Đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá về hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh
(Baonghean.vn) - Sáng 11/9, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020).
Dự hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo do các đồng chí: Trần Đình Thành, Phạm Mai Hùng, Trần Thị Mỹ Hạnh đồng chủ trì. Ảnh: Đức Anh |
Tại báo cáo đề dẫn, PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam báo cáo đề dẫn. Ảnh: Đức Anh |
Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An” nhằm đánh giá giá trị, tiềm năng của hệ thống di tích về Xô viết Nghệ Tĩnh; phân tích rõ thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ thống di tích nói trên, đồng thời xác lập những giải pháp có hiệu quả thiết thực để khai thác, phát huy giá trị của các di tích tương thích với chiến lược phát triển du lịch bền vững của Nghệ An trong bối cảnh mới.
Hội thảo tập hợp 25 tham luận, nội dung tập trung vào 3 vấn đề lớn: Đánh giá ý nghĩa và bài học của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh với cách mạng Việt Nam; Đánh giá khách quan và khoa học thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh hơn nửa thế kỷ qua; Các giải pháp pháp lý, khoa học phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa xứ Nghệ để bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả hệ thống các giá trị ẩn chứa trong các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh trên đất Nghệ An.
Ông Trần Đình Hà (Sở Du lịch Nghệ An) đề xuất giải pháp về phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trong khai thác, kết nối các tour du lịch về nguồn. Ảnh: Đức Anh |
Trên địa bàn Nghệ An hiện có trên 400 di tích có liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nhưng mới chỉ có 40 di tích được xếp hạng. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh ở các địa phương trong và ngoài tỉnh hiện nay.
Xây dựng điểm đến và hình thành tour, tuyến
Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của Thạc sỹ Hoàng Thị Khánh (Phó trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An) đề xuất giải pháp bảo tồn, trùng tu các di tích gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Bao gồm: Tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; rà soát hiện trạng, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới để tránh tình trạng xâm lấn di tích.
Cán bộ, nhân dân huyện Hưng Nguyên và du khách gần xa về dâng hoa, dâng hương tại Quảng trường Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Công Kiên |
Tăng cường huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa từ tỉnh xuống huyện, xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để nhân dân hiểu sâu sắc về giá trị của di sản. Thường xuyên kiểm tra hiện trạng di tích và biểu dương những tổ chức, cá nhân tích cực và xử lý nghiêm những trường hợp xâm phạm di tích…
Tham luận tại Hội thảo, Thạc sỹ Trần Đình Hà (Sở Du lịch Nghệ An) về phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trong khai thác, kết nối các tour du lịch về nguồn. Qua đó, đề xuất một số giải pháp: Quan tâm nội dung trưng bày tại các di tích để thu hút du khách; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư, bảo tồn, tu bổ di tích nhằm bảo vệ những dấu tích vật chất, những giá trị văn hóa của di tích.
Thạc sỹ Hoàng Thị Khánh - Phó trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An đề xuất giải pháp bảo tồn, trùng tu các di tích gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh. Ảnh: Đức Anh |
Nâng cao chất lượng, đào tao và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn, thái độ phục vụ khách tham quan của cán bộ quản lý và người dân. Quan tâm bảo vệ môi trường, cảnh quan và nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá về hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để gắn các di tích Xô viết Nghệ Tĩnh vào các tour du lịch về nguồn.
Bên cạnh đó, một số tham luận cũng đề xuất cần tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với di tích, thu hút khách đến tham quan, nghiên cứu; tạo điều kiện cho tư nhân tham gia quản lý, đầu tư bảo tồn di tích để phát triển du lịch.
Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Đức Anh |
Phát biểu tổng kết, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định các ý kiến tại Hội thảo đã đánh giá đúng về ý nghĩa, tầm vóc của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đối với cách mạng Việt Nam và ý nghĩa của hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh. Đồng thời, đánh giá đúng thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp về công tác bảo tồn, phát huy di tích Xô viết Nghệ Tĩnh.
Những ý kiến đánh giá và giải pháp đề xuất tại Hội thảo sẽ được tiếp thu và nghiên cứu để công tác bảo tồn, phát huy di tích Xô viết Nghệ Tĩnh được thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới./.