải phụ thuộc vào giám khảo 2 - chấm lại lần 2. Chính vì điều đó, khi xem kết quả hai lần chấm ghép lại, trường chấm thi dường như “vỡ òa” bởi cả hai giám khảo đều quyết định cho điểm 10 với bài văn đặc biệt này.
Ngữ văn không phải là lợi thế
Nhận được kết quả thi của Bùi Thảo Nguyên, không riêng gì cá nhân và gia đình mà thầy cô đang dạy Thảo Nguyên ở Trường THCS Thanh Yên - huyện Thanh Chương cũng bất ngờ bởi lẽ “lợi thế của Nguyên ở trường là học tự nhiên. Năm lớp 9 Nguyên đạt Học sinh giỏi huyện ở cả môn Hóa học và Sinh học. Môn Toán, Nguyên cũng từng được giáo viên chủ nhiệm gọi vào đội tuyển”.
Thủ khoa môn Ngữ văn là một học sinh trường làng và không học thêm nhiều. Ảnh: MH |
Thực tế, Thảo Nguyên cũng đã được cô giáo dạy môn Ngữ văn gọi vào đội tuyển nhưng vì ước mơ làm bác sĩ và xác định theo các môn tự nhiên nên cô bé đã từ chối cơ hội này.
Tuy nhiên, dù không theo đuổi môn Ngữ văn nhưng đây vẫn là môn học tạo cho Nguyên cảm hứng và Nguyên học Văn nhẹ nhàng như “đọc một cuốn sách hay vậy”. Cá nhân Nguyên cũng cho rằng, bí quyết học Văn đơn giản là đọc thật nhiều sách để tập cách hành văn và cho mình những xúc cảm...
Chính quyền xã Thanh Yên đến trao quà chúc mừng giáo viên, học sinh Trường THCS Thanh Yên. Ảnh: MH |
Cùng với điểm 10 tuyệt đối môn Ngữ văn, Thảo Nguyên cũng đã có một kỳ thi thành công khi đạt vị trí Thủ khoa vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, trong đó Toán em được 9 điểm. Cô bé này cũng chia sẻ: Đề Toán với em không khó lắm và nếu đọc kỹ đề em có thể chắc chắn được 9,5 điểm...
Mẹ của Thảo Nguyên - cô giáo Trần Thanh Tâm - cũng là giáo viên dạy Toán chia sẻ: Cá nhân tôi có thể tự tạo áp lực cho mình nhưng tôi chưa bao giờ thể hiện ra ngoài để con lo lắng. Thảo Nguyên chăm học, ưa đọc sách, có bao nhiêu tiền đều dành dụm để mua truyện. Tôi cũng không cấm con chơi điện thoại, thậm chí năm lớp 8 tôi còn chủ động lập Facebook cho cháu để cháu trò chuyện, trao đổi với thầy cô và bạn bè. Tuy nhiên, Thảo Nguyên là một đứa bé kỷ luật và “tự lập” nên em chưa bao giờ để bố mẹ phiền lòng hay lo lắng.
Thảo Nguyên bên bố mẹ. Ảnh: Mỹ Hà |
Tin vui về một nữ sinh trường làng nhưng lại đạt điểm 10 duy nhất toàn tỉnh môn Ngữ văn tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng đã làm “nức lòng” thầy cô, chính quyền và bà con trong xã. Thầy giáo Bùi Xuân Trung -Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Yên cho biết: Năm nay trường chúng tôi đã có “mùa vàng” khi học sinh của trường giành vị trí Thủ khoa và Á khoa vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, có nhiều học sinh có điểm 8, điểm 9. Đây là thành quả sau một năm học rất khó khăn và tập thể nhà trường đã nỗ lực, vượt qua dịch bệnh, vượt qua nhiều trở ngại để có một mùa thi thành công./.