Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 26 khảo sát tại khu vực biên giới ở Nghệ An

Thanh Lê 19/11/2022 13:37

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác đề nghị huyện Con Cuông tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các loại hình du lịch, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn môi trường sinh thái gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Sáng 19/11, tại xã Môn Sơn (Con Cuông), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương khảo sát thực tế phục vụ tổng kết Nghị quyết 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với huyện Con Cuông về phát triển du lịch và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên khu vực biên giới của huyện Con Cuông.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch

Huyện Con Cuông là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều cảnh quan, điểm đến như: Vườn Quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, hang Nàng Màn, khe Nước Mọc, đập Phà Lài - sông Giăng,… Tại địa phương, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, làng nghề, ẩm thực truyền thống.

Đặc biệt, năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng huyện Con Cuông thành đô thị theo hướng sinh thái. Đây là tiền đề để Con Cuông phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình xây dựng nông thôn mới ở 27 xã biên giới của Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Trong những năm qua, việc triển khai hoạt động du lịch đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được xây dựng, nhiều điểm du lịch đã thu hút được các nhà đầu tư. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển mạnh, thu hút lượng du khách lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Con Cuông có 3/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 23/107 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn huyện đạt 12,4/19 tiêu chí/xã.

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông trao đổi, làm rõ một số nội dung đoàn công tác quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 22,93%; hộ cận nghèo chiếm 15,18%.

Trên địa bàn huyện Con Cuông có 13 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 3 sao và 7 sản phẩm đạt 4 sao; 3 điểm du lịch cộng đồng tại Bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) và bản Xiềng (xã Môn Sơn).

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm rõ nguyên nhân, khó khăn trong công tác xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới của tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Huyện Con Cuông có 2 xã biên giới Châu Khê và Môn Sơn với chiều dài trên 61,8 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp.

Ngoài nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, 2 xã biên giới của huyện được bổ sung nguồn lực từ Đề án xây dựng nông thôn mới tại 27 xã khu vực biên giới ở Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định 61/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân vùng biên giới được cải thiện.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Theo đó, xã Môn Sơn có 14 bản, trong đó 5/14 bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 21,7%. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 5/6 trường; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Xã Châu Khê đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 3/9 thôn, bản đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/năm; số trường đạt chuẩn quốc gia là 3/4 trường; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Con Cuông tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn thiếu và chưa đạt so với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế dựa vào rừng tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, nhất là tộc người Đan Lai tỷ lệ hộ nghèo còn gần 100%...

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thảo luận, trao đổi tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác đề nghị huyện Con Cuông làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa; công tác thu hút đầu tư đối với lĩnh vực du lịch; loại hình du lịch mũi nhọn, chủ đạo của huyện Con Cuông; phát triển tiềm năng, lợi thế từ rừng và chính sách tạo sinh kế cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trước khi làm việc với huyện Con Cuông, đoàn công tác khảo sát tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm bản Xiềng, xã Môn Sơn. Ảnh: Thanh Lê

Các đại biểu cũng đề nghị huyện Con Cuông làm rõ khó khăn của địa phương khi thực hiện Quyết định 61/QĐ-TTg, ngày 12/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của huyện Con Cuông trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu du lịch điểm nhấn của vùng miền núi Nghệ An.

Đoàn khảo sát các sản phẩm truyền thống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị thời gian tới, huyện cần tập trung phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch; nông thôn mới gắn với nông nghiệp; du lịch gắn với dịch vụ; phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa; đảm bảo môi trường; giữ vững quốc phòng - an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng.

Đoàn công tác tham quan chợ phiên tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cho rằng huyện Con Cuông phấn đấu xây dựng huyện thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái là đúng hướng. Trên cơ sở đó, huyện tập trung phát huy tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn khảo sát tham quan đập Phà Lài, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Đoàn công tác khảo sát du lịch trải nghiệm trên sông Giăng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Lê

Trên cơ sở phân tích những khó khăn của địa phương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh các yêu cầu về chính sách và nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu mà huyện Con Cuông đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đồng thời đề nghị huyện tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng các loại hình du lịch - dịch vụ; duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn môi trường sinh thái gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 26 khảo sát tại khu vực biên giới ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO