ETEP đã tác động đến sự phát triển của các trường học ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chiều 10/5, Trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình ETEP sau 5 năm thực hiện từ 2017 đến 2022.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Dự hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP Trung ương, cùng các cán bộ của chương trình; đại diện các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình; đại diện Sở GD&ĐT 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cùng cán bộ, giảng viên cốt cán Trường ĐH Vinh.
Trường ĐH Vinh là 1 trong 8 đơn vị sư phạm chủ chốt trong cả nước tham gia Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (viết tắt là Chương trình ETEP).
Tại hội nghị, GS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đã báo cáo kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ của chương trình ETEP. Theo đó, 5 năm qua, chương trình ETEP đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của Trường ĐH Vinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tất cả các lĩnh vực của chương trình đều có kết quả đạt so với mục tiêu đề ra. Nhiều hoạt động đạt kết quả vượt trội.
Trường ĐH Vinh đã tham gia đào tạo xấp xỉ 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và 70 nghìn giáo viên đại trà, đạt mục tiêu đề ra. Đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng thông qua các mô đun, và đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành các mô đun bắt buộc. Còn lại các mô đun tự chọn sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Qua đó, giúp giáo viên cơ bản thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình cũng như chương trình phát triển nghề nghiệp thường xuyên.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ của ETEP thông qua hệ thống LMS đã phát huy được hiệu quả, chứng tỏ tính ưu việt của mô hình bồi dưỡng mới. Sự kết nối giữa giảng viên chủ chốt – giáo viên cốt cán – giáo viên phổ thông đại trà trên nền tảng học liệu dùng chung trực tiếp trên LMS đã tạo ra một diễn đàn mở, một hệ sinh thái chuyên môn nội sinh hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nghề nghiệp. Phần lớn giáo viên phổ thông hài lòng với hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn của chương trình ETEP.
Giáo viên phổ thông cốt cán tham gia quá trình bồi dưỡng theo chương trình ETEP. Ảnh: Chương trình cung cấp |
Trong bối cảnh này, GS. Nguyễn Huy Bằng đề xuất Bộ GD&ĐT có kế hoạch và chính sách, đầu tư nguồn lực cho các trường trong khối ETEP hỗ trợ các trường có đào tạo giáo viên ngoài khối ETEP để đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đề nghị Bộ khẩn trương hoàn thiện và đưa bộ chuẩn TEIDI và đánh giá các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Đồng thời nên có chuẩn chương trình đào tạo giáo viên để các trường có định hướng để nâng chất lượng đội ngũ sư phạm.
ETEP là Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, vốn vay của Ngân hàng Thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2016. Mục tiêu của Chương trình ETEP là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Tham gia Chương trình ETEP gồm 8 trường sư phạm chủ chốt: Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục. Các đơn vị này được đầu tư để nâng cao năng lực về đội ngũ, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Các đơn vị này được xác định sẽ là các đơn vị chủ chốt, đầu tàu cho mạng lưới các trường sư phạm sắp tới. Các trường này sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các trường sư phạm khác cùng phát triển.
TS. Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc BQL Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc BQL Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Vinh trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Nhà trường đã cử đội ngũ cán bộ, giảng viên chủ chốt có năng lực chuyên môn cao, phương pháp bồi dưỡng hiệu quả và tinh thần trách nhiệm tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Trong 5 năm qua, ĐH Vinh đã hoàn thành hầu hết các cam kết, chỉ tiêu theo thỏa thuận (cam kết trong PA). Hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và 5 mô đun bồi dưỡng giáo viên đại trà, đạt và vượt chỉ tiêu PA. Qua đó nâng cao năng lực giáo viên phổ thông, hỗ trợ triển khai thành công chương trình GDPT 2018.
Giám đốc BQL Chương trình ETEP chúc mừng kết quả ấn tượng của Trường ĐH Vinh và mong muốn nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa năng lực đào tạo. Hướng đến mục tiêu là trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia./.